Huy động trí tuệ tập thể, tạo sự đồng thuận cao của toàn dân

(BKTO) - Sửa đổi Hiến pháp là sự kiện hệ trọng của quốc gia, liên quan đến vận mệnh của dân tộc và quyền lợi của mỗi người dân. Việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 nhằm khẳng định nghĩa vụ, quyền lợi của mỗi công dân; đồng thời, huy động trí tuệ tập thể, tạo sự đồng thuận sâu rộng trong toàn xã hội thể hiện tinh thần dân chủ và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.

2-thay.jpeg
Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Ảnh: quochoi.vn

Tạo cơ sở hiến định cho việc tinh gọn tổ chức bộ máy

Kể từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) đến nay, nước ta đã có 5 bản Hiến pháp, đánh dấu những giai đoạn khác nhau trong tiến trình xây dựng, phát triển đất nước. Hiến pháp năm 2013 là Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước và hội nhập quốc tế, trong đó, quy định cụ thể về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và việc phân định các đơn vị hành chính ở địa phương của nước ta với tên gọi của từng loại đơn vị hành chính ở 3 cấp là: Cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã.

Nếu có thể, sau này chúng ta sẽ tiến hành sửa đổi Hiến pháp một cách căn bản, nhưng phải đến kỳ đại hội sau mới xem xét. Khi đó, chúng ta sẽ xem xét bổ sung Cương lĩnh phát triển của đất nước với tầm nhìn dài hạn hơn.

Tổng Bí thư Tô Lâm

Sau hơn 11 năm triển khai thi hành, các quy định của Hiến pháp năm 2013 đã tạo cơ sở hiến định quan trọng cho việc kiện toàn tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các quy định của Hiến pháp và pháp luật liên quan đến MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền địa phương vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước. Mô hình chính quyền địa phương 3 cấp đã bộc lộ sự cồng kềnh, chồng chéo, trùng lặp về nhiệm vụ, quyền hạn, phát sinh nhiều thủ tục hành chính; việc tồn tại nhiều đơn vị hành chính quy mô nhỏ làm phân tán nguồn lực, không phát huy được lợi thế, tiềm năng của địa phương cho phát triển kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho công tác quy hoạch, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước...

Trước bối cảnh nêu trên, Đảng ta đã chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị bảo đảm yêu cầu tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Nghị quyết số 60-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ngày 12/4/2025 đã thống nhất định hướng xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ vào MTTQ Việt Nam. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trong thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết, tạo cơ sở hiến định cho việc thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, xây dựng, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mục đích, yêu cầu của việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, là: Thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; tạo cơ sở hiến định cho việc sắp xếp cơ quan của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp theo hướng gần dân, sát dân, phục vụ Nhân dân tốt hơn; đồng thời, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng...

Sửa đổi Hiến pháp là phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước

Phát biểu tại nghị trường Quốc hội, đa số đại biểu Quốc hội bày tỏ nhất trí cao sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 theo yêu cầu của thực tiễn. Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này là một bước đi lịch sử, mang tính kiến tạo, đặt nền móng pháp lý cho việc tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước, phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước trong thời đại mới. Tuy nhiên, các đại biểu cũng lưu ý, cần chủ động xây dựng lộ trình tham vấn xã hội rộng rãi, khoa học; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến Nhân dân về mục đích, ý nghĩa, nội dung của việc sửa đổi Hiến pháp, qua đó nâng cao nhận thức, khơi dậy tinh thần trách nhiệm và thúc đẩy sự tham gia chủ động, tích cực của các tầng lớp Nhân dân.

Bắt đầu từ ngày 06/5/2025, Quốc hội giao cho Chính phủ và MTTQ Việt Nam lấy ý kiến Nhân dân về việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013, thời gian lấy ý kiến trong 30 ngày, sau đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổng hợp lại và báo cáo Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Tại Phiên họp lần thứ nhất của Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (Ủy ban), Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn - Chủ tịch Ủy ban yêu cầu đẩy mạnh và không ngừng đổi mới công tác thông tin tuyên truyền, động viên sự tham gia tích cực của các tầng lớp Nhân dân, cán bộ, đảng viên, các chuyên gia, nhà khoa học và toàn hệ thống chính trị, tạo thành những đợt sinh hoạt chính trị, phong trào thi đua yêu nước, có trách nhiệm với đất nước, dân tộc trong việc sửa đổi Hiến pháp. Đồng thời, cần ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong lấy ý kiến Nhân dân về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 thông qua ứng dụng điện tử VneID; các thành viên Ủy ban cần nắm chắc tình hình tư tưởng, dư luận của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong quá trình triển khai lấy ý kiến Nhân dân.

Hiến pháp là văn bản pháp lý tối cao của nước ta, đóng vai trò là nền tảng pháp luật quốc gia. Mọi văn bản pháp luật khác đều phải tuân thủ Hiến pháp. Để thay đổi Hiến pháp, cần có sự đồng thuận của người dân. Do vậy, việc tham gia vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 2013 là nghĩa vụ, quyền lợi của mỗi công dân. Những đóng góp của mỗi người dân sẽ bồi đắp, củng cố vững chắc thêm nền dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Với một Hiến pháp được củng cố và hoàn thiện, bộ máy hoạt động của các cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến địa phương sẽ trở nên thông suốt và hiệu quả hơn bao giờ hết. Cán bộ, đảng viên và Nhân dân tin tưởng rằng, những thay đổi tích cực từ việc sửa đổi Hiến pháp sẽ mang lại những thành quả thiết thực; kinh tế phát triển, đời sống của người dân sẽ không ngừng được nâng cao./.

Cùng chuyên mục
Huy động trí tuệ tập thể, tạo sự đồng thuận cao của toàn dân