IMF: Nhiều nước sẽ phải gánh thêm khoản nợ quốc gia

(BKTO)- Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới vừa công bố, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định kinh tế thế giới sẽ giảm 3% trong năm nay, trong khi mức giảm tại các nền kinh tế tiên tiến là trên 6%.



                
   

Ảnh minh họa - Nguồn: Sưu tầm.

   

Canada: kinh tế sụt giảm 6,2%

Trong báo cáo vừa công bố của mình, IMF dự báokinh tế thế giới trong năm 2020 sẽ phải trải qua một năm tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái hồi những năm 1930. IMF nhận định kinh tế thế giới sẽ giảm 3% trong năm nay, trong khi mức giảm tại các nền kinh tế tiên tiến là trên 6%. Tổ chức này cảnh báo những tổn thất về kinh tế sẽ tồi tệ hơn nếu đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 kéo dài hơn dự kiến.

Trong đó, IMF dự báo kinh tế Canada có thể sụt giảm 6,2% trong năm nay, trước khi tăng trưởng trở lại với tốc độ 4,2% trong năm 2021. Kinh tế Canada sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn Mỹ và Nhật Bản, nhưng sẽ phục hồi tốt hơn Italy, Tây Ban Nha, Đức, Pháp và Vương quốc Anh.

Chỉ trong vài tuần lễ, nền kinh tế Canada đã dịch chuyển sang nền kinh tế trong thời chiến, với các gói chi tiêu khổng lồ của chính phủ và các biện pháp kiểm soát trực tiếp mức thu nhập của nhiều người dân. Song, liên quan đến cách ứng phó của chính phủ Canada đối với đại dịch lần này, ông Amir Attaran - chuyên gia về dịch tễ học và y tế công cộng tại Đại học Ottawa, đã chỉ trích việc thực hiện xét nghiệm, thu thập số liệu về dịch bệnh và xây dựng mô hình dự báo của Canada kém hơn rất nhiều so với Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc), Na Uy, Hàn Quốc và Thụy Sĩ.

Mức dự báo tăng trưởng kinh tế Philippines hạ xuống còn 0,6%

Ở khu vực Đông Nam Á, IMF cũng đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2020 của Philippines từ mức 6,3% trước đó xuống còn 0,6%, do tác động tiêu cực từ dịch Covid-19. Tuy nhiên, IMF nhận định kinh tế Philippines sẽ có sự phục hồi vào năm 2021 với tăng trưởng khoảng 7,6%.

IMF cũng đưa ra mức dự báo tăng trưởng chung cho các nước ASEAN-5 (gồm Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore và Philippines) vào khoảng 0,6% trong năm nay và 7,8% năm 2021.

Đại diện của IMF phụ trách Philippines Yongzheng Yang cho rằng, việc IMF hạ thấp đáng kể mức dự báo tăng trưởng của kinh tế Philippines chủ yếu dựa trên những đánh giá về sự gián đoạn chuỗi cung ứng, do hậu quả của dịch Covid-19 gây ra cũng như nhu cầu thấp hơn từ các đối tác thương mại chính của Philippines. Bên cạnh đó, ông Yang cũng cho rằng tình trạng tài chính toàn cầu thắt chặt, niềm tin công chúng suy giảm và lượng kiều hối suy giảm cũng góp phần tác động tới tình hình đầu tư và tiêu dùng cá nhân tại Philippines.

Trong khi đó, theo ông Yang, những yếu tố nói trên đang được giải quyết chủ yếu bằng các biện pháp hỗ trợ chính sách. Chính phủ Philippines đã quyết định xây dựng và thực hiện các biện pháp tài khóa và tiền tệ trị giá 1.100 tỷ peso (khoảng 21,7 tỷ USD) để hỗ trợ các lĩnh vực và ngành nghề bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Song song với đó, Philippines cũng đã áp dụng các cấp độ cách ly phong tỏa khác nhau trên toàn quốc để đối phó với dịch bệnh.

Những biện pháp hỗ trợ của Chính phủ Philippines bao gồm mua lại thiết bị y tế cho nhân viên y tế, hỗ trợ tài chính cho các hộ nghèo và người lao động bị ảnh hưởng; hạ lãi suất và cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng, cùng với các biện pháp có chủ đích của Ngân hàng trung ương Philippines để khuyến khích các hoạt động kinh doanh.

Ông Yang cũng cho rằng việc ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 là vô cùng quan trọng, và những chính sách hiện tại nên tập trung vào việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Theo ông Yang, IMF hoan nghênh các biện pháp nói trên của Chính phủ Philippines để giải quyết tác động của đại dịch.

Ông cũng lưu ý rằng với chính sách quản lý kinh tế vĩ mô thận trọng, Philippines đã có được những “vùng đệm chính sách” đáng kể trong những năm gần đây, đồng thời chính phủ và ngân hàng trung ương cũng tận dụng tốt không gian chính sách này. Ngoài ra, trong trường hợp cần thiết, Philippines cũng còn nhiều không gian để kích thích chính sách bổ sung do mức nợ công tương đối thấp và lạm phát kỳ vọng được kìm giữ tốt.

Kinh tế Argentina tăng trưởng âm 5,7%

Tương tự với các quốc gia kể trên, IMF cũng đưa ra dự báo kinh tế Argentina sẽ tăng trưởng âm 5,7% trong năm nay do tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 và quốc gia Nam Mỹ này còn phải đàm phán lại khoản nợ lớn với các chủ nợ tư nhân.

Theo IMF, bản chất của đợt suy thoái lần này khác với những cuộc khủng hoảng kinh tế trước đó bởi các biện pháp giãn cách xã hội khiến các DN phải đóng cửa, làm giảm thu nhập và phá vỡ các chuỗi cung ứng. Cùng với đó, giá cả các nguyên liệu thô giảm gây tác động trực tiếp tới các nước xuất khẩu nguyên liệu ở Nam Mỹ, trong đó có Argentina.

Nền kinh tế Argentina đã tăng trưởng âm trong 2 năm liên tiếp, với đồng nội tệ (peso) liên tục mất giá, số người nghèo và thất nghiệp gia tăng chóng mặt. Trong năm 2019, nền kinh tế này lớn thứ hai Mỹ Latinh này giảm 2,2% sau khi rơi vào khủng hoảng từ giữa năm 2018.

Trong bối cảnh Argentina chịu tác động từ sự suy giảm chung trong hoạt động kinh tế trên thế giới và khu vực, Chính quyền của Tổng thống Alberto Fernandez hy vọng sẽ đàm phán lại 195 tỷ USD trong tổng nợ nước ngoài của nước này, bao gồm gói cứu trợ trị giá 57 tỷ USD mà chính quyền tiền nhiệm đã được IMF thông qua vào năm 2018.

Chương trình chi tiêu khổng lồ khiến nhiều quốc gia thâm hụt ngân sách

Bên cạnh đó, IMF cũng đưa ra cảnh báo về việc chính phủ các nước đối phó với khủng hoảng kinh tế do tác động của Covid-19 bằng cách tung ra các chương trình chi tiêu khổng lồ có thể gây ra các khoản nợ mới và thâm hụt ngân sách.

Nhìn nhận về vấn đề này, chuyên gia kinh tế cấp cao của IMF - Gian Maria Milesi-Ferretti cho biết trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang khiến nền kinh tế thế giới đối mặt với cuộc khủng hoảng trầm trọng, việc chính phủ các quốc gia trên toàn cầu triển khai các chương trình chi tiêu khổng lồ nhằm cứu vớt nền kinh tế có thể sẽ làm tăng thêm các khoản nợ quốc gia, cũng như gây ra thâm hụt ngân sách. Tuy nhiên, ông cho rằng đây không phải là thời điểm để lo lắng hay bận tâm và liều thuốc tốt nhất là cần chuẩn bị khởi động lại sự tăng trưởng khi đại dịch Covid-19 qua đi.

Cũng theo chuyên gia Gian Maria Milesi-Ferretti, hồi đầu năm nay, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ ở mức 3,3%, nhưng trước diễn biến bất thường của đai dịch Covid-19, IMF gần đây đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay xuống còn 3%. Việc thay đổi dự báo là do bối cảnh dịch bệnh tại nhiều quốc gia diễn biến bất thường dẫn tới các nước có thể kéo dài các lệnh phong tỏa, khiến hoạt động kinh tế thương mại bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Việc đưa ra dự báo đối với vấn đề kinh tế là rất khó và các dự báo thường sai. Có nhiều lý do dẫn tới dự báo sai. Thông thường, dự báo kinh tế có thể sai do diễn biến kinh tế bất thường hoặc một sai lầm trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, đối với lần này, việc IMF thay đổi dự báo là do bản chất của đại dịch Covid-19.

Cũng theo ông Gian Maria Milesi-Ferretti, việc chính phủ các nước đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế do tác động của đại dịch Covid-19 bằng cách tung ra các chương trình chi tiêu khổng lồ, có thể gây ra các khoản nợ mới, cũng như dẫn đến thâm hụt ngân sách mặc dù biện pháp này lúc này là rất quan trọng và cần thiết.

Đối với Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang phải đối mặt với một trong những cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất, ông Gian Maria Milesi-Ferretti cho rằng bênh cạnh những phản ứng mạnh mẽ đến từ riêng từng nước, Khu vực đồng tiền chung châu Âu phải có một phản ứng mạnh mẽ ở cấp độ khối. Các nước trong khu vực này cần thể hiện sự đoàn kết trong giai đoạn căng thẳng hiện nay.
NAM SƠN (tổng hợp)
Cùng chuyên mục
IMF: Nhiều nước sẽ phải gánh thêm khoản nợ quốc gia