Đây là sự kiện quan trọng trong chuỗi các hoạt động Kỷ niệm 30 năm thành lập KTNN (11/7/1994-11/7/2024). Với tinh thần khẩn trương, chu đáo, đến nay, công tác chuẩn bị cho Hội thảo đã hoàn tất.
Tại Hội thảo “Hành trình 30 năm hình thành và phát triển của Kiểm toán nhà nước”, các đồng chí nguyên lãnh đạo và nguyên cán bộ, công chức KTNN qua các thời kỳ; đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, đơn vị; các chuyên gia, nhà khoa học sẽ tham luận, thảo luận, chia sẻ những câu chuyện thú vị về ngày đầu thành lập và quá trình phát triển của KTNN; sự đóng góp to lớn của KTNN đối với Đảng, Nhà nước và Nhân dân trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội.
Hội thảo gồm 2 phiên chính. Phiên thứ nhất với chủ đề: “Hành trình 30 năm hình thành và phát triển của KTNN” và Phiên thứ hai có chủ đề: “KTNN - Vững bước hiện tại, tiến bước tương lai”.
Xuyên suốt quá trình 30 năm xây dựng và trưởng thành, với phương châm “Chuyên nghiệp - Liêm chính - Hội nhập”, KTNN luôn hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó; luôn đổi mới, sáng tạo để không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực kiểm toán; góp phần quan trọng vào sự minh bạch, phát triển bền vững nền tài chính quốc gia; nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đất nước và phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đóng góp tích cực vào thành tựu của công cuộc đổi mới, hoàn hiện thể chế của đất nước. KTNN đã và đang phát triển trở thành công cụ quan trọng của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Hướng tới tương lai, lãnh đạo KTNN cho biết, mục tiêu phát triển KTNN được xác định là: “Phát triển KTNN là công cụ trọng yếu, hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; nâng cao trách nhiệm giải trình và đảm bảo tính công khai, minh bạch của các cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước, phục vụ hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Chính phủ trong thực hiện chức năng lập pháp, giám sát, quản lý điều hành và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước”.
Để thực hiện được mục tiêu trên, KTNN sẽ thực hiện ba trụ cột: hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, phát triển nguồn nhân lực và công nghệ.
Theo đó, cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho tổ chức và hoạt động trên cơ sở rà soát, tổng kết, đánh giá Luật KTNN để đề xuất các chính sách pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển của KTNN; nhiệm vụ kiểm toán các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực; kiểm toán trên nền tảng dữ liệu số. Bên cạnh đó, ban hành Hệ thống Chuẩn mực KTNN mới, hiện đại, phù hợp với nội dung sửa đổi, bổ sung của Chuẩn mực kiểm toán quốc tế của INTOSAI.
Về nguồn nhân lực, phát huy những thành tựu đã đạt được, giai đoạn tới, KTNN sẽ tập trung đào tạo công chức, kiểm toán viên nhà nước “vừa hồng, vừa chuyên”, “nghệ tinh, tâm sáng”, tức là về nghiệp vụ, kỹ năng, kiến thức pháp luật, trong đó có pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và đặc biệt là đào tạo về đạo đức công vụ, giúp cho đội ngũ kiểm toán viên nhà nước không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh vững vàng, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của Ngành...
Về định hướng phát triển trụ cột công nghệ, từ nay đến năm 2030, KTNN sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi hoạt động của Ngành, trọng tâm là hoạt động kiểm toán, phù hợp với lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử, phát triển kinh tế số, xã hội số ở Việt Nam, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, sự phát triển của kinh tế số. Đồng thời, nghiên cứu triển khai ứng dụng công nghệ dựa trên dữ liệu số, AI, điện toán đám mây vào hoạt động kiểm toán; hình thành hệ thống nền tảng quản trị thông minh cho quá trình chuyển đổi phương pháp kiểm toán truyền thống sang phương pháp kiểm toán hiện đại dựa trên dữ liệu số; đến năm 2025 cơ bản hình thành kiểm toán số…
Với bề dày truyền thống và những thành tựu đã đạt được trong 30 năm qua, tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng cùng với sự quyết tâm, nỗ lực, không ngừng đổi mới, sáng tạo, trong hành trình sắp tới, KTNN sẽ không ngừng nỗ lực để thực hiện thắng lợi Chiến lược Phát triển KTNN đến năm 2030, góp phần quan trọng trong việc giữ gìn kỷ luật, kỷ cương quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí./.