Kế hoạch đánh thuế người giàu vẫn tiến triển chậm trên quy mô toàn cầu

(BKTO) - Mặc dù đã có thỏa thuận ban đầu vào năm 2021 về việc áp thuế tối thiểu đối với các tập đoàn đa quốc gia, song tiến triển thực tế vẫn còn hạn chế sau gần 3 năm. Trong khi Liên minh châu Âu đã áp dụng mức thuế tối thiểu 15% từ đầu năm nay, các nước lớn như Mỹ vẫn chưa hành động. Đồng thời, các vấn đề phân phối công bằng nguồn thu thuế từ các "ông lớn" công nghệ cũng chưa được giải quyết. Cùng với đó, các đề xuất đánh thuế trực tiếp người siêu giàu của các tổ chức như Liên Hợp Quốc hay Oxfam vẫn gặp nhiều thách thức về sự đồng thuận giữa các quốc gia.

Áp thuế tối thiểu đối với các tập đoàn đa quốc gia chưa có tiến triển

danh-thue-nguoi-giau.jpg
Sức ép về việc đánh thuế người giàu đang ngày càng lớn tại nhiều quốc gia - Ảnh minh họa

Chính phủ Pháp đang chịu sức ép về việc đánh thuế người giàu nhằm giảm thâm hụt ngân sách ngày càng lớn của nước này.

Chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron cho biết họ thích ý tưởng trên nhưng chỉ khi việc áp thuế được thực hiện ở cấp độ quốc tế. Đã có một số sáng kiến trong những năm gần đây, nhưng tiến độ vẫn còn chậm.

Vào cuối năm 2021, hơn 140 quốc gia đã nhất trí áp thuế tối thiểu đối với các tập đoàn đa quốc gia theo đề xuất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nhằm đối phó với nỗ lực chuyển lợi nhuận sang các quốc gia có thuế suất thấp của các doanh nghiệp. OECD ước tính cải cách thuế này sẽ mang lại thêm 200 tỷ USD doanh thu mỗi năm. Tuy nhiên, sau hai năm, tiến triển vẫn còn hạn chế.

Mức thuế tối thiểu toàn cầu 15% là một trong những điểm chính trong chương trình cải cách, đã được một số quốc gia thực hiện từ ngày 1/1, trong đó có cả Liên minh châu Âu (EU). Trong khi đó, những nước khác như Mỹ vẫn chưa hành động. Trong bối cảnh nước Mỹ “bận rộn” với cuộc bầu cử tổng thống, các nhà sát cho rằng sẽ có ít tiến triển về mặt lập pháp.

Trong khi đó, các quốc gia vẫn chưa đạt được thỏa thuận về các vấn đề then chốt khác, nhằm phân phối công bằng hơn nguồn thu thuế của các tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt là các "gã khổng lồ" công nghệ Mỹ.

Trước sự hoài nghi ngày càng tăng, Bộ trưởng Tài chính Italy, Giancarlo Giorgetti, gần đây lo ngại việc đánh thuế công bằng đối với các công ty đa quốc gia ở cấp độ toàn cầu sẽ không thể hoàn thành.

Brazil, quốc gia giữ chức Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) trong năm nay, đã kêu gọi các quốc gia thành viên, vốn đóng góp 80% kinh tế thế giới, thông qua lập trường chung về việc ngăn chặn các tỷ phú trốn thuế vào tháng Bảy.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire đã phát biểu công khai ủng hộ mức thuế tối thiểu đối với người giàu. Song, vẫn chưa có thông tin chi tiết về mức thuế, khi các nghiên cứu vẫn đang được tiến hành và không rõ có bao nhiêu quốc gia G20 sẽ ủng hộ đề xuất này.

Nhà kinh tế người Pháp Gabriel Zucman lưu ý việc những tỷ phú đóng rất ít thuế ngày càng trở nên rõ ràng trong những năm qua. Ông Zucman ước tính có khoảng 3.000 tỷ phú trên toàn cầu và mức thuế tài sản 2% sẽ đem lại nguồn thu thuế bổ sung khoảng 250 tỷ USD trên toàn thế giới.

Một dự án thậm chí còn tham vọng hơn của Liên hợp quốc là hài hòa các quy định trên toàn cầu để bịt các lỗ hổng cho phép người giàu trốn nộp thuế. Đề xuất của Nigeria về việc tạo ra một hiệp định thuế của Liên hợp quốc đã giành được sự ủng hộ tại Liên hợp quốc vào tháng 11/2023.

Những người ủng hộ cho rằng Liên hợp quốc là một diễn đàn tốt hơn để thúc đẩy cải cách về thuế.

Theo nhà kinh tế người Pháp Lucas Chancel, việc áp thuế liên quan đến gần như tất cả các quốc gia trên toàn cầu, trong khi quy trình của OECD thiếu tính bao quát, minh bạch.

Tuy nhiên, có rất nhiều thách thức bao gồm sự khác biệt lớn về thuế suất giữa các quốc gia, trong khi Mỹ và EU tỏ ra hoài nghi về sáng kiến trên.

Kiểm soát chặt chẽ quốc tế đối với tình trạng trốn thuế

ngoai-te.jpg
Cơ quan Giám sát Thuế EU kêu gọi kiểm soát chặt chẽ quốc tế đối với tình trạng trốn thuế - Ảnh minh họa

Trước đó vào cuối năm 2023, Cơ quan Giám sát Thuế EU cho rằng chính phủ các nước nên mở một "mặt trận" mới trong việc kiểm soát chặt chẽ quốc tế đối với tình trạng trốn thuế.

Nhóm cũng cho biết trong Báo cáo Trốn Thuế Toàn cầu năm 2024, thuế cá nhân thực tế của các tỷ phú thường thấp hơn nhiều so với những gì mà người nộp thuế phải trả vì họ có thể gửi tài sản vào các công ty vỏ bọc để khỏi phải đóng thuế thu nhập.

Giám đốc Cơ quan Giám sát Thuế EU Gabriel Zucman cho biết việc trốn thuế có nguy cơ cản trở tính bền vững của các hệ thống thuế và làm giảm khả năng tiếp nhận thuế của xã hội.

Cơ quan Giám sát Thuế EU ước tính thuế cá nhân của các tỷ phú ở Mỹ chỉ ở mức gần 0,5% và thấp tới mức 0% ở Pháp - nơi có mức thuế cao.

Bất bình đẳng giàu nghèo ngày càng gia tăng ở một số quốc gia đang tiếp thêm sức mạnh cho phong trào kêu gọi những công dân giàu nhất phải chịu nhiều gánh nặng thuế hơn khi nền tài chính công phải chật vật để đối phó với dân số già đi, nhu cầu chi tiêu khổng lồ cho quá trình biến đổi khí hậu và các khoản nợ do đại dịch COVID-19 để lại.

Trong báo cáo công bố trước thềm Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos (Thụy Sĩ) vào tháng 1/2024, Tổ chức quốc tế Oxfam nêu rõ tài sản của 5 tỷ phú 5 tỷ phú nam giàu nhất thế giới đã tăng từ 405 tỷ USD năm 2020 lên 869 tỷ USD vào năm 2023. Trái lại, trong giai đoạn đó, gần 5 tỷ người trên toàn thế giới trở nên nghèo hơn.

Cũng theo báo cáo, các tỷ phú hiện nay có tổng giá trị tài sản nhiều hơn 3,3 tỷ USD so với năm 2020 bất chấp nhiều cuộc khủng hoảng gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới kể từ đầu thập niên này, trong đó có đại dịch COVID-19.

Oxfam lưu ý rằng thuế doanh nghiệp đã giảm đáng kể ở các nước thành viên OECD từ 48% năm 1980 xuống còn 23,1% vào năm 2022.

Để giải quyết tình trạng bất bình đẳng ngày càng gia tăng nói trên, Oxfam kêu gọi đánh thuế tài sản đối với các triệu phú và tỷ phú trên thế giới. Tổ chức này cho rằng biện pháp đó có thể giúp mang lại nguồn thu lên tới 1.800 tỷ USD mỗi năm.

Cùng chuyên mục
Kế hoạch đánh thuế người giàu vẫn tiến triển chậm trên quy mô toàn cầu