Kenya: Hệ thống thông tin quản lý tài chính lỏng lẻo, gây thất thoát ngân sách

(BKTO) - Hệ thống thông tin quản lý tài chính tích hợp (IFMIS) của Chính phủ Kenya đã lộ diện nhiều thiếu sót, không mang lại những lợi ích, hiệu quả như mục tiêu đề ra.

untitled.png
Kho bạc Nhà nước là một cơ quan được quản lý thông qua IFMIS. Ảnh: ST

Kiểm soát lỏng lẻo, nhiều khoản nợ chưa được thanh toán

Báo cáo kiểm toán của Văn phòng Tổng Kiểm toán Kenya cho biết, sự yếu kém của IFMIS gây ảnh hưởng tiêu cực đến công tác quản lý của Chính phủ đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước. Việc xem xét, đánh giá IFMIS và các nền tảng thuộc Hệ thống, các báo cáo doanh thu đã phát hiện ra sự khác biệt giữa số dư được phản ánh trong các báo cáo, trong Hệ thống và sổ sách tài chính liên quan. Điều này làm dấy lên nghi ngờ về tính đầy đủ và chính xác của các khoản doanh thu mà Chính phủ thu được thông qua IFMIS.

Tổng Kiểm toán Kenya Nancy Gathungu cho biết, cuộc đánh giá các giao dịch trong IFMIS đã phát hiện ra nhiều trường hợp các giao dịch bị hủy trong hệ thống nhưng không có bằng chứng nào chứng minh việc này đã được phê duyệt. Một số khoản thanh toán đã thực hiện thành công nhưng không được trình bày trong các báo cáo tài chính, một số khoản thanh toán có trong hồ sơ tài chính nhưng lại không được ghi vào Hệ thống…

Ngoài ra, báo cáo còn cho thấy nhiều số dư được phản ánh trong các báo cáo tài chính không khớp với số dư trong các biểu mẫu hỗ trợ của IFMIS. Báo cáo dẫn chứng, một khoản chi 10,2 tỷ shilling Kenya (KES), tương đương gần 79 triệu USD, đã không được Quốc hội phê duyệt theo quy định của Hiến pháp Kenya.

Báo cáo cũng cho thấy Hãng Hàng không quốc gia Kenya (được quản lý thông qua IFMIS) nợ Kho bạc Nhà nước 55,3 tỷ KES tính đến ngày 30/6/2023, nhưng trên thực tế, không có thỏa thuận chính thức nào giữa hai Cơ quan về cách thu hồi các khoản vay này. Hãng Hàng không quốc gia cũng không trình đủ các tài liệu cần thiết và không đưa ra bất kỳ sự bảo đảm nào cho Chính phủ về khoản nợ này.

Tổng Kiểm toán Kenya Nancy Gathungu nhấn mạnh: “Các biện pháp kiểm soát nội bộ trong IFMIS rất lỏng lẻo, yếu kém, không hiệu quả. Điển hình là trường hợp một tài khoản được tạo trong IFMIS dưới tên của một cá nhân đã gây ra tình trạng thất thoát nhiều khoản ngân sách công”.

Báo cáo cho biết thêm, IFMIS ghi nhận Chính phủ chưa thu được nhiều khoản nợ. Số nợ này lên tới 194,7 tỷ KES, bao gồm 130,3 tỷ KES từ các bộ, sở và cơ quan; 64,4 tỷ KES từ các dự án công.

Đặc biệt, Bộ Quốc phòng có khoản nợ chưa thanh toán là 22,9 tỷ KES trong số 130,3 tỷ KES trên; Cơ quan Đường bộ quốc gia Kenya có khoản nợ chưa thanh toán cao nhất là 49,99 tỷ KES... Các khoản nợ này gây ra nhiều tác động tiêu cực đến hoạt động của các cơ quan công, các doanh nghiệp và của cả Chính phủ.

Áp dụng các biện pháp quản lý hiệu quả

Cuộc kiểm toán đã chỉ ra những nguyên nhân và hậu quả khi Chính phủ không kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả IFMIS; đặc biệt còn phụ thuộc đáng kể vào các nhà cung cấp dịch vụ cho một số chức năng quan trọng trong việc thực hiện tích hợp chức năng mới, cải thiện cấu hình hệ thống và các thay đổi để hỗ trợ sự phát triển của IFMIS, chưa cải thiện hiệu quả các dịch vụ mới của Chính phủ.

Tổng Kiểm toán Kenya Nancy Gathungu cho rằng, để khắc phục những vấn đề trên, Chính phủ cần sớm thực hiện một số biện pháp giúp cải thiện, hoàn thiện IFMIS. Đạo luật quản lý tài chính công năm 2012 của Chính phủ cũng cần được sửa đổi để đưa ra hướng dẫn về các hành động cần thực hiện khi quản lý các chi phí phát sinh từ ngân sách công.

Hệ thống thông tin quản lý tài chính tích hợp được thiết kế để cung cấp thông tin tài chính chính xác, đáng tin cậy và kịp thời; Chính phủ Kenya sử dụng hệ thống này nhằm cải thiện phương thức kiểm soát, ghi chép, hạch toán và báo cáo tài chính.

Báo cáo kiến nghị, để hạn chế sự chênh lệch giữa số dư được phản ánh trong các báo cáo doanh thu, trong IFMIS và sổ sách tài chính, cần áp dụng các biện pháp xử phạt nghiêm đối với những trường hợp không thực hiện theo đúng các quy định hiện hành. Hiện nay, các biện pháp xử phạt đối với những trường hợp vi phạm được đánh giá là chưa đủ sức răn đe.

Ngoài ra, báo cáo kiến nghị, các cơ quan, tổ chức công cần cố gắng thực hiện kế hoạch quản lý, phân bổ ngân sách của họ theo kế hoạch được cơ quan lập pháp phê duyệt. Các biện pháp thích hợp cần được bổ sung để góp phần giải quyết các vấn đề phát sinh được cuộc kiểm toán chỉ ra; đảm bảo thực hiện ý kiến chỉ đạo của Quốc hội về báo cáo của Tổng Kiểm toán./.

(Theo The Star)

Cùng chuyên mục
Kenya: Hệ thống thông tin quản lý tài chính lỏng lẻo, gây thất thoát ngân sách