Kéo dài giãn cách là bắt buộc khi chưa đủ vắc xin để miễn dịch cộng đồng

(BKTO) - Đây là khẳng định của Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong tại cuộc họp thông tin với báo chí về các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Hà Nội.



                
   

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong thông tin về công tác phòng, chống dịch của Hà Nội. Nguồn:hanoi.gov.vn

   

Tại cuộc họp, Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong cho biết: Thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ từ 6h ngày 24/7. Đến nay, Hà Nội đã trải qua 3 đợt giãn cách xã hội và từ ngày 06/9 áp dụng phương án chia 3 vùng với mức độ phòng, chống dịch khác nhau.

Việc áp dụng biện pháp giãn cách kéo dài là tình thế bắt buộc nhằm bảo vệ sức khỏe và an toàn tính mạng của người dân, đây là hướng đi đúng trong thời điểm vắc xin chưa đủ để miễn dịch toàn cộng đồng.

Đến nay,số ca mắc trên địa bàn Hà Nội đang có chiều hướng giảm, nửa đầu đợt giãn cách thứ 3, số ca mắc trong cộng đồng chiếm khoảng 30%, đến nay, số ca mắc trong cộng đồng đã giảm xuống 8,7%. Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các bệnh viện Trung ương, huy động các bệnh viện tư nhân cùng vào cuộc, chủ động củng cố, nâng cao năng lực điều trị của tất cả các cơ sở y tế của Hà Nội, từ các bệnh viện đến các trạm y tế.

Mặc dù thực hiện giãn cách toàn Thành phố nhưng Hà Nội vẫn đảm bảo việc cung cấp nhu yếu phẩn, thuốc men của người dân, tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp của Hà Nội cũng như các tỉnh khác tiếp tục được duy trì. Các mặt hàng thiết yếu đảm bảo cung cấp cho người dân, không có hiện tượng tăng giá, ép giá, khan hiếm diện rộng. Hà Nội tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp của Thành phố cũng như các tỉnh khác tiếp tục được duy trì.

Về đảm bảo an sinh xã hội, bên cạnh việc thực hiện các chính sách của Trung ương, Hà Nội đã ban hành chính sách riêng để bao phủ thêm các nhóm đối tượng chưa được Trung ương quy định (với 10 nhóm đối tượng, 12 nhóm chính sách). Cùng với đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cũng quan tâm, chăm lo hỗ trợ nhiều lần, cho nhiều đối tượng chính sách trong suốt đợt dịch vừa qua.

Bên cạnh đó, Hà Nội đã tích cực ứng dụng công nghệ vào công tác phòng, chống dịch. Từ quận, huyện, thị xã xuống chi bộ, thôn, tổ dân phố đều khai thác các nhóm Zalo, Facebook để phục vụ công tác thông tin liên lạc, lãnh đạo, chỉ đạo điều hành. Hà Nội xây dựng phần mềm quản lý, phân loại F0, F1; thiết lập tổng đài 1022 với 6 nhánh; nâng cấp Trung tâm cấp cứu 115 kết nối liên thông với các bệnh viện trung ương, bệnh viện tư nhân với khoảng 150 xe...

Phó Bí thư thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết thêm, với năng lực hiện có và sự hỗ trợ của 11 tỉnh, thành phố, Hà Nội có thể tiêm được hơn 300.000 mũi/ngày. Dự kiến, số vaccine được phân bổ hiện tại sẽ được tiêm hết trong ngày 11/9. Nếu được phân bổ đủ vaccine, Thành phố hoàn toàn có thể tiêm xong 100% người dân từ 18 tuổi trở lên như mục tiêu đề ra. Mục tiêu xét nghiệm diện rộng cũng có thể được hoàn thành đúng thời hạn ngày 12/9.

Về nhiệm vụ sau ngày 15/9, Phó Bí thư Thành ủy khẳng định, quan điểm của Thành phố cũng như thực tiễn đặt ra là không thể và không nên giãn cách mãi. Chính vì vậy, Thành phố phải quyết liệt thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, tranh thủ từng ngày để kiểm soát dịch theo từng khu vực.

"Việc nới lỏng giãn cách hay không, nới lỏng tới đâu, Thành phố sẽ căn cứ vào tình hình dịch tễ và nguy cơ của từng vùng. Mục tiêu quan trọng nhất vẫn là bảo vệ sức khỏe và an toàn tính mạng của người dân" - Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong khẳng định./.
THÙY LÊ
Cùng chuyên mục
Kéo dài giãn cách là bắt buộc khi chưa đủ vắc xin để miễn dịch cộng đồng