Hướng dẫn kiểm toán chương trình mục tiêu quốc gia của Kiểm toán Nhà nước

(BKTO)- Hướng dẫn kiểm toán chương trình mục tiêu quốc gia của Kiểm toán Nhà nước vừa được Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc vừa ký ban hành kèm theo Quyết định số 158/QĐ-KTNN



Quyết định nêu rõ, hướng dẫn này được áp dụng đối với các đơn vị trực thuộc KTNN khi thực hiện các cuộc kiểm toán chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) độc lập hoặc lồng ghép, các Đoàn kiểm toán, đơn vị trực thuộc KTNN được giao nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, đảm bảo chất lượng kiểm toán, tổ kiểm soát chất lượng kiểm toán, các tổ chức, cá nhân được ủy thác hoặc thuê thực hiện kiểm toán, cộng tác viên KTNN.
                
   

Nhiều năm qua, KTNN đã thực hiện kiểm toán các chương trình mục tiêu quốc gia (Ảnh minh họa) - PV

   

Hướng dẫn quy định trình tự, thủ tục kiểm toán chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) gồm 4 bước: chuẩn bị kiểm toán, thực hiện kiểm toán, lập và gửi Báo cáo kiểm toán; theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Theo hướng dẫn, trong bước chuẩn bị kiểm toán, cần phải khảo sát, thu thập thông tin về chương trình, đơn vị được kiểm toán; đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ và thông tin đã thu thập được.

Ở khâu lập kế hoạch kiểm toán tổng quát, văn bản hướng dẫn mục tiêu kiểm toán đối với một chương trình thông thường gồm: xác nhận tính đúng đắn, trung thực của các báo cáo quyết toán của chương trình; đánh giá hoạt động quản lý chỉ đạo điều hành phối hợp thực hiện của các đơn vị tham gia quản lý chương trình; đánh giá tình hình thực hiện nội dung, mục tiêu chương trình; đánh giá việc tuân thủ pháp luật, chính sách, chế độ quản lý đầu tư xây dựng, chế tài chính kế toán, các quy định của chương trình và chính sách pháp luật có liên quan; đánh giá tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực trong quản lý, thực hiện Chương trình… Đồng thời hướng dẫn cụ thể, chi tiết về xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu, xác định trọng yếu kiểm toán.
                
   

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới luôn được KTNN thực hiện kiểm toán thường xuyên - Nguồn: VGP

   

Hướng dẫn cũng lưu ý một số nội dung của công tác kiểm toán chương trình MTQG, như: kiểm toán nguồn kinh phí và việc quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí của chương trình; kiểm toán tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực… Theo đó, cần căn cứ kết quả kiểm toán nguồn kinh phí, việc quản lý sử dụng và quyết toán kinh phí, kiểm toán các dự án đầu tư xây dựng (nếu có) để đánh giá tính tiết kiệm của việc sử dụng nguồn lực tài chính của chương trình; xem xét sự cần thiết của nhu cầu thực hiện chương trình; đánh giá tính tiết kiệm của việc lựa chọn các giải pháp; đánh giá việc lập, quản lý dự toán có đảm bảo tính kinh tế; phân tích, đánh giá tính tiết kiệm trong tổ chức đấu thầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ và quản lý hợp đồng, tiến độ thực hiện dự án. Về nội dung và thủ tục kiểm toán tính hiệu lực, văn bản hướng dẫn đánh giá tính hiệu lực của các văn bản quản lý, điều hành và kết quả thực hiện chương trình so với nội dung, mục tiêu đề ra.

Tùy thuộc từng chương trình, việc kiểm toán được thực hiện để đánh giá bộ máy quản lý có đáp ứng được công tác quản lý, điều hành chương trình; sự phân công, phân nhiệm, phối kết hợp giữa các thành viên ban điều hành có đảm bảo thống nhất và phù hợp với chức năng nhiệm vụ được giao; tính đầy đủ và khả thi của hệ thống văn bản quản lý của chương trình, những bất cập của việc áp dụng hệ thống văn bản đó trong thực tế.

Đồng thời đánh giá mức độ khả thi của dự án, các yếu tố đảm bảo cho sự vận hành chương trình, đặc biệt là việc quản lý, vận hành chương trình sau đầu tư, phù hợp với xu hướng phát triển, phù hợp với thực tế, phù hợp với phong tục, tập quán của người dân địa phương; kiểm tra, so sánh, đánh giá tiến độ thực hiện chương trình với tiến độ dự kiến; đánh giá sự đáp ứng yêu cầu về nguồn lực tài chính; đánh giá sự đáp ứng yêu cầu về nguồn lực tài chính, việc sử dụng nguồn lực tài chính có đảm bảo đúng mục tiêu; đánh giá tính đồng bộ của chương trình với chương trình dự án khác; kết quả thực hiện mục tiêu, nội dung chương trình...

Cùng với nội dung và thủ tục kiểm toán tính kinh tế, tính hiệu lực, nội dung và thủ tục kiểm toán tính hiệu quả cũng được hướng dẫn cụ thể. Theo đó, việc đánh giá tính hiệu quả của các chương trình MTQG cần được xem xét trên các phương diện: bảo đảm điều kiện, môi trường lao động, các chỉ tiêu về việc làm, mức thu nhập, các hiệu quả về văn hóa, giáo dục, y tế…; tác động, ảnh hưởng của chương trình đối với các vấn đề kinh tế - xã hội, môi trường, ảnh hưởng đến các công trình di tích lịch sử, văn hóa; các tác động tạo sự thay đổi, chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân; góp phần phát triển đồng đều các địa phương, chính sách dân tộc miền núi, bảo đảm quốc phòng an ninh; huy động và khai thác được các nguồn lực ngoài ngân sách để thực hiện các hoạt động, nội dung và mục tiêu của chương trình…

H.THOAN


Cùng chuyên mục
Hướng dẫn kiểm toán chương trình mục tiêu quốc gia của Kiểm toán Nhà nước