Ảnh minh họa |
Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) vừa khảo sát những khó khăn các doanh nghiệp gặp phải kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Gần 400 doanh nghiệp, đa số quy mô vừa và nhỏ tham gia cuộc khảo sát. Theo đó, trong quý I.2020, công suất phòng của gần 70% khách sạn chưa đạt được 30% so với cùng kỳ năm 2019. Giá phòng bình quân trong quý I.2020 chỉ đạt 30 - 50% so với quý I.2019 (giảm từ 50 - 70%).
Số liệu khảo sát của TAB chỉ rõ, doanh thu trong quý I.2020 của các doanh nghiệp du lịch giảm đến 70% so với cùng kỳ năm ngoái và dự báo trong quý II sẽ không có doanh thu. Tỷ lệ nhân viên nghỉ việc tại các doanh nghiệp tăng cao. Trong số doanh nghiệp tham gia khảo sát, có gần 80% doanh nghiệp cắt giảm hơn 50% số nhân viên, 20% số doanh nghiệp còn lại phải cắt giảm 100% nhân viên.
Chị Nguyễn Thị Miên, Trưởng bộ phận buồng, phòng tại khách sạn Hương Giang (đường Lê Lợi, TP Huế) cho biết, vào khoảng thời gian này những năm trước, khách du lịch trong và ngoài nước đến Huế rất đông, nhưng năm nay do dịch bệnh kéo dài khiến ngành du lịch bị chững lại. Công suất buồng, phòng và doanh thu sụt giảm nên phía khách sạn đã cho nhân viên nghỉ việc không lương từ tháng 3 đến hết tháng 5, dù khách sạn đã có hỗ trợ nhưng cũng không đáng kể. “Để trang trải cuộc sống, tôi bán hàng online tại nhà để kiếm thêm thu nhập từ hai tháng nay”.
Dưới góc độ doanh nghiệp, Giám đốc Công ty Du lịch Jungle Boss Lê Lưu Dũng cho biết, khi dịch Covid-19 xảy ra, công ty đã cho trên 100 lao động nghỉ việc, vì các tour, tuyến du lịch bị dừng. Công ty không thể chi trả chi phí cho toàn bộ nhân viên. “Tôi rất lo ngại sau khi dịch bệnh được không chế, nếu không có các chính sách cũng như kinh phí để trang trải thì doanh nghiệp du lịch sẽ khó giữ chân người lao động. Vì vậy, chúng tôi mong được Chính phủ hỗ trợ nhanh nhất và hiệu quả”, ông Dũng chia sẻ.
Trước nguy cơ thiếu nhân lực, Công ty TNHH MTV Chua Me Đất có cách làm khác. Tổng Giám đốc Nguyễn Châu Á cho biết, công ty đã bố trí làm việc online, duy trì mức lương cơ bản, hỗ trợ bảo đảm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho nhân viên. Riêng với 350 lao động phổ thông không có việc làm trong mùa dịch, công ty cũng trợ cấp 1.000.000 đồng/người/tháng. “Với cách làm này, sau khi dịch bệnh được khống chế, du lịch mở cửa thì công ty đã có đủ nguồn nhân lực để phục vụ”, ông Á chia sẻ thêm.
Cần chính sách giữ chân
Tổng Giám đốc Hanoi Redtours Nguyễn Công Hoan nhận định, doanh nghiệp mong muốn ngoài những chính sách và các gói hỗ trợ mà Nhà nước đã đưa ra, cần có thêm chính sách cho các doanh nghiệp vay vốn ưu đãi trả lương cho lao động để giữ chân họ. Bởi, gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng chỉ trợ cấp cho đối tượng người lao động ngưng việc là 1.800.000đ/tháng, chứ không hỗ trợ để doanh nghiệp trả lương cho những người vẫn đang làm việc bình thường. Việc hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn ưu đãi sẽ tránh việc cho lao động nghỉ việc đồng loạt và bảo đảm nguồn nhân lực cần thiết để hoạt động được ngay sau khi dịch bệnh được đẩy lùi.
Ông Nguyễn Châu Á cho biết, sau thời gian giãn cách xã hội và trong nhiều ngày Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm Covid-19 mới, ngành du lịch đã đón khách trở lại nhất là trong dịp nghỉ lễ vừa qua. Tuy nhiên, để có thể phục hồi nhanh chóng thì rất khó vì có nhiều doanh nghiệp đã cho nhân viên nghỉ việc quá lâu nên không bảo đảm được nguồn lực sau đại dịch. Do đó, về lâu dài cần phải có những chính sách hỗ trợ kịp thời tới người lao động để có thể giữ chân họ ở lại, bởi đào tạo được nguồn lao động có chất lượng rất tốn kém, mất rất nhiều thời gian và dù họ có được học từ các trường đào tạo nghề đi chăng nữa khi vào làm việc thực tế cũng phải đào tạo lại.
Đứng dưới góc độ đào tạo, quản lý, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng Lê Đức Trung cho biết, thời gian giãn cách xã hội kéo dài cũng khiến việc đào tạo bị gián đoạn. Do đó, ngay sau khi nới lỏng giãn cách, trường sẽ nhanh chóng tổ chức các lớp đào tạo cho sinh viên, đồng thời sẽ nghiên cứu có sự thay đổi thị trường khách, tìm hiểu thị trường mới đặt ra những vấn đề gì để đào tạo cho sinh viên. “Ví dụ, ẩm thực, ngôn ngữ, thói quen tiêu dùng, kinh doanh online... sẽ được đưa vào những bài giảng để sinh viên làm quen, chủ động tiếp cận được với thị trường. Bảo đảm khi hoàn thành khóa học, nguồn lực lao động sẽ có thể nắm bắt và vận dụng được ngay trong thị trường du lịch một cách tối đa”, ông Trung cho biết thêm.
Các chuyên gia đánh giá, để có thể nhanh chóng khôi phục và ổn định hoạt động sau khi dịch bệnh được khống chế, bản thân doanh nghiệp phải ưu tiên các biện pháp kiểm soát chi phí, đồng thời rất cần chính sách hỗ trợ tài chính của nhà nước. Ngành du lịch cần phải tái cơ cấu mạnh mẽ để phát triển, doanh nghiệp cần ưu tiên cơ cấu lại về cả số lượng nhân viên, loại hình dịch vụ và cả thị trường khách.
Theo Daibieunhandan.vn