Đây là sự kiện được Trường Đại học Ngoại thương tổ chức định kỳ nhằm tổng kết, chia sẻ các kinh nghiệm và mô hình hợp tác, trao đổi về các xu hướng hợp tác mới; tri ân các đối tác đồng hành, chào mừng ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10.
Phát biểu khai mạc chương trình, PGS,TS. Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương chia sẻ, với sứ mệnh phụng sự xã hội bằng sự xuất sắc trong giáo dục, sáng tạo và chuyển giao tri thức, Nhà trường luôn xác định việc hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển lâu dài của nhà trường.
Theo PGS.TS Bùi Anh Tuấn, sáng kiến tổ chức Diễn đàn hợp tác giữa Doanh nghiệp với Nhà trường được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2017.
Thông qua Diễn đàn này, Nhà trường mong muốn khơi thông nguồn lực, thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, kết nối và lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo, mang tới những tác động tích cực cho tất cả các bên liên quan, biến sức mạnh tri thức mà trường tạo ra trở thành công cụ và tài nguyên có thể chia sẻ và đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của chính mình, cũng như trong việc học tập suốt đời của mỗi người dân.
Với chủ đề “Hợp tác gắn với đào tạo, nâng cao năng lực và tính thực chiến của nguồn nhân lực chất lượng cao” thông qua Diễn đàn năm nay, Trường Đại học Ngoại thương mong muốn tạo ra một không gian chia sẻ và kết nối mở để cùng nhau thảo luận, đánh giá các mô hình hợp tác hiện tại giữa nhà trường với các doanh nghiệp và quan trọng là mang lại cơ hội việc làm cho sinh viên, thúc đẩy sự phát triển xã hội.
Đồng thời, lắng nghe ý kiến, trao đổi, đề xuất những giải pháp, sáng kiến, mô hình hợp tác mới, hướng tới sự phát triển bền vững của cả hai bên cũng như mang lại nhiều giá trị cho cộng đồng - xã hội.
Với điểm nhấn là việc giới thiệu và ra mắt các mạng lưới chuyên gia và đối tác đồng hành trong các lĩnh vực Marketing, Luật và Đào tạo sau đại học, thông qua Diễn đàn này, nhà trường cũng mong muốn khơi thông nguồn lực, thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, kết nối và lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo.
Từ đó, mang tới những tác động tích cực cho tất cả các bên liên quan, biến sức mạnh tri thức mà nhà trường tạo ra trở thành công cụ và tài nguyên có thể chia sẻ và đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tại chương trình, các đối tác đồng hành với Trường Đại học Ngoại thương đã cùng nhìn lại, chia sẻ sáng kiến, hoạt động hợp tác và nhiều giá trị được đồng kiến tạo thông qua hoạt động hợp tác ngày càng chặt chẽ giữa Nhà trường và doanh nghiệp trong giai đoạn 2022-2024.
Những sáng kiến, hoạt động hợp tác này thể hiện phần nào thông điệp và sự tâm huyết của PGS,TS. Bùi Anh Tuấn với sự nghiệp giáo dục và đào tạo được gửi gắm tại Diễn đàn hợp tác Doanh nghiệp và Nhà trường năm 2022, thông qua 4 chữ O.P.E.N (Outstanding - Những sáng kiến, ý tưởng, mô hình đột phá, xuất sắc; Personalized - Các chương trình hợp tác phát huy được thế mạnh và đem lại lợi ích của cả hai bên; Empowered - Tạo động lực và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ; Networkable - Lan toả, kết nối để cùng nhau tạo thêm nhiều giá trị thiết thực).
Tại chương trình, Trường Đại học Ngoại thương đã tổ chức tôn vinh, tri ân các đối tác đồng hành tiêu biểu, các đối tác mới với nhiều hoạt động, sáng kiến nổi bật trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, lãnh đạo nhà trường cùng các Khoa chuyên môn đã trao tặng chứng nhận tới các chuyên gia đồng hành trong các lĩnh vực Đào tạo sau đại học (GPN); lĩnh vực Marketing và lĩnh vực Luật của Trường Đại học Ngoại thương.
Trong khuôn khổ Diễn đàn, các đại biểu doanh nghiệp đã lắng nghe các tham luận, chia sẻ mô hình hợp tác thành công do lãnh đạo Khoa, Viện chuyên môn trong trường chia sẻ xoay quanh chủ đề “Khai thác khía cạnh mới trong hợp tác gắn với đào tạo sau đại học: Khi Nhà trường và doanh nghiệp đổi vai” và “Mô hình kết nối và đồng hành đa bên - căn bản, mở, linh hoạt và thực chiến cho ngành Marketing”.
Phiên thảo luận giữa đại diện lãnh đạo nhà trường và các đại diện tổ chức doanh nghiệp đã diễn ra sôi nổi, là cơ hội để hai bên cùng chia sẻ, thảo luận.
Từ đó, đồng kiến tạo các mô hình hợp tác hiệu quả, phát triển, đẩy mạnh gắn kết với thực tiễn và nâng cao tính thực chiến của các chương trình đào tạo, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, cùng nhau xây dựng một cộng đồng học thuật - doanh nghiệp ngày càng phát triển, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.
Trường Đại học Ngoại thương là đơn vị đi đầu trong thực hiện đề án tự chủ đại học, đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đột phá, trở thành điểm sáng trong lĩnh vực đổi mới, tự chủ đại học, khi luôn lấy chất lượng đào tạo làm hàng đầu.
Đặc biệt, Trường đang nỗ lực triển khai thực hiện Chiến lược phát triển trường giai đoạn 2021 đến 2030 và tầm nhìn 2040 với mục tiêu trở thành Đại học “Đổi mới sáng tạo, có uy tín trong khu vực”.
Trong đó, ngoài việc tăng cường phát triển nội lực từ bên trong; Trường cũng tập trung mạnh mẽ vào nhóm giải pháp liên quan đến hợp tác quốc tế như không ngừng tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác quốc tế uy tín nhằm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế cho sinh viên nhà trường...