Kết nối cộng đồng giao nhận vận tải, logistics châu Á và thế giới

(BKTO) - 300 doanh nghiệp logistics đến từ 50 quốc gia đã tham dự Hội nghị Thường niên khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận vận tải quốc tế (FIATA) do Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đăng cai tổ chức từ ngày 14-15/7, tại Đà Nẵng.

1.jpg
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: BCT

Hội nghị FIATA nằm trong chuỗi Hội nghị quốc tế quan trọng hàng năm của ngành logistics thế giới gồm Hội nghị Thường niên khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận vận tải quốc tế (FIATA RAP), Hội nghị giữa năm Liên đoàn giao nhận vận tải ASEAN (AFFA Mid-Year Conference 2023).

Chuỗi sự kiện nhằm tăng cường tính kết nối giữa tất cả các thành viên của cộng đồng giao nhận vận tải, logistics và thương mại của khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng và toàn cầu nói chung.

Ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch VLA nhấn mạnh, Hội nghị và chuỗi sự kiện là điểm nhấn của ngành logistics và vận tải tại châu Á để cùng thảo luận về các xu hướng mới và phương pháp hay trong lĩnh vực giao nhận vận tải năm 2023.

Trong đó, Hội nghị FIATA RAP trao đổi về những vấn đề quan trọng của sự phát triển logistics khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hội nghị AFFA tập trung bàn bạc về những thách thức, xu hướng mới cũng như yêu cầu về phát triển bền vững của ngành logistics trong khu vực.

Tại Hội nghị FIATA RAP diễn ra trong ngày 14/7, lãnh đạo FIATA và các doanh nghiệp đã lắng nghe các phát biểu quan trọng của lãnh đạo Chính phủ, chính quyền địa phương, lãnh đạo FIATA và VLA; 02 báo cáo quan trọng của UNESCAP và FIATA; tham luận “Việt Nam thành trung tâm vận tải và logistics mới của châu Á”.

Tiếp đó, các đại biểu đã thảo luận về hành trình số của FIATA - phát triển nhà giao nhận vận tải số; vai trò của Trung tâm logistics trong phát triển vận tải xuyên biên giới và hành lang kinh tế Đông Tây; Chương trình đào tạo hàng hoá hàng không FIATA-IATA toàn cầu và lợi ích cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương…

Ngày 15/7, tại Hội nghị AFFA Mid-Year Conference 2023, các đại biểu cùng tập trung trao đổi, thảo luận nhằm tạo thuận lợi hoá thương mại cho vận tải xuyên biên giới; đào tạo nguồn nhân lực ngành logistics; phát triển bền vững và chuyển đổi số trong ngành logistics…

Ngoài các chương trình nghị sự quan trọng, nhiều hoạt động bên lề cũng được tổ chức nhằm kết nối doanh nghiệp logistics trong và ngoài nước.

Đây là dịp để các doanh nghiệp logistics Việt Nam gặp gỡ, trao đổi cơ hội hợp tác và học tập kinh nghiệm phát triển dịch vụ logistics của thế giới, mở ra cơ hội tăng cường xuất nhập khẩu, nâng cao sức cạnh tranh.

Đồng thời, việc cập nhật những xu hướng phát triển mới, những công nghệ 4.0 tiên tiến trong ngành logistics do các chuyên gia trên thế giới và khu vực chia sẻ giúp các doanh nghiệp logistics Việt Nam nắm bắt được xu hướng phát triển, ứng dụng vào thực tiễn hoạt động kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Cùng chuyên mục
Kết nối cộng đồng giao nhận vận tải, logistics châu Á và thế giới