Khai mạc Phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(BKTO) - Sáng 08/5, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc Phiên họp thứ 45.




Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Phiên họp- Ảnh:quochoi.vn

Theo chương trình, Phiên họp dự kiến diễn ra trong các ngày: 8/5, 15/5 và 16/5.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đây là phiên họp cuối của UBTVQH để cho ý kiến về các nội dung chuẩn bị trình tại Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội. Ngoài ra, UBTVQH cũng quyết định một số vấn đề theo thẩm quyền.

Tại phiên họp này, UBTVQH sẽ cho ý kiến (lần 2) về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và 03 Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về: công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA); một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội; thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng và một số chính sách đặc thù khác (nếu có).

UBTVQH cũng sẽ cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN năm 2019; đánh giá tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN những tháng đầu năm 2020; quyết toán NSNN năm 2018.

Bên cạnh đó, UBTVQH cho ý kiến về: Dự thảo Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV; Dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội...

Ngoài các nội dung trên, UBTVQH cũng có thể xem xét công tác nhân sự của các cơ quan nếu kịp chuẩn bị.

Sau khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, UBTVQH đã cho ý kiến về Dự thảo Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

Trình bày Dự thảo Báo cáo này, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, thông qua 1.396 cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội đã tổng hợp được 2.102 kiến nghị, chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đến nay, có 2.008 kiến nghị được giải quyết, trả lời, đạt 95,53%.

Trong đó, có 59 kiến nghị gửi đến Quốc hội, chiếm 2,8% (23 kiến nghị về xây dựng pháp luật và 36 kiến nghị về hoạt động giám sát). Theo đó, cử tri nhiều địa phương kiến nghị Quốc hội tăng cường giám sát việc quản lý đất đai, công sản, tiến độ và chất lượng một số công trình dự án lớn, đầu tư từ ngân sách, nhất là các dự án giao thông, đường cao tốc...; nghiên cứu xem xét tăng mạnh mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm để bảo đảm tính răn đe cao, vì đây là vấn đề ảnh hưởng tới sức khỏe của mọi người dân... Toàn bộ kiến nghị cử tri gửi đến các cơ quan của Quốc hội đã được xem xét trả lời thấu đáo, đầy đủ, đúng thời hạn, đạt 100%, bảo đảm giữ vững mối quan hệ chặt chẽ với cử tri trong mọi hoàn cảnh.
Toàn cảnh Phiên họp- Ảnh:quochoi.vn
Đối với Chính phủ, có 1.951 kiến nghị, chiếm 92,82% tổng số kiến nghị; đã giải quyết, trả lời 1.858 kiến nghị, đạt 95,23%.

Kết quả giám sát cho thấy, Chính phủ, các Bộ, ngành đã rất tích cực, khẩn trương, trách nhiệm trong xem xét, giải quyết và trả lời các kiến nghị của cử tri. Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ ngày 9/4/2020, Thủ tướng đã chỉ đạo các thành viên Chính phủ sớm hoàn thành việc trả lời kiến nghị cử tri, trong đó, lưu ý trả lời phải đúng yêu cầu, có giải pháp cụ thể để xử lý, không trả lời chung chung, trích dẫn Nghị quyết Đảng, quy định pháp luật

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả tích cực vẫn còn một số hạn chế như: một số ít văn bản trả lời chưa đủ thông tin, chưa đúng nội dung cử tri kiến nghị, chỉ trích dẫn các quy định đã có của pháp luật, hoặc dựa trên báo cáo của cấp dưới mà chưa kiểm tra hoặc tìm giải pháp để tháo gỡ do đó cử tri tiếp tục bức xúc, tiếp tục kiến nghị; một số kiến nghị của cử tri yêu cầu kiểm tra, xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân, tập thể khi để xảy ra sai phạm nhưng thường được trả lời chung chung, chưa nêu rõ kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm; công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành trong xem xét, giải quyết các kiến nghị có nội dung liên ngành, vẫn còn chậm do khó xác định cơ quan chủ trì giải quyết…

Trên cơ sở kết quả giám sát, Ban Dân nguyện kiến nghị, đối với Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội cần tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng tổng hợp kiến nghị cử tri, đảm bảo rõ ràng, cụ thể, trọng tâm, không kiến nghị trùng lặp, kiến nghị những vấn đề đã được giải quyết; tích cực khai thác phần mềm ứng dụng để giải đáp trực tiếp cho cử tri các kiến nghị đã được các Bộ, ngành trả lời trong quá trình tiếp xúc cử tri; tăng cường giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật và một số vấn đề nóng mà cử tri quan tâm.

Đối với Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành xây dựng kế hoạch giải quyết dứt điểm những tồn tại hạn chế như đã nêu trong báo cáo; phân công cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính để giải quyết đối với các kiến nghị có nội dung liên quan đến nhiều Bộ, ngành; rà soát, giải quyết dứt điểm các kiến nghị đang trong quá trình giải quyết, hạn chế chuyển kiến nghị chưa được giải quyết sang nhiệm kỳ sau.

Cho ý kiến về Dự thảo Báo cáo, đa số các ý kiến trong UBTVQH đánh giá, việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri đã được thực hiện nghiêm túc, có trách nhiệm. Trong bối cảnh phải tập trung cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-9 nhưng các kiến nghị của cử tri vẫn được tập hợp, giải quyết, qua đó khẳng định năng lực điều hành, quản trị của nhà nước đối với những vấn đề liên quan đến nhân dân, thể hiện sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước, trách nhiệm của chính quyền các cấp trước nhân dân.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày báo cáo tại Phiên họp- Ảnh:quochoi.vn

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị, Báo cáo cần đánh giá kỹ, cụ thể về chất lượng trả lời, giải quyết kiến nghị của cử tri để có những đánh giá, giải pháp thực chất hơn.

Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến, cần có đánh giá, so sánh việc giải quyết kiến nghị của cử tri từ kỳ họp trước đến kỳ họp sau, để xem những tồn tại, hạn chế trong tất cả các lĩnh vực kiến nghị có giảm dần đi không? Đồng thời, làm rõ kiến nghị, nguyện vọng của cử tri trong từng giai đoạn tập trung vào vấn đề gì, được giải quyết ra sao để từ đó có một bức tranh tổng quát hơn, đưa ra các biện pháp hiệu quả hơn trong việc giải quyết kiến nghị cử tri.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng đề nghị: Báo cáo cần chỉ ra được so sánh năm 2019 với năm 2018, việc giải quyết kiến nghị của cử tri có gì tiến bộ; số đơn, thư tăng hay giảm, giải quyết đơn, thư như thế nào, chất lượng giải quyết có bảo đảm không? Kiến nghị của cử tri chủ yếu tập trung ở những lĩnh vực nào để thấy rõ xu hướng…

Cũng trong phiên họp sáng 8/5, UBTVQH đã cho ý kiến về Dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV.

Chiều cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về quyết toán NSNN năm 2018; việc phân bổ nguồn tăng thu vốn viện trợ không hoàn lại chi thường xuyên năm 2018. Tại Phiên họp, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã trình bày Báo cáo tóm tắt Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2018.

Đ. KHOA

Cùng chuyên mục
Khai mạc Phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội