Kiểm toán hoạt động nhằm đánh giá và đưa ra kiến nghị để cải thiện tình hình

(BKTO) - Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đã ký Quyết định số 25/QĐ-KTNN Ban hành kèm theo Hướng dẫn kiểm toán hoạt động. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 09/01/2025, thay thế Quyết định số 1925/QĐ-KTNN ngày 16/11/2021 của Tổng Kiểm toán nhà nước về việc ban hành Hướng dẫn kiểm toán hoạt động (KTHĐ).

ktv.jpg
KTNN hướng dẫn kiểm toán hoạt động nhằm mục đích bảo đảm tính thống nhất trong việc tổ chức, thực hiện và quản lý KTHĐ. Ảnh tư liệu

Việc ban hành Hướng dẫn này nhằm mục đích bảo đảm tính thống nhất trong việc tổ chức, thực hiện và quản lý KTHĐ của Kiểm toán nhà nước (KTNN).

Hướng dẫn này quy định một số nội dung chi tiết tại các bước của quy trình kiểm toán của KTNN đối với KTHĐ; trong đó, tập trung vào chủ đề kiểm toán, phương pháp tiếp cận kiểm toán và một số nội dung đặc thù của KTHĐ. Cuộc kiểm toán lồng ghép nhiều loại hình kiểm toán, việc thực hiện nội dung KTHĐ có thể áp dụng Hướng dẫn này nếu phù hợp.

Trường hợp phát sinh ngoài quy định của Hướng dẫn này, Trưởng đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán phải báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định của KTNN.

Hướng dẫn này áp dụng đối với các đơn vị trực thuộc KTNN được giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện các cuộc KTHĐ, kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm soát chất lượng kiểm toán; các Đoàn kiểm toán, Tổ kiểm toán, kiểm toán viên (KTV) và thành viên Đoàn kiểm toán không phải là KTV; các tổ chức, cá nhân được ủy thác hoặc thuê thực hiện KTHĐ, cộng tác viên KTNN và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động KTHĐ.

Hướng dẫn gồm 3 chương, 12 điều và phụ lục.

Tại Chương 1 quy định: KTHĐ là loại hình kiểm toán để kiểm tra, đánh giá tính kinh tế, tính hiệu quả và tính hiệu lực trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. KTHĐ tập trung vào việc xem xét các chương trình, dự án, hoạt động hoặc công quỹ có được vận hành theo các nguyên tắc về tính kinh tế, tính hiệu quả, tính hiệu lực và có cần cải tiến không. Theo đó, KTV đối chiếu kết quả thực hiện với các tiêu chí phù hợp; phân tích các nguyên nhân dẫn đến sự sai lệch so với các tiêu chí đó cũng như các vấn đề khác để đánh giá tính kinh tế, tính hiệu quả, tính hiệu lực và đưa ra kiến nghị để cải thiện tình hình.

Tính kinh tế: Được hiểu là tối thiểu hóa chi phí của nguồn lực trong khi vẫn bảo đảm được chất lượng của nguồn lực. Khi kiểm toán sẽ tập trung vào việc kiểm tra, đánh giá các chương trình, dự án, hoạt động hoặc công quỹ đã tối thiểu hóa chi phí của nguồn lực đầu vào (nguyên tắc tối thiểu) trong khi vẫn bảo đảm được chất lượng với kết quả (đầu ra) mong muốn.

Tính hiệu quả: Được hiểu là tối đa hóa đầu ra trên cơ sở các nguồn lực được sử dụng hoặc tối thiểu hóa nguồn lực sử dụng để tạo ra cùng sản phẩm đầu ra. Khi kiểm toán sẽ tập trung vào việc kiểm tra, đánh giá các chương trình, dự án, hoạt động hoặc công quỹ đã tối đa hóa đầu ra (nguyên tắc tối đa) trên cơ sở các nguồn lực được sử dụng hoặc tăng nguồn lực sử dụng để tăng sản phẩm đầu ra với tỷ lệ cao hơn.

Tính hiệu lực: Được hiểu là việc đạt được các mục tiêu đã xác định và kết quả dự kiến. Khi kiểm toán sẽ tập trung vào việc kiểm tra, đánh giá các chương trình, dự án, hoạt động hoặc công quỹ có tuân thủ quy định và đã đạt được các mục tiêu đã xác định và kết quả dự kiến.

Chủ đề kiểm toán: Được hiểu là đối tượng kiểm toán, có thể là các chương trình, dự án, hoạt động hoặc công quỹ (Ví dụ: Chương trình giáo dục phổ thông; dự án đầu tư; hoạt động cấp phép khai thác khoáng sản; quỹ tài chính nhà nước…).

Hướng dẫn cũng quy định các phương pháp tiếp cận chủ yếu trong KTHĐ bao gồm: Phương pháp tiếp cận theo kết quả; phương pháp tiếp cận theo vấn đề; phương pháp tiếp cận theo hệ thống. Một cuộc KTHĐ không nhất thiết chỉ áp dụng một phương pháp tiếp cận, tùy tình hình cụ thể cần thiết phải kết hợp linh hoạt giữa các phương pháp để đạt được mục tiêu của cuộc kiểm toán.

Hướng dẫn KTHĐ cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc và các Đoàn kiểm toán phải tuân thủ pháp luật; quy định của cấp có thẩm quyền về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Luật KTNN; Hệ thống chuẩn mực KTNN; Quy trình kiểm toán của KTNN; Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn KTNN; Quy chế kiểm soát chất lượng kiểm toán, các quy định khác của KTNN có liên quan và các quy định tại Hướng dẫn này.

Chương 2 gồm 5 điều quy định cụ thể từ việc lựa chọn chủ đề kiểm toán hoạt động; chuẩn bị KTHĐ; thực hiện kiểm toán; lập và gửi báo cáo kiểm toán; theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Chương 3 quy định việc tổ chức thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vấn đề mới hoặc khó khăn, vướng mắc cần phản ánh kịp thời về Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán để tham mưu Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét, chỉ đạo. Đồng thời, Hướng dẫn cũng quy định các Phụ lục đối với cuộc KTHĐ./.

Cùng chuyên mục
Kiểm toán hoạt động nhằm đánh giá và đưa ra kiến nghị để cải thiện tình hình