Chưa có cơ chế hiệu quả thu hút nguồn lực xã hội hóa
Sáng 26/10, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật, đại biểu Đoàn Thị Lê An (Đoàn Cao Bằng) nêu rõ, khoản 2 Điều 10 Dự thảo Luật quy định kinh phí cho hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước được bố trí chi thường xuyên trong dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) hàng năm, từ nguồn sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp bảo vệ môi trường và đầu tư xây dựng cơ bản.
Thực tế hiện nay, nguồn lực tài chính cho công tác bảo vệ tài nguyên nước, bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ lưu vực sông nói riêng chưa đáp ứng được nhu cầu. Nhiều dự án, chương trình xử lý ô nhiễm, phục hồi nguồn nước, môi trường tại các lưu vực sông chậm tiến độ, nhu cầu đầu tư cho công tác bảo vệ tài nguyên nước, đảm bảo an ninh nguồn nước ngày càng cao.
NSNN đang ngày càng chịu áp lực lớn, trong khi đó, việc huy động nguồn lực thực hiện xã hội hóa, thu hút đầu tư cho lĩnh vực này chưa được thực hiện do chưa có quy định rõ ràng và cơ chế hiệu quả. Nhấn mạnh điều này, đại biểu Đoàn Thị Lê An cho rằng, trong giai đoạn hiện nay đổi mới thể chế, chính sách theo hướng xã hội hóa ngành nước là cần thiết, góp phần quan trọng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên nước thông qua huy động các nguồn vốn, nguồn lực của các tổ chức, cá nhân; giảm bớt gánh nặng cho NSNN và đảm bảo các chính sách về tài nguyên nước được thực thi hiệu quả, đồng bộ.
“Trong Dự thảo Luật lần này, chính sách xã hội hóa mới chỉ được thể hiện tại Điều 72, Điều 74. Vì vậy, để huy động các nguồn lực cho hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm các nguồn kinh phí hợp pháp khác ngoài NSNN để thực hiện nhiệm vụ trên.
Đại biểu Quốc hội Đoàn Thị Lê An
Quan tâm đến vấn đề phục hồi các dòng sông đang bị ô nhiễm, cạn kiệt, đại biểu Cầm Thị Mẫn (Đoàn Thanh Hoá) cho rằng, vấn đề khó khăn trong việc phục hồi nguồn nước là đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, NSNN không có khả năng bố trí đủ cho hoạt động này. Do đó, đại biểu thống nhất với quy định của Dự thảo Luật về kinh phí phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm được bố trí từ NSNN, nguồn vốn sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp môi trường, đầu tư phát triển, Quỹ bảo vệ môi trường, nguồn chi trả của đối tượng gây suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước, nguồn đóng góp của tổ chức, cá nhân. Đồng thời, tổ chức, cá nhân tham gia phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm được ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của luật này và pháp luật khác có liên quan.
Tuy nhiên đại biểu Cầm Thị Mẫn đề nghị Chính phủ nghiên cứu quy định rõ về cơ chế, chính sách về tài chính cho hoạt động này. Đặc biệt, Dự thảo Luật cần quy định cụ thể về cơ chế, chính sách thu hút nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động phục hồi các dòng sông.
Cần chính sách ưu đãi thu hút nguồn lực tư
Theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn Bình Thuận), với tình hình hạn hán, thiếu nước ngày càng gia tăng trong những năm gần đây, Dự thảo Luật bổ sung quy định về nhân tạo nguồn nước dưới đất là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi phải có một nguồn kinh phí lớn.
Dự thảo Luật quy định: Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân nghiên cứu các giải pháp và thực hiện việc bổ sung nhân tạo nước dưới đất; ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình tích trữ nước kết hợp với bổ sung nhân tạo nước dưới đất tại các hải đảo, vùng khan hiếm nước và các vùng có mực nước dưới đất bị suy giảm liên tục và hạ thấp mức.
Theo đại biểu, quy định việc ưu tiên đầu tư xây dựng công trình tích trữ và kết hợp bổ sung nhân tạo tầng chứa nước là cần thiết và phù hợp để thu hút nhà đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại những vùng thiếu nước, đặc biệt là vùng hải đảo điều kiện nguồn nước khan hiếm. Tuy nhiên, đối với việc nghiên cứu giải pháp và thực hiện việc bổ sung nhân tạo nước dưới đất cần có những cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút các nguồn lực của tư nhân.
Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đánh giá cao quy định của Dự thảo Luật đã hướng tới tiếp cận quản lý tài nguyên nước theo xu hướng hiện đại, quản lý, quản trị tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số thông qua hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia; hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn lực, tiếp cận các công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại trong quan trắc, dự báo, cảnh báo tài nguyên nước, ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo.
Theo các đại biểu, việc đầu tư xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia theo mô hình tập trung sẽ đòi hỏi phải bố trí nguồn lực tương xứng và khi được đầu tư càng sớm thì việc quản lý tài nguyên nước sẽ mang lại những kết quả tích cực.
Đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng (Đoàn Đồng Nai) cho rằng, để thúc đẩy việc này, ngoài nguồn NSNN, Dự thảo Luật đã quy định khuyến khích các tổ chức, cá nhân tài trợ, hỗ trợ ứng dụng công nghệ mới trong xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia; khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng hệ thống và cung cấp dịch vụ hỗ trợ ra quyết định.
“Việc khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động này là rất cần thiết. Tuy nhiên, cần xem xét các quy định về cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút được nguồn lực đầu tư từ tổ chức, cá nhân” - đại biểu nhấn mạnh.