Không chọn đầu vào vẫn đạt chuẩn đầu ra: Giáo dục thường xuyên hoàn thành mục tiêu khó

(BKTO) - Hoạt động dạy và học diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, song giáo dục thường xuyên (GDTX) đã nỗ lực vượt khó, hoàn thành chương trình đề ra, góp phần vào kết quả chung của ngành giáo dục.



Những đánh giá này được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đưa ra tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2021-2022 đối với GDTX diễn ra ngày 19/8.

Ổn định chất lượng, phát triển quy mô

Báo cáo đánh giá tổng kết nhiệm vụ năm học 2020-2021, ông Hoàng Đức Minh - Vụ trưởng Vụ GDTX (Bộ GD&ĐT) cho biết, dù trong bối cảnh khó khăn, song quy mô và mạng lưới cơ sở GDTX tại các địa phương về cơ bản được duy trì ổn định và từng bước phát triển đáp ứng nhu cầu học tập của mọi lứa tuổi, góp phần quan trọng trong xóa đói giảm nghèo, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ của người lao động.

Những kết quả đạt được càng đáng trân trọng, bởi đây là ngành học vô cùng khó khăn, ngành học không chọn đầu vào nhưng lại cùng chuẩn đầu ra với giáo dục phổ thông.

Box:                
   

Tỷ lệ tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021 của học sinh GDTX đạt 90,32%. Ảnh minh họa: N.LỘC

   
Dù trong điều kiện khó khăn, nhưng các cơ sở GDTX vẫn tăng hơn 700 cơ sở, số lượng người học cũng tăng so với năm học trước. Chất lượng GDTX từng bước ổn định. Riêng học sinh lớp 12 hệ GDTX đã hoàn thành chương trình và thi tốt nghiệp Trung học phổ thông đạt kết quả tốt đẹp, với tỷ lệ tốt nghiệp đạt 90,32%.

Đội ngũ giáo viên GDTX đảm bảo yêu cầu dạy học. Cả nước hiện có 1.640 cán bộ quản lý, 13.532 giáo viên tại các trung tâm GDTX, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - GDTX, trong đó có 9.769 giáo viên dạy văn hóa và 3.763 giáo viên dạy chuyên đề, dạy nghề. Điều kiện cơ sở vật chất các trung tâm GDTX được tăng cường, từng bước đáp ứng yêu cầu...

Việc đa dạng hóa nội dung chương trình GDTX và tập trung phát triển các chương trình bồi dưỡng ngắn hạn đã từng bước đáp ứng yêu cầu và nhu cầu không ngừng nâng cao kỹ năng và phát triển chuyên môn cho người lao động, góp phần đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, GDTX vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Theo ông Hoàng Đức Minh, đó là nhận thức về công tác xây dựng xã hội học tập ở một số địa phương, cơ quan, DN chưa đúng mức.

Công tác quản lý nhà nước về GDTX còn có vấn đề bất cập; công tác kiểm tra, thanh tra chưa được thường xuyên, chưa có được những biện pháp phù hợp, tích cực để nâng cao chất lượng dạy học. Các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy học của GDTX chưa đáp ứng được yêu cầu...

Chủ động xây dựng kịch bản dạy và học trong điều kiện dịch bệnh

Xác định năm học 2021-2022 diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 còn phức tạp, đại diện các Sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục cho rằng cần sớm xây dựng kịch bản dạy học cho cả năm học và cho từng thời điểm cụ thể. Bộ GD&ĐT cần hỗ trợ các trường trong việc hướng dẫn, chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng cho việc chuyển đổi dạy học được hiệu quả.

Trong khi đó, đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ GD&ĐT cũng đề nghị các Sở GD&ĐT địa phương, các cơ sở GDTX căn cứ vào điều kiện thực tế tại địa phương để chủ động xây dựng kịch bản tổ chức thực hiện chương trình, đảm bảo an toàn và chất lượng. “Tùy vào điều kiện, song các địa phương, các trường cần tận dụng tối đa thời gian dạy học trực tiếp, đồng thời luôn sẵn sàng điều kiện để dạy học trực tuyến” – ông Minh cho biết.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, GDTX cùng với ngành giáo dục phải trải qua năm học nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, GDTX vẫn đạt kết quả đáng ghi nhận. Sựnỗ lực, cố gắng của các địa phương, đặc biệt là các trung tâm GDTX và các cơ sở đang triển khai nhiệm vụ GDTX đã làm nên chất lượng GDTX của ngành trong năm học vừa qua.

Năm học 2021-2022 sắp bắt đầu với tình hình dịch bệnh vẫn rất phức tạp, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị GDTX cần tập trung triển khai các giải pháp phù hợp trong tổ chức các hoạt động dạy và học để chủ động thích ứng với tình hình dịch bệnh Covid-19. Trong đó, chú ý bảo đảm đủ thời lượng, kiến thức, kỹ năng để hoàn thành chương trình năm học cho học sinh; đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch bệnh.

Thứ trưởng yêu cầu ngành giáo dục cần tiếp tục đổi mới và thực hiện các phương pháp và hình thức kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học viên GDTX. Trong đó, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh trọng trách của GDTX là nhằm tạo điều kiện cho mọi người vừa làm vừa học nhằm phát huy năng lực cá nhân, hoàn thiện nhân cách, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để tìm việc làm và thích nghi với đời sống xã hội, góp phần xây dựng xã hội học tập; không phải học vì bằng cấp.

Liên quan đến tổ chức hoạt động của trung tâm GDTX, Thứ trưởng nhấn mạnh, cần đổi mới quản lý, chuyển từ quản lý bằng mệnh lệnh sang quản lý bằng cộng tác, cùng phối hợp để tạo môi trường làm việc thân thiện, tạo động lực cho giáo viên. Do đó, việc chọn lãnh đạo cơ sở GDTX là rất quan trọng, đặc biệt khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới – chương trình theo hướng phân cấp, đòi hỏi cao sự linh hoạt, sáng tạo.

Để thực hiện được những mục tiêu này, ngoài yêu cầu đặt ra với các cơ sở GDTX, Thứ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát theo hướng đẩy mạnh phân cấp quản lý, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu; kịp thời xử lý nghiêm đối với các vi phạm trong hoạt động dạy học, đảm bảo quyền lợi cho học sinh../.
NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
  • Sẽ xem xét cấp phép khẩn cấp nếu vắc xin Covivac đạt yêu cầu
    2 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Chiều ngày 19/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn - Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt về nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, phát triển vắc xin phòng Covid-19 - đã tới kiểm tra công tác thử nghiệm lâm sàng (TNLS) giai đoạn 2 vắc xin dự tuyển phòng bệnh Covid-19 bất hoạt mới (Covivac) tại Trung tâm Y tế huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.
  • Bảo hiểm xã hội Việt Nam giải đáp nhiều nội dung liên quan đến chính sách hỗ trợ an sinh xã hội
    2 năm trước Xã hội
    (BKTO)- Ngày 17/8, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam giải đáp nhiều vấn đề dư luận quan tâm liên quan đến việc triển khai chính sách hỗ trợ của ngành BHXH theo nội dung Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
  • Đổi mới công tác tuyển sinh, cam kết việc làm với người học - "cứu cánh" của trường nghề
    2 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Trong bối cảnh giáo dục nghề nghiệp đang chịu nhiều thách thức từ dịch bệnh, cũng như áp lực tuyển sinh từ các trường đại học, việc đổi mới công tác tuyển sinh và thực hiện cam kết việc làm với người học đóng vai trò quan trọng để thu hút nguồn tuyển sinh. TS. Phạm Xuân Khánh – Phụ trách Trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội - một trong những cơ sở đào tạo nhân lực chất lượng cao, uy tín của cả nước - đã chia sẻ kinh nghiệm của Trường về vấn đề này, trong bối cảnh các trường nghề đang vào mùa tuyển sinh.
  • Thí sinh đặc cách tốt nghiệp sẽ thi đánh giá năng lực vào ngày 15-16/9
    2 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) cho biết sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực cho thí sinh được xét đặc cách tốt nghiệp Trung học phổ thông vào các ngày 15-16/9. Thời gian dự phòng là ngày 22-23/9.
  • Nghệ An không tổ chức Lễ tuyên dương học sinh xuất sắc, giữ nguyên khen thưởng
    2 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Do ảnh hưởng của dịch bệnh, năm nay, tỉnh Nghệ An sẽ không tổ chức Lễ tuyên dương học sinh đạt giải quốc gia, quốc tế và đạt điểm cao Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) năm 2021 như thường lệ.
Không chọn đầu vào vẫn đạt chuẩn đầu ra: Giáo dục thường xuyên hoàn thành mục tiêu khó