Không vì khó khăn dịch bệnh mà ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh

(BKTO) – Tại cuộc họp trực tuyến về công tác tuyển sinh trình độ cao đẳng sư phạm và đại học (ĐH) năm 2021 diễn ra chiều 19/8, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, các cơ sở giáo dục ĐH cần linh hoạt trong việc xác nhận tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) cho thí sinh; tạo điều kiện xét tuyển cho các thí sinh công bằng như nhau và không vì khó khăn do dịch bệnh mà ảnh hưởng đến quyền lợi học tập của người học.



Linh hoạt trong việc xác nhận tốt nghiệp

Thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt hoạt động giáo dục, đào tạo nói chung và tới công tác tuyển sinh ĐH nói riêng. Trong bối cảnh đó, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đã được tổ chức thành công với 2 đợt thi, kết quả thi được phần lớn các trường ĐH lấy làm cơ sở để xét tuyển (nhiều trường dành trên 60% số chỉ tiêu tuyển sinh từ kết quả thi này).
                
   

Bộ GD&ĐT cho phép các trường linh hoạt xác nhận nhập học cho thí sinh đã tốt nghiệp, nhưng chưa nhận được bằng tốt nghiệp. Ảnh: N.LỘC

   

Tuy nhiên, sau thi tốt nghiệp, thí sinh tiếp tục gặp phải rắc rối khi chưa nhận được Giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT do ảnh hưởng của dịch bệnh, đặc biệt là tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Do đó, nhiều em chưa thể xác nhận nhập học vào các cơ sở giáo dục ĐH, dù đã đủ điều kiện trúng tuyển. Điều đó đồng nghĩa với việc thí sinh có thể bị xóa tên khỏi danh sách trúng tuyển tại cơ sở giáo dục ĐH mà mình dự tuyển.

Trước tình trạng này, Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ Hà Thanh Toàn đề xuất tháo gỡ bằng giải pháp cho phép thí sinh xác nhận nhập học bằng hình thức trực tuyến. Cụ thể: Thí sinh có thể chụp lại Giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT kèm theo mã vạch, rồi gửi về trường ĐH đã trúng tuyển để xác nhận nhập học. Đến khi hết giãn cách xã hội, thí sinh sẽ có trách nhiệm nộp bản gốc cho cơ sở giáo dục ĐH.

Đồng quan điểm, PGS,TS. Lê Quang Sơn - Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng đề nghị, các Sở GD&ĐT gửi bản chụp Giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT của thí sinh qua Zalo hoặc hòm thư điện tử.

Sau đó, thí sinh dùng ảnh này gửi đến cơ sở giáo dục ĐH để xác nhận nhập học. Đồng thời, thí sinh phải gửi kèm theo bản cam đoan có chữ ký của mình về việc chỉ xác nhận nhập học vào một cơ sở giáo dục ĐH. Hội đồng tuyển sinh sẽ đối chiếu, nếu sai thí sinh sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm. Song PGS,TS. Lê Quang Sơn cũng lưu ý khi hình thức này cũng có thể chứa đựng rủi ro, có thể gia tăng tỷ lệ thí sinh ảo, trúng tuyển nhưng không nhập học.

Mặt khác, do hình thức này chưa được quy định trong Quy chế tuyển sinh ĐH năm 2021, nên để áp dụng, Bộ GD&ĐT phải có văn bản hướng dẫn thống nhất để các cơ sở giáo dục ĐH thực hiện, tránh mỗi nơi mỗi kiểu, không công bằng cho thí sinh.

Box:                 
   

Không để thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển không được đến trường.
   Ảnh minh họa: N.LỘC

   

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn: Bộ sẽ chỉ đạo các Sở GD&ĐT để đẩy nhanh việc gửi Giấy chứng nhận cho thí sinh; đồng thời đề nghị các trường lùi thời hạn xác nhận nhập học của thí sinh, chậm nhất đến 26/9; cho phép thí sinh có thể gửi mã vạch về trường để xác nhận nhập học, sau đó hoàn thiện thủ tục về trường khi hết giãn cách xã hội.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cũng lưu ý, đối với thí sinh chưa nhận được Giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT (kể cả sau khi cơ sở giáo dục ĐH đã kéo dài thời gian xác nhận nhập học) các trường cần chủ động để có phương án xét tuyển phù hợp.

Không để thí sinh có nguyện vọng, đủ điều kiện không được nhập học

Một trong những điểm mới khác trong công tác tuyển sinh năm nay, đó là ngay từ trước thời điểm thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT đã có văn bản yêu cầu các cơ sở đào tạo ĐH phải cung cấp đầy đủ, rõ ràng thông tin tuyển sinh theo quy định cho thí sinh. Theo Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT), điều này là cần thiết để tránh tính trạng thí sinh đã đủ điểm trúng tuyển và nhập học thì bị trường ĐH báo trượt vì không đảm bảo ngưỡng đầu vào của trường như năm ngoái.

“Về cơ bản, năm nay, các trường thực hiện tốt các yêu cầu công khai, minh bạch trong tuyển sinh như công bố đề án tuyển sinh trên website của trường; thống nhất thông tin tuyển sinh trên cổng thông tin tuyển sinh với thông tin trong đề án” - lãnh đạo Vụ Giáo dục ĐHcho biết.

Đến thời điểm này, các cơ sở giáo dục ĐH đã và đang xét tuyển bằng nhiều phương thức khác nhau; trong đó phương án chính là sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều thí sinh được xét đặc cách tốt nghiệp (khoảng hơn 2.000 thí sinh) có nguyện vọng xét tuyển ĐH đang nhận được sự quan tâm, khi các văn bản liên quan của Bộ GD&ĐT không có nội dung nào đề cập đến đối tượng này.
                
   

Các trường cần quan tâm đến thí sinh tự do, thuộc diện xét đặc cách và có nguyện vọng xét tuyển ĐH. Ảnh minh họa: N.LỘC

   

GS,TS. Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, các trường cần quan tâm đến chỉ tiêu dành cho thí sinh tự do để tránh thiệt thòi quyền lợi cho các em.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đề nghị các cơ sở giáo dục ĐH xem xét, chấp nhận thí sinh tự do đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào trường. Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn điều chỉnh xét tuyển dành riêng cho đối tượng thí sinh này, đảm bảo đúng Quy chế và phù hợp với điều kiện thực tế khách quan.

Về hình thức xét tuyển, Thứ trưởng gợi ý: Các trường có thể dựa vào kết quả học bạ THPT của các em, hoặc dựa vào điểm dự thi Kỳ thi đánh giá năng lực do hai ĐH Quốc gia tổ chức. Tuy nhiên, dù bằng cách thức nào, các trường vẫn phải đảm bảo quyền lợi cho thí sinh dự xét tuyển, không để các em có nguyện vọng học, đủ điều kiện học mà không được đi học.
NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
Không vì khó khăn dịch bệnh mà ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh