Hướng tới phát triển toàn diện về chất lượng và quy mô

(BKTO)- Nhân kỷ niệm 25 năm thành lập ngành kiểm toán độc lập(13/5/1991-13/5/2016), Báo Kiểm toán xin trân trọng trích đăng bài viết của ôngPhạm Sỹ Danh - Chủ tịch Hội Kiểmtoán viên hành nghề Việt Nam.




Ban chấp hành VACPA nhiệm kỳ IV họp thường kỳ. Ảnh: ĐINH HUẤN
Sau 25 năm hoạt động (13/5/1991-13/5/2016), ngành kiểm toán độc lập của Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể, phát triển nhanh về số lượng và quy mô công ty cũng như năng lực chuyên môn và chất lượng dịch vụ. Hầu hết các dịch vụ do các DN kiểm toán cung cấp đã ngày càng được tín nhiệm, được xã hội thừa nhận. Thông qua các hoạt động dịch vụ kiểm toán và tư vấn tài chính, kế toán, các DN kiểm toán đã góp phần phổ cập cơ chế, chính sách kinh tế, tài chính, góp phần thực hiện công khai minh bạch báo cáo tài chính (BCTC) của các DN, ngăn ngừa lãng phí, tham nhũng, phục vụ đắc lực cho công tác quản lý và điều hành kinh tế-tài chính của Nhà nước. Trong 5 năm gần đây, kiểm toán BCTC là biện pháp không thể thiếu để công khai, minh bạch thông tin tài chính trên thị trường chứng khoán.

Kết quả sau 25 phát triển

Qua 25 năm hình thành và phát triển ngành kiểm toán độc lập, về cơ bản, đến nay, hệ thống văn bản pháp luật về kiểm toán độc lập do Nhà nước ban hành đã khá hoàn chỉnh. Nhờ đó, số lượng và quy mô các tổ chức kiểm toán độc lập đã phát triển nhanh chóng. Cùng với sự phát triển về số lượng DN, đội ngũ kiểm toán viên chuyên nghiệp đã tăng nhanh và chiếm tỷ trọng khá cao so với tổng số nhân viên chuyên nghiệp. Nhiều KTV có kiến thức, chuyên môn tốt, hiểu biết luật pháp, nguyên tắc, chuẩn mực nghề nghiệp; trình độ tiếng Anh, năng lực ứng dụng công nghệ thông tin đạt ngang tầm khu vực. Tuy nhiên, số lượng KTV hành nghề hiện nay vẫn còn thiếu so với nhu cầu (do có khoảng 1.500 có chứng chỉ KTV không đăng ký hành nghề kiểm toán).

Cùng với sự phát triển về số lượng và quy mô từng công ty, các dịch vụ do các DN kiểm toán cung cấp đã không ngừng được đa dạng hóa theo hướng mở rộng dịch vụ kiểm toán, dịch vụ soát xét thông tin tài chính quá khứ, kiểm toán báo cáo quyết toán dự án hoàn thành và các dịch vụ đảm bảo khác; mở rộng dịch vụ tư vấn (như tư vấn kế toán, tài chính, tư vấn quản lý, tư vấn thuế, tư vấn đầu tư, tư vấn sáp nhập, cổ phần hoá, giải thể doanh nghiệp...), dịch vụ tổng hợp thông tin tài chính, dịch vụ tin học, định giá tài sản, dịch vụ tuyển dụng nhân viên, đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ, cung cấp thông tin.

Tỷ trọng doanh thu dịch vụ kiểm toán của toàn ngành biến động từ 60% đến 70%, cụ thể: Tỷ trọng doanh thu dịch vụ kiểm toán trên tổng doanh thu của toàn ngành kiểm toán năm 2000 là 70,9%, đến 10/6/2016 là 59%. Tỷ trọng doanh thu các dịch vụ tư vấn có xu hướng tăng dần qua các năm, cụ thể: Tỷ trọng doanh thu dịch vụ tư vấn trên tổng doanh thu của toàn ngành kiểm toán năm 2000 là 19,2%, năm 2005 là 23,6%, năm 2010 là 21,4%, đến 10/6/2016 là 32%...

Một số tồn tại

Hoạt động kiểm toán độc lập trong thời gian qua tuy đã đạt được những kết quả nhất định như đã nêu trên, nhưng cũng đang bộc lộ một số tồn tại: Thứ nhất, quy mô thị trường kiểm toán hiện nay còn nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng và tốc độ tăng trưởng nền kinh tế - xã hội. Điều này trước hết thể hiện ở trình độ tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm toán của các DN kiểm toán còn hạn chế;sự cạnh tranh giữa các DN kiểm toán còn vì lợi ích cục bộ; khách hàng tự nguyện kiểm toán còn ít; loại hình dịch vụ chưa đa dạng... Thứ hai, số lượng kiểm toán viên hiện có còn thiếu và chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu của việc hội nhập kinh tế quốc tế. Đến 12/5, cả nước có 3.747 người được cấp chứng chỉ KTV, tuy nhiên số lượng KTV làm việc tại các DN kiểm toán chỉ có 1.647 người. Việc tuân thủ đạo đức nghề nghiệp và kỷ luật hành nghề của nhiều KTV đôi khi vẫn chưa được nhận thức một cách đầy đủ, chưa trở thành ý thức tự giác đối với mỗi KTV khi hành nghề. Thứ ba, chất lượng dịch vụ của các DN kiểm toán nói chung vẫn chưa đạt mong muốn và còn rất khó khăn để được khu vực và quốc tế thừa nhận.

Mục tiêu và định hướng phát triển ngành kiểm toán độc lập Việt Nam đến năm 2020

Từ nay đến năm 2020, mục tiêu hàng đầu mà ngành kiểm toán độc lập Việt Nam hướng tới là nâng cao chất lượng dịch vụ. Cùng với đó, toàn ngành tiếp tục tăng thêm số lượng KTV và DN kiểm toán; mở rộng quy mô công ty; mở rộng đối tượng kiểm toán, tăng số lượng khách hàng; đa dạng hóa dịch vụ; tăng trưởng cao về doanh thu và lợi nhuận... Để thực hiện được mục tiêu chung nêu trên, toàn ngành kiểm toán độc lập sẽ thực hiện 9 mục tiêu cụ thể, đó là:
Một là, hoàn thiện các văn bản pháp lý nhằm tạo cơ sở thúc đẩy sự phát triển của kiểm toán độc lập.

Hai là, hoàn chỉnh hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam, đảm bảo cập nhật kịp thời với các chuẩn mực kiểm toán quốc tế mới.

Ba là, đổi mới chương trình thi và cấp chứng chỉ kiểm toán viên nhằm mục tiêu đạt sự công nhận của quốc tế và khu vực. Điều đó đòi hỏi phải đổi mới nội dung, cách thức thi và cấp chứng chỉ kiểm toán viên Việt Nam theo chuẩn quốc tế, cụ thể là phải đáp ứng yêu cầu tối thiểu của các Chuẩn mực đào tạo quốc tế ISE do Ủy ban Chuẩn mực Đào tạo Kế toán Quốc tế (IAESB) ban hành.

Bốn là, mở rộng quy mô, tăng thêm số lượng các DN kiểm toán, tăng cường đội ngũ KTV thông qua việc hoàn thiện cơ chế và điều kiện dự thi. Dự kiến đến năm 2020 là 250 DN, với 20.000 người làm việc, 7.000 KTV, doanh thu 10.000 tỷ đồng và nâng cao giá trị tăng thêm của ngành kiểm toán đóng góp cho tổng sản phẩm quốc nội. Tốc độ tăng trưởng đạt bình quân từ 15% - 25%/năm về doanh thu. Thuế và các khoản nộp NSNN dự kiến đạt 1.200 tỷ đồng.

Năm là, mở rộng thị trường kiểm toán đến tất cả các loại hình DN thuộc mọi lĩnh vực và mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là các DN có vốn đầu tư nước ngoài, DNNN, công ty niêm yết, công ty cổ phần, đơn vị có lợi ích công chúng.

Sáu là, nâng cao chất lượng dịch vụ và năng lực cạnh tranh của các DN kiểm toán.

Bảy là, đa dạng hóa loại hình dịch vụ; hoàn thiện hơn nữa các loại hình dịch vụ đang thực hiện, trong đó chú trọng dịch vụ kiểm toán báo cáo tài chính, dịch vụ kế toán, dịch vụ tư vấn quản trị rủi ro, tư vấn tài chính, thuế... nhằm thực hiện tốt chiến lược nguồn nhân lực, nhân tố con người và thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Đồng thời nghiên cứu, phát triển các loại dịch vụ mới.

Tám là, tăng cường vai trò quản lý nhà nước. Nhà nước cần có chủ trương, chính sách phù hợp, cung cấp thông tin cần thiết để mở rộng thị trường, hỗ trợ và và khuyến khích dịch vụ kiểm toán độc lập phát triển, phục vụ ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Chín là, tăng cường năng lực và vai trò của tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán.

BOX: Đến ngày 10/6/2016, có 142 DN kiểm toán đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán với trên 9.705 người làm việc, trong đó có 1.797 kiểm toán viên hành nghề. Bên cạnh đó, Việt Nam có hơn 1.600 người có chứng chỉ KTV nước ngoài (trong đó Hội viên ACCA là 900, CPA Australia là 700, CIMA là 70, ICAEW là 21). Đối tượng khách hàng của kiểm toán độc lập ngày càng được mở rộng. Đến ngày 10/6/2016, xét về cơ cấu khách hàng thì các DN có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 47,68%; DNNN chiếm 11,99%; DN, đơn vị, tổ chức khác chiếm 40,32%. Doanh thu toàn ngành kiểm toán độc lập năm 1997 là 144 tỷ đồng; năm 2000 là 281 tỷ đồng; năm 2005 là 622 tỷ đồng (tăng 220% so với năm 2000); năm 2010 là 2.743 tỷ đồng (tăng 25,2% so với năm 2009); năm 2015 là 5.130 tỷ đồng (tăng 87% so với 2010). Kết quả kinh doanh (lãi sau thuế) toàn ngành năm 2004 là 19,36 tỷ đồng; năm 2005 là 24,39 tỷ đồng; năm 2010 lãi 89,473 tỷ đồng; năm 2015 lãi 120,498 tỷ đồng. Năm 2004, toàn ngành đóng góp cho NSNN 64,75 tỷ đồng; năm 2005 là 78,04 tỷ đồng; năm 2010 là 388,01 tỷ đồng; năm 2015 là 742 tỷ đồng.
PHẠM SỸ DANH - Chủ tịch Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam
Cùng chuyên mục
Hướng tới phát triển toàn diện về chất lượng và quy mô