Khi “Hòn ngọc Viễn Đông” chuyển mình

(BKTO) - Đã 45 năm, với mốc son là Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thống nhất đất nước, Sài Gòn ngày ấy và TP.HCM hôm nay đã “hóa rồng” bước lên một vị thế mới, không những đóng vai trò là trung tâm kinh tế, văn hóa - xã hội hàng đầu của cả nước mà còn vươn tầm khu vực, tạo uy thế lớn trên trường quốc tế về nhiều mặt.




Các khu đô thị hiện đại được đầu tư xây dựng trên những khu vực đầm lầy, kênh rạch ngày xưa. Ảnh: Như Ý

Đột phá từ hạ tầnggiao thông

Vượt qua những khó khăn chồng chất trong 10 năm đầu sau giải phóng, TP.HCM đã giữ vững thành quả cách mạng, khôi phục và phát triển kinh tế. 35 năm tiếp theo, cùng cả nước thực hiện đường lối đổi mới, TP.HCM đã có những bước phát triển ngoạn mục trên mọi lĩnh vực, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Trong đó, hạ tầng giao thông được đầu tư xây dựng với quy mô lớn, hiện đại. Điển hình như đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ (đại lộ Ðông - Tây) có chiều dài gần 22 km, đi qua địa bàn của nhiều quận, huyện với tổng kinh phí xây dựng và đầu tư hơn 16.000 tỷ đồng. Ngoài vai trò giao thông, công trình này còn giúp di dời các khu “ổ chuột”, tạo mỹ quan đô thị và thay đổi cuộc sống của cư dân. Đáng chú ý, nằm trong tuyến đại lộ này, hầm vượt sông Sài Gòn (hầm Thủ Thiêm) được đánh giá là hạng mục quan trọng, hiện đại nhất Đông Nam Á với chiều dài 1,49 km, rộng 33m, cao 9m, với 6 làn xe lưu thông.

Một biểu tượng nữa về giao thông của TP.HCM là cầu Phú Mỹ - cây cầu dây văng lớn nhất Thành phố bắc qua sông Sài Gòn, được khánh thành vào năm 2009, với chiều dài hơn 2.100m, rộng 27,5m nối Quận 2 và Quận 7. Cầu Phú Mỹ là một công trình có quy mô đầu tư lớn, hiện đại và có ý nghĩa nhiều mặt với sự phát triển của TP.HCM. Sau khi khánh thành và đưa vào sử dụng, công trình đã giải quyết ách tắc cho khu vực trung tâm và là nhân tố quyết định để xây dựng hành lang lưu thông mới của trục vận tải từ miền Bắc, miền Trung đi về vùng Đồng bằng sông Cửu Long trù phú, giảm áp lực lưu thông xuyên qua nội đô.

Tại vị trí cửa ngõ Thành phố, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55 km bắt đầu từ nút giao An Phú (Quận 2, TP.HCM) đến nút giao Dầu Giây (Quốc lộ 1A, Đồng Nai) là tuyến cao tốc hiện đại, có ý nghĩa rất lớn trong việc kết nối TP.HCM với các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Đặc biệt, một công trình quan trọng sẽ khiến giao thông Thành phố “lột xác” hoàn toàn trong thời gian tới là tuyến đường sắt đô thị số 1 (Sài Gòn - Suối Tiên). Đây là công trình được cả người dân và lãnh đạo Thành phố kỳ vọng, dự kiến năm 2020 có thể chạy thử và năm 2021 sẽ chính thức đi vào hoạt động.

Được biết, trong năm 2020, TP.HCM sẽ phấn đấu làm mới đưa vào sử dụng 81 km đường bộ và 18 cây cầu; tỷ lệ đất dành cho giao thông đạt 12,2% đất xây dựng đô thị. Đáng chú ý, Sở Giao thông vận tải Thành phố đặt mục tiêu năm nay sẽ hoàn thành 53 dự án và hàng loạt dự án giao thông khác được đấu thầu khởi công. Số dự án chuyển tiếp, hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025 gồm 36 dự án, trong đó, 31 dự án được phê duyệt trong năm 2020.

Kinh tế luôn duy trì ở mức cao

Sự nở rộ của các công trình giao thông tầm vóc đã kéo theo hàng loạt quy hoạch khu đô thị lớn cho TP.HCM. Các khu đô thị được đầu tư xây dựng trên những vùng đầm lầy, kênh rạch xưa, nay trở thành những đô thị kiểu mẫu. Đầu tiên phải kể đến “dấu ấn” Phú Mỹ Hưng - khu đô thị ra đời sớm và được phát triển đồng bộ. Phú Mỹ Hưng (khu A rộng hơn 400 ha) đã hình thành một đô thị hiện đại với đầy đủ các chức năng: nhà ở, văn phòng, thương mại - giải trí, y tế và giáo dục. Ngày nay, dân cư ở Khu đô thị Phú Mỹ Hưng là cộng đồng dân cư đa sắc tộc đa dạng nhất của cả nước. Tiếp nối, Khu đô thị Thủ Thiêm được quy hoạch là khu trung tâm mới của TP.HCM với diện tích 657 ha, nơi được ví như “Phố Đông của Thượng Hải”. Ngoài ra, còn phải kể đến Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa là đảo tự nhiên lớn nhất TP.HCM được bao quanh bởi sông Sài Gòn và kênh Thanh Đa, với tổng diện tích khoảng 426 ha được quy hoạch trở thành đô thị phức hợp thương mại - giải trí - du lịch.

Không chỉ có những những công trình giao thông hiện đại, những khu đô thị mang tầm vóc quốc tế…, TP.HCM còn có cả một nền tảng kinh tế vững vàng, năng động, luôn duy trì tăng trưởng hằng năm ở mức cao và sẵn sàng hội nhập sâu rộng với thế giới. Quy mô, tiềm lực và sự đóng góp của TP.HCM cho cả nước ngày càng lớn (chiếm 24% GDP và trên 27% tổng thu ngân sách quốc gia, là nơi có 1/2 DN cả nước hoạt động, có năng suất lao động cao nhất, gấp 2,7 lần cả nước); thu nhập của người dân không ngừng được nâng lên (GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 6.799 USD, gấp 2,3 lần so với cả nước)… Cùng với thành quả phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hoá - xã hội, giáo dục và đào tạo, y tế của TP.HCM cũng đã có bước tiến tích cực.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân từng khẳng định, sau 45 năm, TP.HCM đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Tuy nhiên, với vị trí, vai trò và tiềm năng của Thành phố, cũng như đòi hỏi về sự phát triển của cả nước thì TP.HCM vẫn còn nhiều điều trăn trở. Nhiều bài học đã và đang được rút ra để vận dụng vào quá trình phát triển của TP.HCM. Trong đó, không ngừng chăm lo, tạo dựng niềm tin của nhân dân, hết lòng chăm lo đời sống nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; quán triệt, nắm vững đường lối, chính sách của Đảng trong từng thời kỳ; đổi mới tư duy, mạnh dạn đột phá, tạo điều kiện cho những sáng kiến, giải pháp mới của nhân dân… để cùng với lịch sử hơn 300 năm Sài Gòn - Gia Định, TP.HCM hôm nay luôn xứng đáng là thành phố anh hùng.

LÊ HÒA
Cùng chuyên mục
  • Nhận bảo hiểm xã hội một lần: Lợi trước mắt, thiệt thòi lâu dài
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Thời điểm này, trước ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 đến đời sống, một bộ phận người lao động (NLĐ) đã lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần. Cơ quan BHXH và các chuyên gia khuyến báo, NLĐ cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi lựa chọn hưởng BHXH một lần bởi điều này trực tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi trước mắt và về lâu dài của NLĐ.
  • Bộ xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam đạt tiêu chuẩn châu Âu
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Bộ xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam sản xuất vừa được Bộ Y tế và Chăm sóc xã hội Anh cấp phép đạt tiêu chuẩn châu Âu.
  • Hướng tới nền y tế thông minh
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Chủ động tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ngành y tế đã và đang đẩy mạnh xây dựng nền y tế thông minh với việc ứng dụng và phát triển công nghệ số, công nghệ thông minh, góp phần xây dựng hệ thống y tế Việt Nam hiện đại, chất lượng, công bằng và hội nhập quốc tế; đồng thời, hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ y tế có hiệu quả cao.
  • Kiểm soát giá thịt lợn:  Thực tế chưa như kỳ vọng
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Mặc dù Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt, nhiều DN cũng đã đưa giá lợn hơi xuống mức 70.000 đồng/kg nhưng giá bán lẻ mặt hàng thực phẩm thiết yếu này đến tay người tiêu dùng vẫn cao ngất ngưởng. Nhiều chuyên gia cho rằng, tình trạng này là do “đường đi” của lợn từ trang trại đến thị trường phải qua nhiều khâu trung gian nên người dân chưa được thụ hưởng việc giá lợn xuống thấp như mong muốn.
  • 10.000 đầu sách được giới thiệu trong Hội sách trực tuyến Quốc gia 2020
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Hội sách trực tuyến quốc gia 2020 với chủ đề “Đọc sách, nâng cao trí tuệ, vượt qua nỗi lo dịch bệnh” vừa được khai mạc tại địa chỉ https://book365.vn/. Điều đặc biệt là mỗi cuốn sách được bán ra tại Hội sách trực tuyến quốc gia lần này sẽ đóng góp 3% giá trị cho quỹ hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19.
Khi “Hòn ngọc Viễn Đông” chuyển mình