Khắc phục tính hình thức trong đánh giá công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(BKTO) - Chiều 27/5, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 56, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến đối với báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTKCLP) năm 2020.



Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đạt nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực

Báo cáo tóm tắt kết quả THTKCLP trong năm 2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2020, việc triển khai, thực hiện quyết liệt, hiệu quả quy định của Luật THTKCLP; các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Chương trình tổng thể của Chính phủ về THTKCLP năm 2020 và các nghị quyết của Chính phủ đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, kiểm soát, hạn chế được tác động của dịch bệnh, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát và nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu đã đề ra.
                
   

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo tại phiên họp - Ảnh: daibieunhandan.vn

   

Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ kết quả THTKCLP năm 2020, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Bùi Đặng Dũng cũng đánh giá, mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 nhưng với quyết tâm cao, sát sao trong chỉ đạo, điều hành, công tác THTKCLP năm 2020 đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Công tác chỉ đạo, điều hành, ban hành Chương trình THTKCLP được triển khai chủ động, kịp thời tạo tiền đề thuận lợi cho quá trình triển khai thực hiện. Việc xây dựng pháp luật, định mức, tiêu chuẩn, chế độ được triển khai tích cực, góp phần xác lập cơ sở pháp lý hoàn thiện hơn cho công tác THTKCLP.

Hiệu quả sử dụng NSNN được chú trọng; quản lý chặt chẽ nguồn thu, nhiều nội dung chi được tiết giảm, ưu tiên nguồn lực cho các nhiệm vụ quan trọng. Việc mua sắm, sử dụng phương tiện, thiết bị làm việc của cơ quan, tổ chức trong khu vực nhà nước; quản lý sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ và công trình phúc lợi công cộng tiếp tục được cải thiện. Tài nguyên, đất đai từng bước được quản lý, khai thác, sử dụng chặt chẽ, hiệu quả, góp phần chống thất thoát, lãng phí. Công tác THTKCLP trong sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt, tiêu dùng của nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực.

Đánh giá rõ hơn bất cập, hạn chế để có giải pháp khắc phục

Bên cạnh những kết quả tích cực, báo cáo của Chính phủ cũng nhìn nhận rõ, kết quả THTKCLP trong từng lĩnh vực còn có những hạn chế nhất định. Đặc biệt, một số Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty chậm ban hành chương trình THTKCLP năm 2020 và chậm báo cáo kết quả THTKCLP năm 2020 so với thời hạn quy định, thể hiện sự thiếu ý thức, trách nhiệm chưa cao trong chấp hành Luật THTKCLP; làm ảnh hưởng đến công tác tổng kết, đánh giá và kết quả THTKCLP chung của cả nước.

Cơ quan thẩm tra cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác THTKCLP. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Bùi Đặng Dũng, vẫn còn hiện tượng chưa tuân thủ nghiêm quy định về thời hạn lập, gửi Chương trình và Báo cáo THTKCLP. Một số đơn vị đến tháng 4 và 5/2020 mới ban hành Chương trình THTKCLP.

Tiến độ thực hiện một số dự án chậm, không giải ngân hết kế hoạch vốn được giao; công tác cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế chưa đạt yêu cầu, tiến độ đề ra; tình trạng vi phạm định mức, tiêu chuẩn, chế độ còn diễn ra; việc xử lý vi phạm tuy có tăng so với năm 2019 nhưng còn chưa phản ánh đúng với tình hình thực tế đang diễn ra. Một số cơ quan còn xảy ra vi phạm trong đấu thầu mua sắm tài sản công.

Cùng với đó, việc triển khai một số quy trình, thủ tục trong quản lý, khai thác, sử dụng đất, tài nguyên còn chậm; vi phạm trong quản lý, sử dụng đất, tài nguyên vẫn tồn tại; việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại một số DN chưa thực sự hiệu quả; tiến độ cổ phần hóa DN còn chậm…

Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng, các hạn chế trong THTKCLP năm 2020 xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là công tác triển khai chỉ đạo THTKCLP tại một số Bộ, ngành, địa phương chậm; việc xác định, xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, tập thể và người đứng đầu cơ quan, đơn vị vi phạm Luật THTKCLP chưa thực hiện hiệu quả; nhận thức việc thực hiện THTKCLP của một bộ phận cán bộ, công chức người dân và DN còn hạn chế,...

“Chính phủ cần tổng kết, đánh giá rõ hơn các nguyên nhân dẫn đến bất cập, hạn chế để có cơ sở đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm khắc phục, góp phần nâng cao kết quả trong THTKCLP” - báo cáo thẩm tra nêu rõ.

Kiên quyết khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, hình thức

Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cơ bản tán thành với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách. Bà Lê Thị Nga cho rằng, nếu như Chính phủ lập Chương trình từ rất sớm ngay từ đầu năm nhưng có những đơn vị đến tháng 6/2020 mới ban hành, cá biệt có đơn vị đến tháng 9/2020 mới ban hành Chương trình THTKCLP cho năm 2020 là rất hình thức. Cùng với đó, một số báo cáo kết quả lại không có số liệu thực hiện. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng điều này thể hiện kỷ luật báo cáo không nghiêm, Chính phủ cần nghiêm khắc phê bình các đơn vị chậm trễ trong lập Chương trình và báo cáo.
                
   

Toàn cảnh phiên thảo luận - Ảnh: daibieunhandan.vn

   

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ rõ, THTKCLP là vấn đề rất lớn, nhất là đối với điều kiện khó khăn của nước ta. Tuy nhiên, báo cáo thường niên về THTKCLP lại chưa được chú trọng đúng mức. Nhiều chương trình, báo cáo THTKCLP còn mang tính hình thức, chưa đi sâu vào thực chất, chưa bám sát vào các nội dung của Luật và Chương trình THTKCLP của Chính phủ.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, báo cáo chưa chỉ rõ được những kết quả nổi bật, những tiến bộ của năm nay so với năm trước, chưa thấy rõ đâu là điển hình để vinh danh. Cùng với đó các tồn tại, hạn chế còn chung chung, chưa rõ địa chỉ, còn nể nang, né tránh.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra cần tiếp tục hoàn thiện theo hướng bám sát nội dung cốt lõi của Luật THTKCLP và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Chương trình THTKCLP năm 2020, trong đó tập trung vào 3 nhóm chính.
Một là, tài chính, NSNN, tín dụng nhà nước, tài chính công, tài sản công, DN có vốn nhà nước, năng suất lao động của cán bộ, công chức.

Hai là, tài nguyên đất đai khoáng sản, bảo vệ môi trường.

Ba là, sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân, xã hội.

Đồng thời, báo cáo cần nhìn thẳng vào thực tiễn cuộc sống, bám sát vào cuộc sống để tránh hình thức, từ đó có đánh giá thực chất, rõ ràng.

ĐĂNG KHOA
Cùng chuyên mục
Khắc phục tính hình thức trong đánh giá công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí