Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021: Văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn

(BKTO) - Hội nghị Văn hóa toàn quốc đã khép lại, song giá trị từ Hội nghị là vô cùng to lớn, làm lay động, thức tỉnh không chỉ giới văn, nghệ sĩ mà mọi thành phần, lực lượng trong xã hội về vấn đề văn hóa. Nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đây là “Hội nghị Diên Hồng” về văn hóa trong thời kỳ mới và “Văn hóa còn thì dân tộc còn”.



Từ những chia sẻ tâm huyết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho đến những ý kiến đóng góp của các đại biểu là các văn nghệ sĩ tại Hội nghị đã "hiến kế" để văn hóa chuyển mình, phát triển xứng với kỳ vọng trong thời kỳ mới cùng đất nước.
                
   

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu là văn nghệ sĩ tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra ngày 24/11. Ảnh: Tuổi trẻ

   

Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng: Văn hóa làm nên hồn cốt dân tộc

Khẳng định ý nghĩa đặc biệt của Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói lâu nay văn hóa chưa được một bộ phận cán bộ và người dân nhận thức đầy đủ vai trò "soi đường cho quốc dân đi".

Mượn lời tiền nhân: "Văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất", Tổng Bí thư nhiều lần khẳng định “văn hóa còn thì dân tộc còn” trong suốt bài phát biểu tâm huyết kéo dài gần 1 giờ.

Tổng Bí thư dẫn ra nhiều khái niệm văn hóa mang tính học thuật của các nhà nghiên cứu và cũng chia sẻ quan niệm giản dị của mình về văn hóa. Theo đó, văn hóa rất gần gũi với đời sống, khi người dân được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ công bằng... ấy là văn hóa. Ngược lại, những xấu xa, bỉ ổi chính là vô văn hóa, phi văn hóa, phản văn hóa.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, nhận thức của Đảng ta về văn hóa trong thời kỳ đổi mới ngày càng được hoàn thiện và sâu sắc hơn, việc triển khai trong thực tế cũng tốt hơn nên gần đây văn hóa có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống, đi vào cả trong chính trị và trong kinh tế, công nghiệp văn hóa và thị trường văn hóa có bước khởi sắc.

Nhưng cũng có một thực tế là việc thể chế các quan điểm của Đảng còn chậm, việc triển khai thực hiện các chính sách đâu đó còn chưa tốt; văn hóa chưa được các cấp, ngành nhận thức sâu sắc, chưa được quan tâm đầy đủ, chưa thành nguồn lực nội sinh để phát triển đất nước. Nhìn lại sau 35 năm đổi mới, trong lĩnh vực văn hóa thiếu vắng những tác phẩm lớn, những nghệ sĩ lớn. Ca nhạc chỉ thấy nhảy múa, ăn mặc hở hang để giải trí để khán giả rảnh thì xem chứ không phải là kênh giáo dục con người như chức năng vốn có của nó.

"Văn nghệ sĩ phải sáng tác thế nào để giáo dục, bồi đắp tâm hồn con người chứ không phải chỉ chạy theo giải trí, thị trường. Xưa kháng chiến khó khăn là vậy nhưng chúng ta có bao tác phẩm hay, nghệ sĩ nổi tiếng khiến cả triệu trái tim rung động. Bây giờ nhìn thấy có ai, tác phẩm lớn nào không? Bảo tàng thì cho thuê mặt bằng làm kinh tế mất cả giá trị bản sắc văn hóa đi..." – Tổng Bí thư thẳng thắn bày tỏ, đồng thời lưu ý các văn nghệ sĩ, trước tiên phải khẳng định được giá trị của mình thông qua sáng tạo nghệ thuật, từ đó mới có thể lan tỏa rộng, qua văn hóa để “soi đường cho quốc dân".

PGS,TS. Nhạc sĩ, Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam: Để văn hóa, văn nghệ “Soi đường cho quốc dân đi”

Để văn hóa phát triển đúng tầm vóc, thực sự tạo động lực thúc đẩy phát triển đất nước, cần khẳng định vai trò lãnh đạo trên hết, trước hết của Đảng đối với công tác này. Điều đó được thể hiện trong các văn bản của Đảng về công tác văn hóa.

Nghị quyết số 23-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật được ban hành và thực hiện đến nay đã hơn 13 năm, không còn hoàn toàn phù hợp với tinh thần mới của Nghị quyết số 33-NQ/TW và đặc biệt là tinh thần, nội dung của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Hơn nữa, Nghị quyết số 23-NQ/TW cũng không còn theo kịp với những biến chuyển mau lẹ và to lớn của thực tiễn trong nước và trên thế giới, nhất là sự phát triển và cạnh tranh gay gắt của công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo và các loại hình văn học, truyền thông, giải trí mới. Để thiết thực đưa tinh thần, nội dung của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII vào thực tiễn, cần có một nghị quyết chuyên đề mới của Bộ Chính trị về phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam.

Thứ hai, Chính phủ cần chỉ đạo tổng kết việc thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trong thời gian 2016 đến nay, đồng thời ban hành chiến lược mới phù hợp hơn với tình hình mới. Đồng thời, Chính phủ cần sớm cho phép ban hành Chiến lược phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam trong điều kiện mới. Thực tế là từ tháng 9/1945 đến nay, chúng ta chưa có một chiến lược nào đối với sự phát triển của văn học và nghệ thuật. Đây cũng là một trong những nguyên nhân cụ thể, trực tiếp của tình hình sa sút, kém phát triển, thiếu vắng những công trình, tác phẩm văn học, nghệ thuật đỉnh cao và của nhiều hạn chế, khó khăn khác.

Thứ ba, về cơ chế đầu tư và phát triển các nguồn lực, cần có sự đổi mới căn bản và toàn diện theo hướng: tăng cường các nguồn lực đầu tư từ Nhà nước về tài chính, cơ sở vật chất và nhất là về cơ chế, nhưng phải xác định đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm thì mới phát huy được hiệu quả tối ưu, tránh được lãng phí. Trong bối cảnh hiện nay, Nhà nước cần có cơ chế để đa dạng hóa nguồn lực đầu tư, nhất là thu hút các nguồn đầu tư từ ngoài NSNN, từ xã hội và nhất là từ cộng đồng DN, kể cả DN nước ngoài, đương nhiên phải theo những quy định, cơ chế cụ thể.

Thứ tư, cần tiếp tục chăm lo đến sự phát triển của đội ngũ văn nghệ sĩ. Suy cho cùng, mọi thành công hay yếu kém, thất bại của nền văn học, nghệ thuật nước nhà ngày nay đều khởi đầu từ con người, do đội ngũ văn nghệ sĩ mà ra.
                
   

Đảng, Bác Hồ luôn dành sự quan tâm sâu sắc, thiết thực tới lĩnh vực văn hóa. Điều này cần được các văn nghệ sĩ trân trọng, từ đó không ngừng sáng tạo để đổi mới văn hóa dân tộc. Ảnh minh họa: N.LỘC

   

GS,TS. Lê Hồng Lý – Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam: Khơi dậy những động lực và sức mạnh văn hoá

Trải qua những thử thách và thực tế thời gian qua, cho thấy sự phát triển kinh tế nhanh chóng đã đạt được rất nhiều thành tích quan trọng. Song do phải tập trung giải quyết và phần nào đó có sự say sưa về các thành tích tăng trưởng mà chúng ta không lường đến những hệ luỵ, những bất cập trong xã hội, mà nhiều những vấn đề trong đó, là do chưa nhìn nhận đầy đủ về văn hoá. Vì thế Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã khẳng định lại và làm sâu sắc hơn vai trò của văn hoá trong hoàn cảnh mới. Mới đây nhất, ngày 17/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết quan trọng "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, trong đó nhấn mạnh việc coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Thiết nghĩ, một mặt đây là sự coi trọng và chú ý của Đảng, đứng đầu là đồng chí Tổng bí thư, nhưng mặt khác, ở một góc nhìn nào đó tất cả chúng ta chưa nhìn nhận được một cách đầy đủ động lực và sức mạnh nội sinh của văn hoá trong sự phát triển

Trước hết phải tạo ra được một xã hội có môi trường văn hoá nhân bản, lành mạnh và tiến bộ, mọi thứ trong môi trường đó phải rõ ràng, minh bạch. Trong xã hội đó sự trung thực, lòng trắc ẩn, hướng thiện phải được đề cao. Bảo vệ và phát huy nền văn hoá truyền thống của dân tộc vốn được xây đắp hàng nghìn đời nay bằng máu xương và mồ hôi, nước mắt của biết bao thế hệ cha ông. Nền văn hoá đó phải bắt đầu từ cái nôi đầu tiên là gia đình với những truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam rồi tới cộng đồng và xã hội. Đó là những động lực văn hoá nâng con người ta lên trước những thử thách, khó khăn.

Tiếp theo cần hiểu động lực và sức mạnh nội sinh của văn hoá phải được nuôi dưỡng, giáo dục, vun đắp, chăm bón từng ngày, từng giờ, từ những công việc hết sức nhỏ bé, bình thường diễn ra hàng ngày đến sự trải nghiệm, từng trải được hun đúc, trao truyền ngấm dần từ thế hệ này qua thế hệ khác trở thành căn tính, truyền thống, trở thành gen di truyền văn hoá trong mỗi con người. Có như vậy, cái động lực ấy mới không bị mai một, bị ảnh hưởng, lôi kéo trước bất cứ một cám dỗ vật chất hay tinh thần nào để nó bị vẩn đục, tha hoá.

N.LỘC
Cùng chuyên mục
Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021: Văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn