Năm 2021, KTNN sẽ thực hiện 181 cuộc kiểm toán-Ảnh: Minh Thúy
Ưu tiên kiểm toán đơn vị quản lý tài chính tổng hợp
Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, một trong những định hướng chính trong xây dựng KHKT năm 2021 của KTNN là ưu tiên lựa chọn kiểm toán tại các đơn vị quản lý tài chính tổng hợp ở T.Ư và địa phương để đánh giá việc thực hiện các cơ chế, chính sách quản lý tài chính, ngân sách và đầu tư trong cả giai đoạn 2015-2020; tăng cường số lượng các cuộc kiểm toán để xác nhận quyết toán NSNN hằng năm của các Bộ, cơ quan T.Ư và địa phương theo quy định của Luật NSNN năm 2015 và Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030.
Với định hướng đó, trong năm 2021, ngoài 1 cuộc kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN năm 2020 tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, KTNN sẽ thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công 18 Bộ, ngành, cơ quan T.Ư và kiểm toán ngân sách địa phương 52 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư. Nội dung kiểm toán nhằm xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo quyết toán ngân sách, phục vụ phê chuẩn báo cáo quyết toán ngân sách năm 2020 của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư và Quốc hội; đánh giá việc quản lý, điều hành NSNN năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 như: việc giảm thu NSNN, các giải pháp chi hỗ trợ, miễn, giảm, giãn thuế và các loại phí, lệ phí…
Theo đó, tại các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, KTNN tập trung kiểm toán tổng hợp tại các cơ quan tài chính tổng hợp để đánh giá toàn diện công tác quản lý, điều hành thu, chi ngân sách; xác nhận báo cáo quyết toán ngân sách địa phương. Đặc biệt, năm 2021, lần đầu tiên, KTNN thí điểm thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương độc lập (không lồng ghép các loại hình kiểm toán) để xác nhận báo cáo quyết toán NSNN của địa phương (tại 2 tỉnh Lai Châu và Quảng Ngãi). Đồng thời, KTNN sẽ lựa chọn kiểm toán các Bộ, cơ quan T.Ư và đơn vị có quy mô ngân sách lớn, các Bộ, cơ quan T.Ư chưa được kiểm toán trong 2 năm gần đây để kiểm toán.
Đối với lĩnh vực DN và các tổ chức tài chính - ngân hàng, ngoài việc lựa chọn các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có quy mô lớn để kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2020 kết hợp với việc đánh giá công tác tái cơ cấu DNNN, một điểm mới trong KHKT năm 2021 là KTNN thí điểm kiểm toán DN do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống tại 3 DN, để bảo đảm thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của KTNN.
Từ góc độ cơ quan thẩm tra, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đánh giá cao việc KTNN thí điểm thực hiện kiểm toán tổng hợp báo cáo quyết toán NSNN tại 2 địa phương và kiểm toán DN do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống, nhằm đảm bảo thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của KTNN. Cơ quan thẩm tra đề nghị, KTNN xây dựng đề cương kiểm toán, KHKT phù hợp để thực hiện thành công 2 cuộc kiểm toán quyết toán ngân sách địa phương; tổng kết, rút kinh nghiệm để nhân rộng, tiến tới kiểm toán thường xuyên các Bộ, ngành, địa phương theo Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành. Đối với các cuộc kiểm toán DN do Nhà nước nắm giữ 50% vốn điều lệ trở xuống, KTNN cần xác định mục tiêu, nội dung và phương pháp kiểm toán cụ thể để đảm bảo hiệu quả, hiệu lực của cuộc kiểm toán và phù hợp với Luật DN, Luật Đầu tư và pháp luật về quản lý vốn nhà nước tại DN.
Đánh giá hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với nhiều vấn đề “nóng”
Năm 2021, KTNN cũng sẽ thực hiện 26 cuộc kiểm toán chuyên đề, trong đó toàn Ngành tiếp tục tổ chức kiểm toán một số chuyên đề có quy mô lớn, phạm vi rộng nhằm đánh giá toàn diện, xuyên suốt công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công từ T.Ư đến địa phương, đối với chuyên đề, chủ đề được lựa chọn. Cụ thể là, thực hiện kiểm toán Chuyên đề “Việc quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng tại các đô thị giai đoạn 2017-2020” nhằm đánh giá công tác xây dựng quy hoạch, việc quản lý quy hoạch, việc thực hiện cấp phép xây dựng tại các địa phương theo quy định tại Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch, Luật Đất đai; thông qua đó đánh giá công tác quản lý nhà nước, tính hiệu lực, hiệu quả của hoạt động này trong giai đoạn 2017-2020.
Đối với Chuyên đề “Hoạt động quản lý môi trường tại các ban quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp giai đoạn 2017-2020”, KTNN cho biết, cùng với sự phát triển, mở rộng của các khu kinh tế, khu công nghiệp là sự gia tăng nhanh chóng về khối lượng nước thải, chất thải công nghiệp, tiềm ẩn rủi ro cao về ô nhiễm và đặt gánh nặng lên các cơ quan quản lý nhà nước về việc ô nhiễm môi trường. Do đó, việc thực hiện kiểm toán Chuyên đề hoạt động quản lý môi trường tại các ban quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp giai đoạn 2017-2020 nhằm đánh giá việc tuân thủ Luật Bảo vệ môi trường và quy định pháp luật; đánh giá công tác quản lý, tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, các ban quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp trong việc bảo vệ môi trường tại các khu kinh tế và khu công nghiệp trong giai đoạn 2017-2020.
Cùng với đó, KTNN sẽ kiểm toán diện rộng đối với Chuyên đề “Công tác quản lý thu, việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với các DN có giao dịch liên kết giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư” nhằm đánh giá việc tuân thủ các quy định theo Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ đối với các DN có giao dịch liên kết. Thông qua thực hiện kiểm toán phát hiện các hành vi chuyển giá, trốn thuế, qua đó kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bịt các lỗ hổng về cơ chế, chính sách (nếu có) để tránh thất thoát NSNN.
Ngoài ra, KTNN thực hiện kiểm toán đối với công tác quản lý nhà nước tại Tổng cục Thuế và các cục thuế liên quan đến việc hoàn thuế, miễn, giảm, giãn thuế, chống trốn thuế, chuyển giá nhằm đánh giá việc thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo quy định tại Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020; việc thực hiện chính sách miễn giảm thuế thu nhập cho DN nhỏ, siêu nhỏ; việc thực hiện khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN theo quy định tại Nghị quyết số 94/2019/QH14 ngày 26/11/2019...
Đối với lĩnh vực kiểm toán hoạt động, kiểm toán môi trường và kiểm toán công nghệ thông tin, năm 2021, KTNN cũng lựa chọn một số chủ đề kiểm toán được dư luận xã hội quan tâm, đặc biệt là các chủ đề về môi trường nhằm đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công trong công tác bảo vệ môi trường. Đặc biệt, KTNN sẽ phối hợp với các cơ quan kiểm toán tối cao trong Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) thực hiện 2 cuộc kiểm toán trong khuôn khổ hợp tác quốc tế của KTNN: Kiểm toán việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công gắn với việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và Kiểm toán việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững: Hệ thống y tế quốc gia vững mạnh và nhanh chóng phục hồi.
Với KHKT được ban hành, Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng đã có Quyết định giao nhiệm vụ kiểm toán năm 2021 cho các đơn vị kiểm toán trong toàn Ngành. Đồng thời, KTNN cũng chú trọng xây dựng phương án tổ chức kiểm toán năm 2021 sát hợp, khoa học và hiệu quả, nhằm tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kiểm toán năm 2021.
ĐĂNG KHOA