Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9: Sẽ hoàn thành toàn bộ 12 chỉ tiêu Quốc hội giao năm 2018

(BKTO) - Chiều 01/10, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Chính phủ đã tổ chức họp báo thường kỳ tháng 9/2018.




Quang cảnh buổi họp báo Chính phủ tháng 9/2018 -Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tham dự phiên họp có đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành: Công an, Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, cùng đông đảo phóng viên các cơ quan báo chí, truyền thông ở Trung ương và Hà Nội.

Bộ trưởng, Chủ nghiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã thông tin vắn tắt một số nội dung của phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9 diễn ra cùng ngày. Theo đó, Chính phủ đã đánh giá toàn diện tình hình kinh tế- xã hội tháng 9, 9 tháng năm 2018, cả mặt được và chưa được. Thành tựu nổi bật là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng ước đạt 6,98%. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2018 ước tăng 0,59% so với tháng trước, tăng 3,2% so với tháng 12/2017 và tăng 3,98% so với cùng kỳ năm 2017. Dự kiến, chỉ số CPI sẽ kiểm soát được dưới 4%, theo chỉ tiêu Quốc hội giao.

Kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt 179 tỷ USD, tăng 15,4%. Đáng mừng là xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng cao hơn khu vực FDI, cụ thể khu vực trong nước tăng 17,5% trong khi khu vực FDI (kể cả dầu thô) tăng 14,6%. Trong 9 tháng tiếp tục xuất siêu 5,39 tỷ USD, đây là mức kỷ lục.

Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước và tương đương 34% GDP. FDI thực hiện ước đạt 13,25 tỷ USD. Tổng cầu tăng mạnh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,3%, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,8%. Khách quốc tế đạt trên 11,6 triệu lượt, tăng 22,9%, quyết tâm đạt trên 15 triệu lượt.

Trong 9 tháng, cả nước có trên 96.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 963,4 nghìn tỷ đồng, tăng 2,8% về số doanh nghiệp và tăng 6,7% về số vốn. Gần 23.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 8,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, con số tạm dừng hoạt động cũng tăng cao. Việt Nam tiếp tục dẫn đầu thế giới về Chỉ số tinh thần khởi nghiệp, với 92% người được hỏi sẽ cân nhắc khởi nghiệp, 88% sẵn sàng chấp nhận rủi ro thất bại khi khởi nghiệp so trung bình thế giới ở mức 47%.

Đến thời điểm này, chúng ta có thể khẳng định sẽ hoàn thành toàn bộ 12 chỉ tiêu Quốc hội giao cho năm 2018, với 8 chỉ tiêu vượt và 4 chỉ tiêu đạt. Thu ngân sách 2018 dự kiến tăng khoảng 3% so với dự toán và tăng 5,5% so với năm 2017. Con số rất ấn tượng là bội chi năm 2018 dự kiến đạt 3,67%, thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội giao là 3,7%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội Quốc hội giao từ 33-34% thì dự kiến cả năm vẫn giữ được mức cao là 34%. Xuất nhập khẩu dự kiến đạt 475 tỷ USD, với 238 tỷ USD xuất khẩu, xuất siêu 1 tỷ USD.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết: Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương không được lơ là, chủ quan với kết quả đạt được; cần tiếp tục tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; bám sát diễn biến tình hình quốc tế, trong nước, có đối sách phù hợp, kịp thời, đặc biệt là mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát dưới 4%.

Tại họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng và đại diện các Bộ, ngành đã trả lời nhiều câu hỏi của các nhà báo về các vấn đề được dư luận quan tâm thời gian qua như: quan điểm xử lý của Bộ Công an và UBND thành phố Hà Nội về hiện tượng thu tiền bảo kê của một nhóm đối tượng đối với các tiểu thương tại chợ Long Biên- Hà Nội; quan điểm của Chính phủ về việc 14ha đất quốc phòng bị lấn chiếm trái phép tại Hải Phòng; những vấn đề này sinh trong quá trình thực hiện Nghị định 158 của Chính phủ về luân chuyển cán bộ tại một số quận, huyện của TP. Hà Nội; xung quanh kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ về những sai phạm trong việc chuyển nhượng đất đai ở vị trí đất vàng, từ đất công sang đất tư để triển khai các dự án bất động sản; giải pháp của Chính phủ trong việc kiểm soát quyền lực, tránh cách làm quan liêu của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vừa ra mắt; giải pháp tránh tình trạng độc quyền in sách giáo khoa; những khúc mắc xung quanh vấn đề đặt trạm thu phí BOT Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang; giải pháp của Ngân hàng Nhà nước trong việc chấn chỉnh hoạt động cho vay online với nhiều biến tướng tiềm ẩn rủi ro với khách hàng…

Giải đáp câu hỏi của phóng viên về giải pháp nhằm kiểm soát quyền lực, tránh cách làm quan liêu của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh cho biết: Khi xây dựng đề án thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, mục tiêu của Chính phủ là để xoá bỏ tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”, khi các bộ chuyên ngành vừa ban hành chính sách trong lĩnh vực đó, đồng thời trực tiếp quản lý các doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước.

Ngày 29/9, Chính phủ đã ban hành Nghị định 131, trong đó đưa ra hành lang pháp lý của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Theo đó, Ủy ban này sẽ thay mặt Nhà nước giám sát khối tài sản, vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước, chứ không phải cơ quan sử dụng vốn này. Chúng ta chỉ tập trung giám sát vốn đó có được các doanh nghiệp dùng hiệu quả không, có khả năng, nguy cơ thất thoát hay không và sẽ triển khai các biện pháp can thiệp, chứ Ủy ban không phải người sử dụng vốn này, không can thiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trực tiếp của các doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh cũng nhấn mạnh, vừa qua, Chính phủ đã có định hướng rõ ràng về hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Thứ nhất, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải tập trung vào giám sát, phải là một cơ quan chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu chuyên môn. Thứ hai là nâng cao trách nhiệm giải trình trong quá trình giám sát sử dụng vốn Nhà nước gắn với trách nhiệm quản lý, bảo tồn tài sản của Nhà nước trong các doanh nghiệp này với các cá nhân cụ thể. Chỉ khi gắn trách nhiệm với cá nhân cụ thể thì mới có cơ chế, cách thức để đảm bảo nguồn lực của đất nước không bị lãng phí.

Thứ ba là vừa qua thông tin về các hoạt động doanh nghiệp nhà nước vẫn có thiếu hụt sự tường minh, công khai hoá… Do vậy, Ủy ban đã xây dựng lộ trình rõ ràng về việc ứng dụng CNTT, đã có mô hình sử dụng dữ liệu lớn, quản lý giám sát hoạt động các doanh nghiệp nhà nước một cách thường xuyên mà không cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh thường xuyên của doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ tại buổi họp báo - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Về tình trạng độc quyền sách giáo khoa nhiều năm nay, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết: Nghị quyết số 40/2000/QH10 của Quốc hội Khóa X giao cho Bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn bộ tài liệu sách giáo khoa mới. Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết định thành lập nhóm biên soạn sách giáo khoa, tổ chức biên soạn và cần Hội đồng thẩm định quốc gia để thẩm định. Sau đó, nhà xuất bản sẽ tổ chức biên tập, chỉnh sửa, in ấn.

Quá trình thực hiện, nhà xuất bản đều đã tổ chức đấu thầu việc in ấn và chia ra làm 4 khu vực để tổ chức in ấn, xuất bản, cung cấp sách cho địa phương để giảm chi phí vận chuyển sách. Vừa qua đã có quyết định, thông báo chính thức về việc giao quyền cho 5 nhà xuất bản tổ chức in ấn sách giáo khoa và sẽ xoá được vấn đề độc quyền. Đồng thời, cũng huy động nhiều nguồn lực xã hội hoá để tổ chức biên soạn sách giáo khoa.

PHÙNG NGUYÊN
Cùng chuyên mục
Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9: Sẽ hoàn thành toàn bộ 12 chỉ tiêu Quốc hội giao năm 2018