Kiểm toán giám sát ISO: Đảm bảo tuân thủ và cải tiến liên tục

(BKTO) - Chứng nhận của Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) không phải là sự kiện một lần mà là cam kết cải tiến liên tục. Kiểm toán đóng vai trò quan trọng trong quy trình này thông qua các đợt đánh giá định kỳ nhằm xác minh việc tuân thủ các tiêu chuẩn ISO, đồng thời giúp tổ chức nâng cao chất lượng, hiệu quả và sự hài lòng của khách hàng.

8.-anh-minh-hoa.-nguon-issq.jpg
Kiểm toán giám sát ISO thường xuyên mang lại nhiều lợi ích hơn cho tổ chức. Ảnh minh họa

Quy trình từng bước của kiểm toán giám sát ISO

Kiểm toán ISO là một quy trình có hệ thống, độc lập và được ghi chép nhằm mục đích đánh giá sự tuân thủ của một tổ chức đối với các tiêu chuẩn quốc tế do ISO đặt ra. Thông thường, kiểm toán ISO bao gồm kiểm toán nội bộ (KTNB) và kiểm toán bên ngoài nhằm giúp tổ chức duy trì sự tuân thủ các tiêu chuẩn quản lý có liên quan. Quy trình kiểm toán ISO bao gồm kiểm toán chứng nhận ban đầu, kiểm toán giám sát và kiểm toán chứng nhận lại. Trong đó, kiểm toán chứng nhận và tái chứng nhận ISO là cuộc kiểm toán toàn diện, còn kiểm toán giám sát ISO là các đợt đánh giá định kỳ được tiến hành trong chu kỳ chứng nhận của tổ chức để xác minh việc tuân thủ liên tục các tiêu chuẩn ISO.

Kiểm toán giám sát ISO là các đợt đánh giá định kỳ được tiến hành để xác minh việc tuân thủ liên tục các tiêu chuẩn ISO của một tổ chức, chẳng hạn như ISO 9001 về quản lý chất lượng hoặc ISO 27001 về quản lý bảo mật thông tin.

Các cuộc kiểm toán giám sát nhằm vào lĩnh vực cụ thể của hệ thống quản lý, quy trình chính và các hành động khắc phục được xác định từ các cuộc kiểm toán trước đó. Mục tiêu của kiểm toán giám sát là ngăn ngừa sai sót trong quản lý chất lượng và xác minh việc tuân thủ liên tục. Phạm vi thường bao gồm việc xem xét các lĩnh vực quan trọng ảnh hưởng đến sự hài lòng của khách hàng và hoạt động kinh doanh, chẳng hạn như các quy trình kinh doanh chính, quản lý rủi ro và phân bổ nguồn lực.

Khi triển khai kiểm toán, kiểm toán viên (KTV) kiểm tra tài liệu liên quan đến hệ thống quản lý, bao gồm các chính sách, quy trình và hồ sơ kiểm toán trước đó. Từ đó, xác định các lĩnh vực cần cải thiện và đánh giá hiệu quả của các hành động khắc phục được thực hiện kể từ lần kiểm toán trước. Sự tham gia của các nhân sự chủ chốt (người quản lý và chủ sở hữu) vào quá trình kiểm toán là rất quan trọng, cung cấp bằng chứng về sự tuân thủ và hỗ trợ các mục tiêu kiểm toán. Các bên liên quan đóng vai trò thiết yếu trong việc chứng minh cam kết của tổ chức trong việc duy trì các tiêu chuẩn và thực hiện các cải tiến.

Trong khi kiểm toán chứng nhận xem xét toàn diện hệ thống quản lý thì kiểm toán giám sát ISO tập trung vào các lĩnh vực chính để đảm bảo tuân thủ và cải tiến liên tục giữa các chu kỳ.

Theo Auditboad, quy trình kiểm toán giám sát ISO bao gồm: Chuẩn bị (xem xét phạm vi, thu thập các tài liệu cần thiết, thành lập nhóm và lên lịch kiểm toán); họp mở đầu với các nhân sự chủ chốt để thảo luận về mục tiêu, phạm vi và lịch trình kiểm toán; thực hiện kiểm toán (kiểm tra quy trình, xem xét tài liệu, phỏng vấn các nhân sự chủ chốt, đánh giá các cơ sở và hoạt động của tổ chức, xem xét các hệ thống quản lý và quy trình, kiểm tra tài liệu để xác nhận việc tuân thủ các yêu cầu của ISO, chọn mẫu sản phẩm, dịch vụ hoặc quy trình để kiểm tra tính tuân thủ); họp thảo luận về những phát hiện kiểm toán và lập báo cáo nêu chi tiết về những phát hiện này; xây dựng kế hoạch hành động để giải quyết những vấn đề được kiểm toán nêu; cơ quan chứng nhận xem xét kế hoạch hành động khắc phục và có thể tiến hành kiểm toán tiếp theo để đảm bảo các điểm không phù hợp đã được giải quyết; thúc đẩy cải tiến liên tục, cập nhật quy trình thường xuyên, đào tạo nhân viên và giám sát quy trình để duy trì sự tuân thủ và nâng cao hiệu quả.

KTV có thể tiến hành kiểm toán tại tổ chức hoặc kiểm toán từ xa thông qua các nền tảng ảo, nhưng mục đích chung vẫn là thu thập đủ bằng chứng để xác minh sự tuân thủ. Việc thu thập bằng chứng kiểm toán thông qua việc xem xét tài liệu, phỏng vấn và quan sát. Trong đó, xem xét tài liệu bao gồm việc thu thập các tài liệu có liên quan như sổ tay chính sách, mô tả quy trình, hồ sơ và báo cáo và kiểm tra tính nhất quán với các tiêu chuẩn ISO. Trong quá trình phỏng vấn, KTV tiến hành thảo luận với các nhân sự chủ chốt để hiểu về các hoạt động và quy trình. Đối với quan sát, KTV đánh giá các hoạt động thực tế có phù hợp với quy trình đã được ghi chép. Việc lập kế hoạch phù hợp và đánh giá kỹ lưỡng sẽ đảm bảo quá trình kiểm toán giám sát diễn ra thành công.

Cải tiến liên tục và bảo trì hệ thống quản lý

Sự không phù hợp/sai lệch của quy trình so với yêu cầu của các tiêu chuẩn ISO là nội dung quan trọng nhất trong báo cáo kiểm toán và có thể ảnh hưởng đến trạng thái chứng nhận của tổ chức. Vì vậy, các tổ chức được yêu cầu thực hiện các hành động khắc phục để giải quyết các vấn đề KTNB đã nêu, bao gồm: Xác định nguyên nhân gốc rễ, lập kế hoạch hành động khắc phục và theo dõi để xác minh việc thực hiện thành công. Quy trình này đảm bảo cải tiến liên tục và tuân thủ các tiêu chuẩn ISO.

KTNB tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn này nhằm cung cấp các đánh giá liên tục về hiệu quả của hệ thống và xác định các lĩnh vực cần cải thiện. Việc đánh giá quản lý thường xuyên đảm bảo rằng hệ thống luôn phù hợp với các mục tiêu của tổ chức và tiêu chuẩn ISO. Bên cạnh đó, việc tích hợp quản lý rủi ro vào hệ thống quản lý chất lượng (QMS) giúp tăng cường khả năng dự đoán và giải quyết các thách thức tiềm ẩn của tổ chức. Bằng cách chủ động quản lý rủi ro, các tổ chức có thể cải thiện kết quả và duy trì trạng thái sẵn sàng cho bất kỳ cuộc kiểm toán ISO nào.

Thực tế cho thấy, kiểm toán giám sát ISO thường xuyên không chỉ đảm bảo tính tuân thủ mà còn mang lại nhiều lợi ích hơn cho tổ chức, bao gồm: Thúc đẩy quá trình cải tiến liên tục; thể hiện cam kết của tổ chức đối với chất lượng và bảo mật, xây dựng lòng tin với các bên liên quan; nâng cao mức độ sẵn sàng kiểm toán ISO của tổ chức. Kiểm toán giám sát không chỉ là một cuộc đánh giá mà còn là cơ hội để nâng cao hiệu suất và đạt được thành công lâu dài./.

Cùng chuyên mục
  • Học hỏi kinh nghiệm quốc tế để hội nhập và phát triển
    2 ngày trước Kiểm toán
    (BKTO) - Phổ biến kiến thức và kinh nghiệm quốc tế có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của Kiểm toán nhà nước (KTNN), đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Việc nâng cao hiệu quả công tác này không chỉ là nhiệm vụ cấp thiết mà còn là một chiến lược dài hạn để KTNN phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu của thời đại số hóa và hội nhập toàn cầu.
  • Kiểm toán từ xa - Giải bài toán thu thập và xử lý dữ liệu
    2 ngày trước Kiểm toán
    (BKTO) - Kiểm toán nhà nước (KTNN) Việt Nam có thể lựa chọn một số đơn vị triển khai thực hiện kiểm toán từ xa (KTTX) dựa trên dữ liệu lớn và đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin tương ứng. Trong đó, ưu tiên việc phân tích đối chiếu các dữ liệu quốc gia đã sẵn sàng kết nối như thuế, đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm, tín dụng…
  • Đảng bộ Kiểm toán nhà nước khu vực XIII: Dấu ấn nhiệm kỳ
    2 ngày trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng ủy Kiểm toán nhà nước (KTNN) khu vực XIII luôn đoàn kết, thống nhất, khắc phục mọi khó khăn, lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị, các tổ chức đoàn thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng. Đặc biệt, việc thực hiện nhiệm vụ kiểm toán đạt được nhiều kết quả nổi bật, tạo dấu ấn trong cả nhiệm kỳ.
  • Gỡ nút thắt, ngăn trục lợi chính sách nhà ở xã hội
    2 ngày trước Kiểm toán
    (BKTO) - Phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) không chỉ là chính sách an sinh xã hội mà còn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Với định hướng đó, thời gian qua, nhiều cơ chế, chính sách về phát triển NƠXH đã được ban hành và từng bước được triển khai có hiệu quả trong cuộc sống. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện chính sách NƠXH còn không ít bất cập, thậm chí còn dẫn đến tình trạng lãng phí, tiêu cực.
  • Kiểm toán nhà nước tham gia hành trình về nguồn và đền ơn, đáp nghĩa
    4 ngày trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Ngày 14/4, Đoàn cán bộ của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã tổ chức hành trình Về nguồn, viếng Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn và nhiều hoạt động đền ơn, đáp nghĩa nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).
Kiểm toán giám sát ISO: Đảm bảo tuân thủ và cải tiến liên tục