Hội nhập ASEAN mang lại những thành tựu lớn cho Việt Nam

(BKTO) - Hội nhập kinh tế ASEAN mang lại những thành tựu lớn cho Việt Nam, nhưng kèm theo đó là cả thách thức. Để vượt qua thách thức, phát huy những thành tựu đã đạt được một cách bền vững, Việt Nam cần tiếp tục có những định hướng, chính sách phù hợp - Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chia sẻ với báo giới nhân dịp kỷ niệm 26 năm Việt Nam gia nhập ASEAN và 54 năm thành lập ASEAN (08/8/1967-08/8/2021).



                
   

ASEAN đã trải qua 54 năm hình thành và phát triển. Ảnh: dangcongsan.vn

   

Cộng đồng Kinh tế ASEAN năng động

Từ năm 1992, ASEAN đã thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế khu vực thông qua việc hình thành một Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa các nước trong khối ASEAN (AFTA). AFTA được coi là hiệp định được triển khai rất thành công giữa các nước đang phát triển, đưa ASEAN trở thành một trong những khu vực phát triển kinh tế năng động nhất trên thế giới.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, khi thuế quan nội khối dần được loại bỏ, ASEAN nhận thấy ở thời điểm đó khu vực vẫn còn nhiều thách thức cần vượt qua. Dù có bước phát triển kinh tế được coi là ngoạn mục nhưng nền kinh tế của từng nước ASEAN vẫn còn ở quy mô nhỏ, chưa đủ lực để có thể cạnh tranh với các trung tâm kinh tế khác trên thế giới.

Trong khi đó, kinh tế thế giới có nhiều thay đổi nhanh chóng, gần đây nổi lên là sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, đầu tư xuyên biên giới và thương mại dịch vụ… Để có thể đón trước được làn sóng thay đổi này, ASEAN cần có những bước đi mạnh mẽ trong quá trình hội nhập kinh tế ở những lĩnh vực khác như dịch vụ, đầu tư, thương mại điện tử…
                
   

Quang cảnh lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 được tổ chức tại Việt Nam năm 2020. Ảnh: TTXVN

   

Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập vào ngày 31/12/2015 đã đáp ứng các nhu cầu của khu vực, được trông đợi sẽ giúp ASEAN vượt qua những thách thức nêu trên, từng bước xây dựng một khu vực năng động, có tính cạnh tranh cao trên thế giới.

Nhằm mở rộng hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, ASEAN đã và đang đẩy mạnh triển khai các FTA với các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia - New Zealand, Hồng Kông (Trung Quốc).

Sau 8 năm, ASEAN cũng đã kết thúc đàm phán và ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) với 5 nước đối tác: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia -New Zealand vào ngày 15/11/2020. Hiệp định được kỳ vọng khi 15 nước thực thi, sẽ tạo nên khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm 30% dân số thế giới và GDP 26,2 nghìn tỷ USD.

Hiện nay, ASEAN đang tiến hành đàm phán nâng cấp 03 FTA với các đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia - New Zealand và đang cân nhắc về khả năng đàm phán FTA với Canada, Liên minh châu Âu (EU).

Trước tình hình vai trò của hệ thống thương mại đa phương trong thương mại quốc tế đang bị lung lay, chiến tranh thương mại kéo dài, kinh tế thế giới bị suy giảm nghiêm trọng do tác động của đại dịch Covid-19, các nước ASEAN đang đối mặt với 03 thách thức mới trong hợp tác kinh tế.

Một là sự suy yếu của WTO dẫn đến khó khăn trong việc phát triển khuôn khổ hợp tác kinh tế đa phương minh bạch, bình đẳng, dựa theo luật lệ. Hai là các nền kinh tế nhỏ, đang phát triển phải chịu sức ép từ chủ nghĩa bảo hộ ở các nước lớn. Ba là việc gián đoạn chuỗi cung ứng khu vực do tác động của đại dịch Covid-19 cho thấy việc phụ thuộc vào một nguồn cung ứng nguyên vật liệu trong thời gian dài là một trở ngại mà ASEAN cần khắc phục.
                
   

Tăng cường liên kết nội khối đã giúp ASEAN trở thành một trung tâm kinh tế của thế giới. Ảnh minh họa: Ảnh: TTXVN

   

Trong bối cảnh này, ASEAN càng cần tăng cường hợp tác, củng cố liên kết, xác định hướng phát triển đúng đắn để cùng vượt qua khó khăn, duy trì tăng trưởng kinh tế.


Việt Nam đón cơ hội lớn nhưng cũng ứng phó cả thách thức từ ASEAN

Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, gia nhập ASEAN là bước hội nhập kinh tế quốc tế đầu tiên và là cơ sở để Việt Nam thúc đẩy chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế.

Sau 26 năm gia nhập ASEAN, kinh tế Việt Nam đã có những thay đổi vượt bậc về mọi mặt. Năm 1995, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt 289 USD thì đến năm 2020 đã là 3.520 USD, tăng hơn 12 lần. Quy mô nền kinh tế tăng gần 17 lần, từ 20,8 tỷ USD vào năm 1995 lên khoảng 343 tỷ USD vào năm 2020, đứng thứ tư trong khu vực ASEAN. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng từ 5,2 tỷ USD năm 1995 lên 283 tỷ USD năm 2020. Cùng với hội nhập kinh tế quốc tế và tham gia vào các tổ chức trong khu vực và trên thế giới, nguồn vốn FDI vào Việt Nam tăng mạnh qua các năm, đạt 29 tỷ USD vào năm 2020.
                
   

Quang cảnh lễ kỷ niệm 54 năm thành lập ASEAN tại Mexico. Ảnh: TTXVN

   

Năm 2020, trong vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã có những đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN, xây dựng ASEAN “Gắn kết và Chủ động thích ứng”, đề xuất nhiều sáng kiến củng cố chuỗi cung ứng khu vực, khắc phục hậu quả tiêu cực do đại dịch Covid-19; thúc đẩy kết thúc đàm phán và ký kết thành công Hiệp định RCEP. Thành tựu này khẳng định thêm vị trí, vai trò của Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế đa phương, khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, cùng với những cơ hội thì Cộng đồng kinh tế ASEAN cũng đang tạo ra thách thức đối với Việt Nam.

Một trong những thách thức lớn nhấtlà sự chênh lệch về trình độ phát triển so với 06 nước thành viên ban đầu của ASEAN (ASEAN-6). Trải qua 26 năm, khoảng cách này đã được thu hẹp đáng kể. Tiêu biểu nhất là Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đã tiệm cận các nước ASEAN đi trước. Cụ thể, chỉ số HDI năm 2019 của Việt Nam là 0,704 - thuộc nhóm phát triển con người cao và thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 2.660 USD. Riêng về kim ngạch xuất khẩu và thu hút vốn đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã vượt nhiều nước ASEAN-6.

Để vượt qua thách thức, duy trì bền vững các thành tựu đạt được, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, trước tiên, Việt Nam cần cùng các nước ASEAN khẳng định và thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN trong việc điều phối các hoạt động hợp tác kinh tế trong khu vực. Đồng thời cần thúc đẩy thực hiện Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN đến năm 2025, điều chỉnh các chương trình hợp tác trong ASEAN đáp ứng với tình hình mới; sớm phê duyệt và thực thi Hiệp định RCEP để góp phần thúc đẩy các chuỗi cung ứng khu vực...
QUỲNH ANH
Cùng chuyên mục
Hội nhập ASEAN mang lại những thành tựu lớn cho Việt Nam