Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ phát biểu thảo luận - Ảnh: quochoi.vn |
Theo đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ, Kế hoạch tổng thể tài chính 5 năm, giai đoạn 2021-2025 đã đề ra các mục tiêu chủ yếu và định hướng các cân đối NSNN giai đoạn 2021-2025 và giải pháp thực hiện. Kế hoạch đã được dự báo, phân tích rõ bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế, đặc biệt chỉ rõ tình hình khó khăn, thách thức do dịch bệnh và điều chỉnh các mục tiêu cũng như là các chỉ tiêu cho cả giai đoạn.
Tuy nhiên đại biểu cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh diễn ra khó lường như trong thời gian qua, cần có sự tách bạch các mục tiêu trong từng giai đoạn. “Không nên xây dựng một kịch bản chung mà Chính phủ cần xây dựng các kịch bản thực hiện tài chính 5 năm cho từng giai đoạn, đảm bảo việc đề ra các nhiệm vụ có khả năng thực thi cao” - đại biểu đề xuất.
Theo đó, Kịch bản thứ nhất là thực hiện Kế hoạch tài chính trong bối cảnh đại dịch có thể kết thúc vào năm 2022. Trong hai năm đầu 2021, 2022 các chỉ số tài chính cần có sự điều chỉnh thấp hơn và có khả năng thực hiện. Giai đoạn 2023-2025 là giai đoạn phục hồi bứt phá, tăng tốc, cần tính toán lại các chỉ số ở mức cao, phù hợp với khát vọng tăng trưởng của Chính phủ cũng như nguồn lực được tích lũy của cả nền kinh tế và của người dân.
Kịch bản thứ hai là thực hiện Kế hoạch tài chính trong bối cảnh đại dịch khó kết thúc.
“Chúng ta kỳ vọng đại dịch sẽ sớm kết thúc. Tuy nhiên, trên thực tế, diễn biến đại dịch như vừa qua, vi rút chuyển thể từ biến thể này sang biến thể khác, mức độ nguy hiểm và lây lan ngày càng gia tăng, cần mất rất nhiều thời gian, công sức mới có thể kiểm soát. Vắc xin dường như không còn là liều thuốc đặc dụng khi ở một số quốc gia có những người tiêm hai mũi vẫn bị lây nhiễm. Vì vậy, tôi cho rằng Chính phủ cần thiết phải xây dựng một kịch bản dự phòng phù hợp với bối cảnh đại dịch khó kiểm soát trong cả giai đoạn” - đại biểu Thơ nêu quan điểm.
Cơ chế tự chủ tài chính trong đơn vị sự nghiệp công sắp được thực hiện theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP năm 2021 thay cho Nghị định 16/NĐ-CP năm 2015 dường như đã đi trước một bước so với các quy định pháp luật về quản lý và sử dụng tài sản công, kế toán công. |
Đại biểu cho rằng, chi cho giáo dục, đào tạo suy cho cùng là chi đầu tư, vì vậy các chính sách cho lĩnh vực này nên được mở rộng, như: chính sách nuôi dưỡng, đào tạo nhân tài, chế tạo sản phẩm theo đơn đặt hàng của Nhà nước, chính sách đổi mới sáng tạo... Theo đó, các khoản chi NSNN cũng cần tập trung vào chất lượng và sản phẩm đầu ra.
“Hy vọng rằng Quốc hội trong nhiệm kỳ mới sẽ có sự giám sát chặt chẽ hơn vấn đề phân bổ ngân sách cho các lĩnh vực quan trọng này để hằng năm không còn tình trạng báo cáo lại thống kê rằng các chỉ tiêu về lĩnh vực giáo dục, đào tạo và khoa học, công nghệ không đạt” - đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ kiến nghị.
Đề cập đến cơ chế quản lý tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công, đại biểu nhận xét, cơ chế tự chủ tài chính trong đơn vị sự nghiệp công sắp được thực hiện theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP năm 2021 thay cho Nghị định 16/NĐ-CP năm 2015 dường như đã đi trước một bước so với các quy định pháp luật về quản lý và sử dụng tài sản công, kế toán công.
Theo đó, đối với chế độ kế toán công hiện tại quy định theo Thông tư số 107/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính không còn đủ để hạch toán tất cả các nghiệp vụ liên quan được đề cập trong Nghị định 60/2021/NĐ-CP năm 2021. Bên cạnh đó, chế độ kế toán công, tức là chế độ kế toán hành chính sự nghiệp hiện đang điều chỉnh chung cho các đơn vị sự nghiệp công lập, gồm các cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị sự nghiệp thụ hưởng ngân sách. Trong khi đó, về bản chất công việc của hai loại hình đơn vị này tương đối độc lập.
Từ thực tế này, để đảm bảo cho quá trình thực hiện mang tính khả thi cao, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ đề nghị Quốc hội đề xuất sửa đổi chế độ kế toán hành chính sự nghiệp theo hướng tách 2 hệ thống kế toán, kế toán các cơ quan hành chính và kế toán các đơn vị sự nghiệp công lập. Trong đó, chế độ kế toán các đơn vị sự nghiệp được xây dựng theo hướng hạch toán tài chính DN, đồng thời bổ sung thêm các nghiệp vụ, như về tự chủ tài chính và đơn đặt hàng của Nhà nước./.
N. HỒNG