Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 vừa qua, về cơ bản chúng ta thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, bảo đảm an ninh trật tự xã hội, an toàn giao thông để đón Tết an toàn, ấm cúng bên gia đình. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng cơ bản các biện pháp phòng, chống dịch vẫn được các cơ quan, các cấp, cấp ngành và nhân dân đồng tình, triển khai kịp thời, quyết liệt để kịp thời kiểm soát tốt tình hình.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Phiên họp - Ảnh: quochoi.vn |
Bước sang năm mới, với khí thế mới, thắng lợi mới, từ thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chủ tịch Quốc hội khẳng định UBTVQH sẽ tiếp tục phát huy cao nhất tinh thần làm việc trách nhiệm, đoàn kết, nỗ lực hết mình nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra. Trong đó, tập trung chỉ đạo công tác tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và phối hợp tổ chức thành công bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại phiên họp này, UBTVQH cho ý kiến về báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ và cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV. Đồng thời, cho ý kiến về điều chỉnh lần thứ nhất về cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và cho ý kiến về việc quy định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ; xem xét dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 887-NQ/UBTVQH12 về việc ban hành Quy chế quản lý khoa học trong các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc UBTVQH và Văn phòng Quốc hội.
Ngay sau khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, UBTVQH đã cho ý kiến về điều chỉnh lần thứ nhất về cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.
Tiếp đó, UBTVQH đã xem xét và biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 887 - NQ/UBTVQH12 về việc ban hành Quy chế quản lý khoa học trong các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc UBTVQH và Văn phòng Quốc hội.
Cũng tại phiên họp chiều 22/2, UBTVQH đã cho ý kiến về việc quy định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND TP. Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026.
Trình bày Tờ trình về quy định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND TP. Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, việc đề xuất tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND TP. Hà Nội phù hợp với đặc điểm của Thành phố là đô thị loại đặc biệt, là Thủ đô của cả nước, bảo đảm tính liên thông, thống nhất, xuyên suốt của quản lý đô thị.
Mặt khác qua thực tiễn hoạt động của HĐND TP. Hà Nội nhiệm kỳ 2016-2021, việc tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của Thành phố sẽ góp phần để HĐND Thành phố triển khai thực hiện tốt các Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm chính quyền đô thị, thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù về tài chính, ngân sách.
Theo đó, Chính phủ đề nghị trong nhiệm kỳ 2021-2026, TP. Hà Nội được bố trí chức danh và số lượng đại biểu HĐND quận, huyện, thị xã và đại biểu HĐND xã, thị trấn hoạt động chuyên trách theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã được sửa đổi, bổ sung năm 2019. Đối với HĐND thành phố, Chính phủ đề nghị bố trí tổng số 19 đại biểu hoạt động chuyên trách, trong đó, 3 đại biểu là lãnh đạo HĐND thành phố (gồm Chủ tịch và 2 Phó Chủ tịch); mỗi Ban của HĐND thành phố bố trí 4 đại biểu (gồm Trưởng ban, 2 Phó Trưởng ban và 1 Ủy viên hoạt động chuyên trách). Như vậy, so với quy định của Luật, số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách tại HĐND thành phố Hà Nội tăng thêm 9 đại biểu (trong đó, tăng 1 Phó Chủ tịch HĐND, 4 Phó Trưởng ban và 4 Ủy viên hoạt động chuyên trách tại 4 Ban của HĐND).
Toàn cảnh Phiên họp- Ảnh: quochoi.vn |
Theo Tờ trình của Chính phủ, việc bố trí tăng số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách không làm tăng biên chế vì sẽ được cân đối trong tổng số biên chế hành chính của TP. Hà Nội.
Thẩm tra sơ bộ Tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thấy rằng, trong bối cảnh TP. Hà Nội thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 và thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù theo Nghị quyết số 115/2020/QH14 của Quốc hội thì việc Chính phủ, chính quyền TP. Hà Nội đề nghị bố trí tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND Thành phố là có cơ sở thực tiễn, phù hợp với vị thế, vai trò đặc biệt quan trọng của Thủ đô và yêu cầu đảm đương khối lượng công việc ngày càng tăng của chính quyền ở cấp thành phố. Kiến nghị, đề xuất này cũng bảo đảm tương quan với các địa phương khác cũng thực hiện tổ chức mô hình chính quyền đô thị (như thành phố Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh), góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND thành phố. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với kiến nghị, đề xuất của Chính phủ về việc bố trí số lượng, chức danh đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026 và trong suốt giai đoạn thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội theo Nghị quyết số 97/2019/QH14.
Tại phiên thảo luận, UBTVQH cơ bản nhất trí với đề nghị của Chính phủ và các nội dung trong báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Pháp luật; tán thành việc trình Quốc hội xem xét nội dung này tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khóa XIV.
Đ. KHOA