Kiểm toán nhà nước chỉ rõ nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư phát triển vốn ngoài nước

(BKTO) - Tình hình thực hiện chi đầu tư phát triển vốn ngoài nước nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020 gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã chỉ ra 06 nguyên nhân chủ quan khiến số vốn ngoài nước nguồn NSNN chi cho đầu tư phát triển phải hủy dự toán gần 14,6 nghìn tỷ đồng…



                
   

Chi đầu tư phát triển là một nội dung chi quan trọng của NSNN. Ảnh minh họa: Báo Nhân dân

   

Các Bộ, ngành, địa phương đã phân bổ hơn 45,4 nghìn tỷ đồng

Như Báo điện tử Kiểm toán đã đề cập, quyết toán chi đầu tư phát triển năm 2020 được KTNN xác nhận là 576.432,075 tỷ đồng, bằng 115,5% dự toán và 33,7% tổng chi ngân sách nhà nước (NSNN). Cụ thể, quyết toán chi đầu tư phát triển ngân sách Trung ương (NSTW) là 128.416,819 tỷ đồng và quyết toán chi đầu tư phát triển ngân sách địa phương là 448.015,256 tỷ đồng.

Trong số đó, theo Nghị quyết số 86/2019/QH14 ngày 12/11/2019 về dự toán NSNN năm 2020 và Nghị quyết số 87/2019/QH14 ngày 14/11/2019 về phân bổ NSTW năm 2020, Quốc hội đã thông qua tổng số chi đầu tư phát triển vốn ngoài nước nguồn NSNN phân bổ cho các Bộ, ngành, địa phương năm 2020 là 60.000 tỷ đồng.

Sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao, tổng số kế hoạch vốn ngoài nước mà các Bộ, ngành, địa phương đã phân bổ chi tiết là 45.401,109 tỷ đồng, số vốn còn lại gần 14.598,891 tỷ đồng hủy dự toán.

Nguyên nhân khách quan là do các dự án sử dụng vốn ngoài nước (vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài) chịu tác động của đại dịch Covid-19 nặng nề hơn so với các dự án trong nước.Bởi hầu hết các hoạt động của dự án đều gắn với yếu tố nước ngoài, từ khâu nhập máy móc, thiết bị, cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát, thống nhất với Nhà tài trợ đối với từng hoạt động và kế hoạch của dự án…

Tuy nhiên, KTNN cũng chỉ ra 06 nguyên nhân chủ quan dẫn đến một số Bộ, ngành, địa phương không phân bổ được hết kế hoạch vốn năm 2020 và phải hủy dự toán.

Thứ nhất là do công tác lập kế hoạch vốn ODA chưa sát với nhu cầu thực tế, dự án có nhu cầu bổ sung vốn giải ngân chưa được bố trí vốn kịp thời hoặc bố trí thiếu, vốn đối ứng không được bố trí đủ.

Thứ hai là do tính sẵn sàng trong chuẩn bị dự án chưa tốt.

Thứ ba, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng dự án ODA còn gặp khó khăn, vướng mắc do phải thực hiện hài hòa giữa thủ tục trong nước và chính sách của Nhà tài trợ.

Thứ tư, công tác giải ngân, rút vốn còn chưa linh hoạt, một số chủ dự án, Ban Quản lý dự án còn tâm lý ngại làm thủ tục rút vốn giải ngân nhiều lần mặc dù đã có khối lượng nghiệm thu hoàn thành.

Thứ năm, thủ tục thẩm định, phê duyệt, đàm phán ký kết Hiệp định và điều chỉnh các dự án ODA còn phức tạp, kéo dài dẫn đến nhiều dự án khi được triển khai không còn phù hợp, phải điều chỉnh, gia hạn.

Thứ sáu, các quy định pháp luật về vốn ODA chưa đồng bộ, một số thủ tục còn phức tạp.

Bất cập trong giải ngân vốn đầu tư

Theo KTNN, đa số các Bộ, ngành, địa phương đạt tỷ lệ giải ngân vốn ngoài nước chi cho đầu tư phát triển cao, tuy nhiên, vẫn còn một số Bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp, thậm chí có Bộ chỉ đạt tỷ lệ giải ngân 3,6% và có địa phương tỷ lệ giải ngân là 0%... Kết quả này đã phần nào làm giảm hiệu quả đầu tư của nguồn vốn vay nước ngoài - KTNN đánh giá.

Song song với việc xác nhận số vốn ngoài nước phải hủy dự toán, KTNN cũng chỉ rõ số vốn ngoài nước đã giải ngân cho đầu tư xây dựng cơ bản từ năm 2019 trở về trước chưa hạch toán vào NSNN của 05 Bộ, cơ quan TW và 36 địa phương là 4.486 tỷ đồng.

Trong đó, số giải ngân từ năm 2016 trở về trước chưa hạch toán vào NSNN là 3.584,4 tỷ đồng và số giải ngân giai đoạn 2017-2019 chưa hạch toán vào NSNN là 901,6 tỷ đồng.

Tìm nguyên nhân số vốn ngoài nước đã giải ngân nhưng chưa hạch toán vào NSNN, KTNN nhận thấy, từ năm 2016 trở về trước, vốn ngoài nước được giải ngân theo tiến độ thực hiện của dự án và tiến độ cấp vốn của Nhà tài trợ, được tổng hợp trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN hàng năm khi đủ điều kiện, không phụ thuộc dự toán được giao.Nhưng đến năm 2017, khi Luật NSNN năm 2015 có hiệu lực, Chính phủ đã báo cáo và được Quốc hội quyết nghị tại Nghị quyết số 49/2017/QH14 ngày 13/11/2017 bố trí dự toán gần 14.033,8 tỷ đồng cho các dự án đã giải ngân nhưng chưa được bố trí dự toán theo quy định từ năm 2016 trở về trước.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Tài chính, tại thời điểm năm 2017, các Bộ, ngành, địa phương chưa báo cáo đầy đủ số liệu. Do đó, Chính phủ chưa kịp thời báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét phương án bổ sung kế hoạch vốn làm cơ sở hạch toán, quyết toán theo quy định.Đến ngày 23/02/2022, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 50/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp về phương án xử lý số vốn nước ngoài đã giải ngân cho đầu tư xây dựng cơ bản từ năm 2019 trở về trước chưa được hạch toán vào NSNN./.
QUỲNH ANH

Cùng chuyên mục
Kiểm toán nhà nước chỉ rõ nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư phát triển vốn ngoài nước