Kiểm toán nhà nước khu vực VI: Tạo dựng uy tín với các địa phương bằng chất lượng kiểm toán

(BKTO) - Những năm qua, Kiểm toán nhà nước (KTNN) khu vực VI đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, thực hiện đầy đủ các hoạt động theo đúng kế hoạch của KTNN và của đơn vị; chất lượng kiểm toán ngày càng được nâng lên, tạo thêm uy tín với các địa phương và đơn vị được kiểm toán, góp phần vào thành tích chung của toàn Ngành.



                
   

Lãnh đạo, công chức, kiểm toán viên và người lao động KTNN khu vực VI chụp ảnh lưu niệm cùng Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ (hàng đầu, thứ tư từ trái qua). Ảnh: LÊ HÒA

   

Kiến nghị xử lý tài chính hơn 18.900 tỷ đồng

Giai đoạn 2007-2022, KTNN khu vực VI đã hoàn thành 98 cuộc kiểm toán với quy mô và số cuộc kiểm toán bình quân trong từng giai đoạn ngày càng tăng lên nhằm đáp ứng yêu cầu của Luật KTNN. “Trong 5 năm đầu mới thành lập (giai đoạn 2008-2012), đơn vị thực hiện 23 cuộc kiểm toán, bình quân 4-5 cuộc/năm; giai đoạn 2013-2017, thực hiện 39 cuộc, bình quân 7-8 cuộc/năm; giai đoạn 2018 đến nay, thực hiện 36 cuộc kiểm toán” - Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VI Nguyễn Thị Thắng thông tin.

Ngoài các cuộc kiểm toán theo nhiệm vụ của đơn vị, được sự tin tưởng, đề xuất của các địa phương, KTNN khu vực VI đã kiểm toán các công trình trọng điểm, trong đó có các dự án BOT, như: Cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến; cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn Hạ Long - Mông Dương; Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn; cao tốc Vân Đồn - Tiên Yên và cao tốc Tiên Yên - Móng Cái. Bên cạnh việc thực hiện kiểm toán ngân sách địa phương, đơn vị còn thực hiện các cuộc kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động.

Kết quả kiểm toán giai đoạn 2007-2022, KTNN khu vực VI đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính 18.930 tỷ đồng, trong đó: Tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước 5.803 tỷ đồng và các kiến nghị xử lý khác 13.127 tỷ đồng.

Đặc biệt, khi kiểm toán về lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, KTNN khu vực VI đã có những bước tiến quan trọng và đạt kết quả ấn tượng như năm 2017, đơn vị đã thí điểm sử dụng phương pháp thuê chuyên gia, công nghệ viễn thám.

“Đây là phương pháp đặc thù giúp xác định chính xác thể tích tài nguyên khoáng sản đã khai thác, nhờ đó, các phát hiện cũng như kiến nghị kiểm toán có tầm ảnh hưởng lớn và thuyết phục”- lãnh đạo KTNN khu vực VI chia sẻ.

Kết quả kiểm toán không chỉ dừng lại ở con số tăng thu, tiết kiệm chi cho ngân sách nhà nước mà đã giúp các đơn vị được kiểm toán hoàn thiện công tác quản lý tài chính ngân sách, đưa công tác quản lý tài chính, kế toán vào nền nếp, tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản lý tài chính ngân sách; giúp Hội đồng nhân dân các cấp có thông tin tin cậy để giám sát công tác quản lý tài chính ngân sách ở địa phương, giúp các cơ quan quản lý, các đơn vị chấn chỉnh kịp thời những sai sót trong quản lý.

Đồng thời, qua kiểm toán, KTNN khu vực VI đã kiến nghị xem xét sửa đổi, hủy bỏ 22 văn bản, chuyển 10 vụ việc có dấu hiệu vi phạm sang cơ quan cảnh sát điều tra, làm rõ xử lý theo đúng quy định của pháp luật (năm 2017 chuyển 3 vụ việc, năm 2022 chuyển 7 vụ việc).
         
Giai đoạn 2007-2011, khi mới thành lập, địa bàn kiểm toán của đơn vị tương đối rộng, bao gồm 7 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng Đồng bằng Duyên hải và một số tỉnh Tây Bắc: Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn và TP. Hải Phòng. Đến năm 2011, sau khi 3 KTNN khu vực mới được thành lập, KTNN khu vực VI được Tổng Kiểm toán nhà nước phân công kiểm toán 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên và TP. Hải Phòng, trong đó, tỉnh Quảng Ninh và TP. Hải Phòng là 2 địa phương luôn có quy mô ngân sách và tốc độ phát triển tương đối lớn so với các tỉnh, thành trong cả nước.


Tập trung hoàn thành nhiệm vụ chính trị hằng năm

Liên quan đến việc nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả các kết luận, kiến nghị kiểm toán, lãnh đạo KTNN khu vực VI cho biết, trong các năm qua, đơn vị đã thường xuyên đôn đốc các địa phương, các đơn vị được kiểm toán thực hiện và báo cáo tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán về KTNN khu vực VI.
                
   

KTNN khu vực VI đã tkiểm toán nhiều công trình trọng điểm, trong đó có Dự án Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn. Ảnh sưu tầm

   

Trước việc các đơn vị thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán chưa cao, năm 2019, Đảng ủy KTNN khu vực VI đã ban hành Nghị quyết về việc đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán; trong đó, giải quyết dứt điểm các kiến nghị kiểm toán từ các năm trước là một nhiệm vụ trọng tâm theo đúng tinh thần Chỉ thị số 151/CT-KTNN ngày 31/01/2019 của Tổng Kiểm toán nhà nước.

Đồng thời, đơn vị đã thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc cũng như trả lời ý kiến của các đơn vị được kiểm toán qua việc thành lập các tổ rà soát kiến nghị kiểm toán. Ban hành các văn bản đôn đốc thực hiện kiến nghị, rà soát và làm rõ nguyên nhân chưa thực hiện các kiến nghị kiểm toán của KTNN.

Qua thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, tỷ lệ thực hiện kiến nghị kiểm toán trong vài năm gần đây ngày càng cao, thể hiện vai trò, vị thế của KTNN và ý thức nghiêm túc chấp hành của các đơn vị được kiểm toán, trong đó, năm 2021, tỷ lệ thực hiện kiến nghị kiểm toán đạt 84%.

Lãnh đạo KTNN khu vực VI cho biết, phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, Ban lãnh đạo sẽ tập trung lãnh đạo hoàn thành nhiệm vụ chính trị hằng năm của đơn vị. Trong đó, chú trọng khâu khảo sát thu thập thông tin để nắm rõ tình hình kinh tế - chính trị - xã hội tại mỗi địa phương được kiểm toán; tăng cường kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương hằng năm và kiểm toán chuyên đề.

Tăng cường kiểm toán tổng hợp, tập trung kiểm toán đánh giá công tác quản lý điều hành, kiểm toán đánh giá chính sách kinh tế và dự báo để tư vấn xây dựng chính sách; kiểm toán đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; nâng cao chất lượng công tác thẩm định kế hoạch kiểm toán, báo cáo kiểm toán và kiểm soát chất lượng kiểm toán.

Đồng thời, tiếp tục chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức và tập huấn kỹ năng kiểm toán; nâng cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp, kiến thức tư pháp cho đội ngũ kiểm toán viên. Thường xuyên tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm trong các tổ kiểm toán, đoàn kiểm toán và toàn thể cơ quan để phổ biến, lan tỏa phương pháp, cách thức kiểm toán hiệu quả và rút ra bài học về những hạn chế của các tổ kiểm toán, đoàn kiểm toán.

Đặc biệt, đơn vị sẽ tiếp tục xây dựng, củng cố mối quan hệ phối hợp trong công tác với các đơn vị trong Ngành, các địa phương, đơn vị trên địa bàn được phân công kiểm toán; thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động kiểm toán nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát, điều hành tài chính công, kịp thời xử lý những vướng mắc xảy ra trong hoạt động kiểm toán…/.
LÊ HÒA
Cùng chuyên mục
Kiểm toán nhà nước khu vực VI: Tạo dựng uy tín với các địa phương bằng chất lượng kiểm toán