Quang cảnh Kỳ họp. Ảnh: MPI |
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, Kỳ họp nhằm tập trung rà soát, đánh giá các kết quả mà hai bên đã trao đổi, thống nhất tại Kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Hàn Quốc lần thứ 18; trao đổi giải quyết các vướng mắc tồn tại trong một số lĩnh vực, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước; đề ra phương hướng cho các lĩnh vực hợp tác trong thời gian tới.
Năm 2022 đánh dấu 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và quan hệ hợp tác phát triển Việt Nam - Hàn Quốc. Mặc dù thời gian chưa phải là dài nhưng quan hệ hợp tác giữa hai nước đã đạt được nhiều thành tựu to lớn.Hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc trong mọi lĩnh vực đều có sự phát triển vượt bậc, đánh dấu bằng việc hai nước đang trao đổi để nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược toàn diện”.
Về thương mại, năm 2021, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam (sau Trung Quốc và Hoa Kỳ), là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 và thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam.
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, tính đến tháng 9/2022, Hàn Quốc đã có khoảng 9.438 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 80,5 tỷ USD, đứng thứ nhất về tổng vốn đăng ký đầu tư và tổng số dự án đầu tư tại Việt Nam.
Doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục là thành phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, đóng góp khoảng 30% tổng giá trị xuất khẩu Việt Nam.
Về viện trợ phát triển chính thức, Việt Nam tiếp tục là đối tác ưu tiên hàng đầu mà Hàn Quốc cung cấp hỗ trợ phát triển (nhận khoảng 20% tổng viện trợ của Hàn Quốc). Gần đây, tổng viện trợ của Hàn Quốc dành cho Việt Nam hàng năm đạt hơn 500 triệu USD, trong đó 90% là vốn vay ODA và 10% là viện trợ không hoàn lại.
Phát biểu tại Kỳ họp, Thứ trưởng Jun Seong Deok đánh giá cao các nội dung thảo luận và nhấn mạnh, quan hệ hợp tác giữa hai nước đã có bước phát triển vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực. Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn, thu hút nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc, cũng như các doanh nghiệp của nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Thứ trưởng Jun Seong Deok cảm ơn các cơ quan của Việt Nam đã luôn tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam. Đồng thời cho rằng, các nội dung triển khai ngay sau Kỳ họp này có ý nghĩa quan trọng và mong muốn các cơ quan liên quan tiếp tục hợp tác chặt chẽ, góp phần nâng cao hơn nữa hợp tác đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc.
Phát biểu bế mạc Kỳ họp, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đánh giá cao các nội dung trao đổi tích cực, thẳng thắn trên tinh thần hợp tác của tất cả đại biểu hai nước; nhiều đề xuất, giải pháp đã được hai bên đưa ra nhằm giải quyết các vướng mắc và đề ra phương hướng hợp tác trong thời gian tới.
Về hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai nước, hai bên đã đề ra một số biện pháp nhằm giảm vấn đề nhập siêu của Việt Nam, xúc tiến hơn nữa việc xuất khẩu một số mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh vào Hàn Quốc. Hai bên cũng đánh giá lại tình hình thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc, ASEAN - Hàn Quốc, làm cơ sở để thúc đẩy quan hệ thương mại với mục tiêu đưa kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 100 tỷ USD vào năm 2023 và 150 tỷ USD vào năm 2030.
Kỳ họp cũng đã thảo luận, đánh giá các nội dung nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác phát triển (ODA) giữa hai nước bao gồm việc sửa đổi Chiến lược quốc gia của Hàn Quốc cho Việt Nam, các lĩnh vực ưu tiên sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi Hàn Quốc của Chính phủ Việt Nam trong thời gian tới, cũng như xây dựng Hiệp định khung vốn vay EDCF cho giai đoạn tới.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, các lĩnh vực hạ tầng, công nghiệp, ngân hàng, tài chính đã được hai bên trao đổi thẳng thắn, tích cực; nhiều vấn đề trong hợp tác lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội cũng được hai bên trao đổi như việc phê chuẩn Hiệp định về bảo hiểm xã hội Việt Nam - Hàn Quốc, Biên bản ghi nhớ về cấp phép việc làm...
Những kết quả này sẽ được thể hiện tại Biên bản Kỳ họp và phía Việt Nam báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo nhằm đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc, qua đó tạo thêm nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, người dân hai nước - Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh./.
PHÚC KHANG