Kiểm toán viên KTNN khu vực II thực hiện phỏng vấn về Chương trình 167 tại huyện Tân Kỳ, Nghệ An - Ảnh: Lê Hòa
Khái niệm kiểm toán chuyên đề được sử dụng phổ biến tại KTNN từ năm 2012, khi KTNN triển khai kiểm toán Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ và kiểm toán về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Chương trình 30a và 167) trên toàn quốc. Các cuộc kiểm toán này được KTNN nhận định là kiểm toán chuyên đề với quy mô lớn, chuyên sâu và phức tạp về nội dung chính sách an sinh xã hội của Nhà nước đối với các huyện nghèo.
Mục tiêu của cuộc kiểm toán là đánh giá tính kinh tế, tính hiệu lực và tính hiệu quả của các chương trình. Về bản chất, đây là các cuộc kiểm toán hoạt động và “kiểm toán Chương trình 30a và 167” chính là chủ đề của cuộc kiểm toán. Tuy nhiên, tại thời điểm năm 2012, Việt Nam chưa phát triển loại hình kiểm toán hoạt động trong lĩnh vực kiểm toán công, đồng thời, KTNN cũng chưa ban hành hệ thống cơ sở lý luận, hướng dẫn, định hướng cho loại hình kiểm toán hoạt động. Vì vậy, để tìm kiếm tên gọi phù hợp cho những cuộc kiểm toán tập trung vào một chương trình, một chuyên đề, chủ đề riêng, khái niệm kiểm toán chuyên đề đã được sử dụng. Từ đó đến nay, các cuộc kiểm toán tập trung vào một chủ đề kiểm toán riêng nhưng không áp dụng theo quy trình kiểm toán mà KTNN quy định cho loại hình kiểm toán hoạt động thì gọi là kiểm toán chuyên đề.
Việc thực hiện các cuộc kiểm toán chuyên đề không dựa trên các cơ sở lý luận khoa học mang tính hệ thống có thể sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của cuộc kiểm toán. Điều này không chỉ gây khó khăn trong việc định hướng phát triển các cuộc kiểm toán chuyên đề mà còn kìm hãm sự phát triển loại hình kiểm toán hoạt động đã được công nhận tại Chuẩn mực KTNN. Bởi, nhiều cuộc kiểm toán chuyên đề thực chất là kiểm toán hoạt động nhưng lại không được thừa nhận và thực hiện như một cuộc kiểm toán hoạt động.
Căn cứ vào sự phân tích trên, tôi cho rằng: KTNN cần thừa nhận kiểm toán chuyên đề chính là loại hình kiểm toán hoạt động, để từ đó ban hành những quy định, hướng dẫn, định hướng phù hợp với loại hình kiểm toán này. Trong trường hợp xét thấy kiểm toán chuyên đề là một loại hình kiểm toán riêng biệt và không thể đồng nhất với loại hình kiểm toán hoạt động, KTNN cần nghiên cứu xây dựng hệ thống cơ sở lý luận cho loại hình kiểm toán chuyên đề; bổ sung các chuẩn mực khung và chuẩn mực kiểm toán chi tiết đối với loại hình kiểm toán này vào hệ thống các Chuẩn mực KTNN; ban hành các quy định về hồ sơ mẫu biểu kiểm toán, các hướng dẫn căn cứ trên hệ thống cơ sở lý luận và các chuẩn mực kiểm toán đã xây dựng… nhằm đảm bảo cho các căn cứ, phương pháp kiểm toán được khoa học, độc lập và khách quan cũng như đảm bảo tuân thủ các chuẩn mực kiểm toán đã ban hành, không có trường hợp nào nằm ngoài khung hoặc ngoại lệ.
NGUYỄN MAI HƯƠNG - KTNN khu vực III
Theo Báo Kiểm toán số 44 ra ngày 01-11-2018