Không để “nguồn lực vàng” bị lãng phí

(BKTO) - Cuộc tổng kiểm kê tài sản công quy mô toàn quốc không chỉ là “phép thử” về năng lực quản lý mà còn là cơ hội để rà soát, sắp xếp và tái cấu trúc nguồn lực công một cách thực chất, hiện đại và minh bạch, tạo thêm nguồn lực cho phát triển. Đồng thời, sự vào cuộc của Kiểm toán nhà nước (KTNN) được kỳ vọng sẽ giúp nhận diện rõ những điểm nghẽn trong thực tiễn, góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý tài sản công, không để “nguồn lực vàng” bị lãng phí.

12.jpeg
Tình trạng sử dụng tài sản công kém hiệu quả đã làm thất thoát một nguồn lực lớn của nền kinh tế. Ảnh minh họa

Bước khởi đầu cho tái cấu trúc hiệu quả tài sản công

Những năm gần đây, công tác quản lý, khai thác và sử dụng tài sản công đã có những bước chuyển rõ nét. Chính phủ, Bộ Tài chính đã thiết lập Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công, thúc đẩy số hóa thông tin, đồng thời ban hành nhiều nghị định, thông tư nhằm tăng cường kỷ cương, minh bạch trong quản lý nhà nước. Hàng nghìn cơ sở nhà, đất sử dụng sai mục đích, kém hiệu quả đã được rà soát và sắp xếp lại, một phần được đưa vào sử dụng đúng mục đích, phần khác được chuyển đổi hoặc bán đấu giá để tạo nguồn thu cho ngân sách.

Việc kiểm kê, xử lý tài sản công dôi dư lần này là “cuộc cách mạng rà soát” thực chất, không hình thức, không né tránh.

Ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính

Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với kỳ vọng. Không ít trụ sở cơ quan, công trình hạ tầng sau sáp nhập chưa có phương án xử lý, bị bỏ hoang, không người trông coi, dẫn đến xuống cấp và lãng phí. Trong khi đó, nhiều cơ quan lại thiếu diện tích làm việc, phải đi thuê trụ sở với chi phí không nhỏ.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, tình trạng sử dụng tài sản công kém hiệu quả đã làm thất thoát một nguồn lực lớn của nền kinh tế. Nếu được xử lý triệt để, số tài sản dôi dư có thể mang lại hàng chục nghìn tỷ đồng cho ngân sách, đồng thời tạo dư địa tài chính cho các lĩnh vực thiết yếu như hạ tầng, giáo dục, y tế - những yếu tố nền tảng cho tăng trưởng bền vững.

Để khắc phục những bất cập này, ngày 01/3/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 213/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Tổng kiểm kê tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý. Thời điểm thực hiện được ấn định trên toàn quốc vào 0h ngày 01/01/2025.

Theo ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính, đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện một cuộc tổng kiểm kê quy mô toàn quốc với đầy đủ cơ sở pháp lý, ứng dụng công nghệ hiện đại và số hóa dữ liệu. Việc kiểm kê không đơn thuần là “đếm cho đủ” mà hướng tới đánh giá hiện trạng, hiệu quả sử dụng và khả năng khai thác lại của tài sản công. Dữ liệu thu được sẽ là nền tảng để hoạch định chiến lược, xây dựng chính sách quản lý, đồng thời phục vụ việc sắp xếp đơn vị hành chính và xử lý tài sản công dôi dư.

Bộ Tài chính với vai trò cơ quan đầu mối quản lý tài sản công đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương rà soát, thống kê, đánh giá lại hiệu quả sử dụng tài sản, nhất là các trụ sở và cơ sở nhà đất dôi dư sau sáp nhập. Đồng thời, các phương án hoán đổi, điều chuyển giữa các cấp chính quyền từ Trung ương tới xã, phường cũng được thúc đẩy nhằm tận dụng tối đa hạ tầng hiện có.

Trong bối cảnh mô hình chính quyền hai cấp (tỉnh và xã) chính thức vận hành từ ngày 01/7/2025, Bộ Tài chính đã kịp thời hướng dẫn bổ sung việc sắp xếp, bố trí tài sản công trong quá trình tổ chức lại đơn vị hành chính. Theo đó, trụ sở cấp huyện sau khi sắp xếp sẽ được ưu tiên bố trí lại cho cấp xã hoặc các cơ quan nhà nước có nhu cầu thực tế.

Rà soát, kiểm toán việc sử dụng nhà, đất sau sắp xếp

Không chỉ dừng ở thống kê và hướng dẫn, việc xử lý tài sản công dôi dư đang chuyển từ tinh thần “nói” sang hành động thực chất. Trong các văn bản mới nhất, Bộ Tài chính giao rõ trách nhiệm cho Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc xây dựng phương án sắp xếp, xử lý tài sản trong phạm vi quản lý, đồng thời yêu cầu sở tài chính cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổng hợp, báo cáo và phối hợp triển khai thực hiện đồng bộ. Các Bộ, ngành Trung ương cũng phải rà soát tổ chức bộ máy và nhu cầu sử dụng trụ sở của đơn vị ngành dọc tại địa phương - điều được cho là yếu tố sống còn nhằm tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”.

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tính đến cuối năm 2024, cả nước đã có 205.862 cơ sở nhà, đất được cấp thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp, xử lý. Tuy nhiên, vẫn còn 62.739 cơ sở chưa được xử lý, chủ yếu do vướng mắc cơ chế hoặc chậm trễ trong thực hiện.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý cần rà soát các tài sản công sử dụng không hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí, tiêu cực, đặc biệt trong giai đoạn tổ chức lại bộ máy chính quyền. Theo ông, quá trình sắp xếp tổ chức cần gắn chặt với việc quản lý hiệu quả tài chính, tài sản công, tránh hình thức và bảo đảm nguồn lực phục vụ phát triển.

Trong năm 2025, KTNN triển khai cuộc kiểm toán chuyên đề “Việc quản lý, sử dụng, sắp xếp lại và xử lý nhà, đất theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công (Nghị định 167) và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 167 (Chuyên đề 167) tại các Bộ, cơ quan Trung ương, doanh nghiệp. Cuộc kiểm toán nhằm mục tiêu đánh giá việc chấp hành pháp luật, tính hiệu quả của các phương án đã được phê duyệt, đồng thời kiến nghị hoàn thiện cơ chế chính sách. Đáng chú ý, KTNN đã xây dựng bộ câu hỏi chi tiết nhằm làm rõ các nội dung như: việc sử dụng nhà, đất sau sắp xếp có đúng mục đích không? Có phù hợp tiêu chuẩn định mức không? Việc ban hành, sửa đổi cơ chế, chính sách sắp xếp lại và xử lý nhà, đất còn bất cập gì hay không?...

Trong bối cảnh bộ máy hành chính đang được tổ chức lại theo hướng tinh gọn, hiệu quả, việc kiểm kê, rà soát và xử lý tài sản công không chỉ nhằm tiết kiệm ngân sách mà còn tạo ra nguồn lực thực chất cho phát triển. Cuộc kiểm toán chuyên đề của KTNN về sắp xếp, xử lý nhà đất theo các quy định hiện hành được kỳ vọng sẽ là một bước đi quan trọng để nhận diện rõ những điểm nghẽn trong thực tiễn, từ đó kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách. Khi tài sản công được quản lý đồng bộ, chặt chẽ và minh bạch, đó không chỉ là bước tiến về mặt thể chế mà còn là điều kiện tiên quyết để huy động hiệu quả “nguồn lực vàng” phục vụ tăng trưởng bền vững./.

Cùng chuyên mục
Không để “nguồn lực vàng” bị lãng phí