Chậm tiến độ, thậm chí chưa triển khai hoặc mới triển khai ở cấp xã
Kế hoạch 5 năm 1 lần, cả nước sẽ tiến hành kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất. Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 17/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019 nhấn mạnh, việc kiểm kê này nhằm đánh giá thực trạng sử dụng đất đai của từng đơn vị hành chính các cấp xã, huyện, tỉnh, các vùng kinh tế và cả nước để làm cơ sở đánh giá tình hình quản lý, sử dụng đất đai của các cấp trong 5 năm qua và đề xuất cơ chế, chính sách, biện pháp nhằm tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Đây cũng là cơ sở quan trọng để lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp giai đoạn 2021-2030 và xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, nội dung kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019 bao gồm: diện tích các loại đất và diện tích do các loại đối tượng đang sử dụng, quản lý theo quy định của Luật Đất đai năm 2013. Đặc biệt, việc kiểm kê đất đai năm 2019 còn nhằm đánh giá tình hình sử dụng đất do DNNN, DN cổ phần hóa quản lý sử dụng; đất do các ban quản lý rừng và DN sản xuất nông, lâm nghiệp sử dụng; đất tại các dự án xây dựng nhà ở thương mại; đất xây dựng các công trình sự nghiệp ngoài công lập, công trình công cộng có mục đích kinh doanh; đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích.
Thời gian phải hoàn thành việc kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019 đối với cấp xã theo quy định là trước ngày 16/01, cấp huyện trước ngày 01/3 và cấp tỉnh trước ngày 16/4/2020. Tuy nhiên, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Lê Thanh Khuyến cho biết, tính đến ngày 31/3/2020, mới có 61% số xã hoàn thành kiểm kê đất đai (6.565 xã); 58% số huyện đã triển khai thực hiện (401 huyện); thậm chí, 2 tỉnh Sơn La và Hà Giang mới hoàn thành công tác chuẩn bị, chưa triển khai; 2 tỉnh Thừa Thiên Huế và Hòa Bình mới triển khai kiểm kê đất đai cấp xã.
Cùng với đó, chất lượng bản đồ kiểm kê cấp xã còn nhiều hạn chế như: công tác rà soát đường địa giới hành chính và thể hiện lên bản đồ sử dụng điều tra kiểm kê chưa đầy đủ; việc điều tra, khoanh vẽ ngoài thực địa, xác định loại đất, loại đối tượng sử dụng đất, đối tượng quản lý đất, thể hiện mã đối tượng trên bản đồ kiểm kê còn có những sai sót; chưa xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong quá trình thực hiện…
Theo ông Khuyến, nguyên nhân chủ yếu do công tác chỉ đạo, triển khai ở các địa phương chưa quyết liệt; việc kiểm tra, đôn đốc của UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương chưa sát sao; nhiều đơn vị cấp xã, cấp huyện chưa chủ động và chưa làm hết trách nhiệm, phó mặc cho đơn vị tư vấn. Bên cạnh đó, một số địa phương thay đổi địa giới hành chính cấp xã, huyện do thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về sáp nhập, sắp xếp các đơn vị hành chính xã, huyện của các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư. Ngoài ra, nhiều địa phương còn khó khăn về kinh phí triển khai và chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19.
Tháo gỡ khó khăn,đẩy nhanh tiến độ kiểm kêđất đai
Để tháo gỡ khó khăn trong quá trình kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019, Tổng cục Quản lý đất đai đã đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chỉ đạo cơ quan Tài nguyên và Môi trường cấp huyện tăng cường lực lượng về các xã, phường, thị trấn để đôn đốc việc triển khai, đẩy nhanh tiến độ thực hiện; kiểm tra giám sát, chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện sản phẩm kiểm kê đất đai, bản đồ hiện trạng sử dụng đất ở cấp xã, đảm bảo thời gian kiểm kê cấp huyện, tỉnh theo yêu cầu. Việc kiểm tra, rà soát các khoanh đất cần thiết phải có sự đối khớp ở ngoài thực địa, tránh khoanh thiếu, khoanh không đúng đối tượng quản lý, sử dụng đất, không đúng loại đất đang sử dụng…
Đối với các huyện, xã sáp nhập theo Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 14/5/2019 của Chính phủ và Kế hoạch thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019-2021, hồ sơ kiểm kê đất đai năm 2019 sẽ lập theo địa giới hành chính của huyện, xã mới; việc ký duyệt sẽ do Chủ tịch huyện, xã mới thành lập ký, đóng dấu. Trường hợp đến thời điểm báo cáo mà các huyện, xã mới vẫn chưa thực hiện xong việc sáp nhập, hồ sơ kiểm kê vẫn lập theo đơn vị hành chính huyện, xã cũ và do Chủ tịch huyện, xã cũ ký, đóng dấu. Bên cạnh đó, báo cáo kiểm kê đất đai năm 2019 của các địa phương cũng cần thuyết minh rõ số lượng, tên đơn vị hành chính, diện tích của các huyện, xã thay đổi…
Mới đây, tại cuộc họp trực tuyến bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân yêu cầu Tổng cục Quản lý đất đai khẩn trương phối hợp với Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Tổng cục Môi trường, Cục Đo đạc bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam, Cục Viễn thám Quốc gia để thống nhất các số liệu cung cấp cho các địa phương nhằm đảm bảo tính thống nhất khi kiểm kê các tiêu chí về xã đảo, chỉ tiêu đất ngập nước…; đồng thời nắm bắt tình hình triển khai ở các địa phương để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc đẩy nhanh công tác này, nhất là đối với các địa phương còn chậm tiến độ…
HỒNG NHUNG