Kiểm toán nợ công để nâng cao năng lực quản trị quốc gia

(BKTO) – Đây là nội dung Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Vai trò của KTNN trong kiểm toán tài chính công gắn với việc nâng cao năng lực quản trị quốc gia” do PGS,TS. Nguyễn Đình Hòa - nguyên Quyền Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán và ThS. Võ Tiến Thịnh - Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực II đồng chủ nhiệm.



Nhóm tác giả đã đánh giá thực trạng kiểm toán việc quản lý nợ công giai đoạn 2014- 2018 và kiến nghị nội dung, phương thức kiểm toán quản lý nợ công để nâng cao năng lực quản trị quốc gia.
                
   

Quang cảnh buổi nghiệm thu Đề tài Vai trò của KTNN trong kiểm toán tài chính công gắn với việc nâng cao năng lực quản trị quốc gia. Ảnh: Thu Hường

   

Nợ công vẫn trong tầm kiểm soát

Trong quá trình kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN, KTNN ngày càng chú trọng thực hiện kiểm toán các khoản nợ công, từ đó kiến nghị góp phần ngăn ngừa các rủi ro phát sinh, giúp các cơ quan có giải pháp quản lý nợ công tốt hơn.

Từ năm 2007, khi kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN, KTNN đã đề cập riêng nội dung quản lý nợ công. Mặc dù đây chưa phải là cuộc kiểm toán độc lập về quản lý nợ nhưng KTNN đã thành lập tổ kiểm toán về nợ công và nhận định, đánh giá nhất định về nợ công.

Ngoài ra, khi kiểm toán ngân sách địa phương, KTNN đã kiểm toán và kiến nghị về việc vay nợ ngân sách địa phương giúp Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng có biện pháp quản lý thích hợp nhằm hạn chế các rủi ro có thể phát sinh từ việc vay nợ của chính quyền địa phương.

Năm 2011, lần đầu tiên, KTNN đưa nội dung kiểm toán công tác tổ chức quản lý nợ công tại Bộ Tài chính như một nội dung kiểm toán chi tiết trong nội dung kiểm toán quản lý nợ công thuộc đoàn kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN hằng năm.

Qua hoạt động kiểm toán việc quản lý và sử dụng nợ công giai đoạn 2014-2018, KTNN đã khẳng định nợ công vẫn trong tầm kiểm soát và đảm bảo mức trần nợ công...

Các nội dung kiểm toán nợ công

Từ nghiên cứu thực tiễn hoạt động kiểm toán, PGS,TS. Nguyễn Đình Hòa và ThS. Võ Tiến Thịnh đã kiến nghị các nội dung kiểm toán nợ công, đó là:

Đánh giá mức độ nợ công trong mối quan hệ với mức độ an ninh tài chính quốc gia. Mục tiêu quan trọng mà kiểm toán nợ công hướng tới là hạn chế rủi ro tài chính quốc gia.

Thực hiện kiểm toán các chỉ tiêu về nợ công như tổng nợ, cơ cấu nợ, mức lãi nợ vay hay chi phí vay nợ; trong đó coi trọng việc xác định rõ các cấu phần về nợ công như nợ chính phủ, nợ do chính phủ bảo lãnh, nợ do các chính quyền địa phương vay và nhất là khoản nợ do các loại hình DNNN vay.

Đánh giá mục đích sử dụng các khoản nợ công thông qua hoạt động kiểm toán để xác nhận các khoản vay được sử dụng đúng mục đích và quy định.

Trong quản lý nợ, điều quan trọng không chỉ là kiểm soát tổng mức vay, khả năng trả nợ cũng như các rủi ro xảy ra mà còn là kiểm soát tính mục đích của việc sử dụng các khoản vay theo cam kết của hiệp định vay hay sự cho phép của Quốc hội cũng như quy định của pháp luật.

Việc vay nợ bao nhiêu không quá quan trọng bằng việc sử dụng các khoản vay như thế nào, có hiệu quả, có khả năng trả nợ cả gốc và lãi hay không.

Đánh giá khả năng trả nợ và nguồn để trả nợ; khả năng thanh toán nợ của Chính phủ, gồm nợ trực tiếp, các khoản nợ gián tiếp, nghĩa vụ nợ dự phòng... cũng như việc xác định nguồn trả nợ để hoạch định vay nợ thích hợp trong trung hạn cũng như dài hạn.

KTNN cần đánh giá cơ cấu nợ công theo hướng bền vững (tỷ lệ nợ trong nước so với nợ ngoài nước, giữa nợ ngắn hạn và dài hạn, cơ cấu nợ giữa các đồng ngoại tệ, cần đánh giá khả năng vốn tích lũy trả nợ).

Đánh giá độc lập về công tác quản lý vay nợ của Chính phủ, cảnh báo về những bất cập, hạn chế trong công tác quản lý vay nợ, khuyến nghị về cải tiến công tác quản lý vay nợ; đánh giá tinh thần trách nhiệm các cơ quan có liên quan trong kiểm tra phân bổ sử dụng vốn vay, đôn đốc thu hồi nợ hoặc tìm nguồn thu trả nợ đúng hạn, thúc đẩy giải ngân vốn vay kịp thời, hạn chế tiêu cực, tham nhũng trong quá trình xét duyệt, phân bổ vốn vay, đảm bảo chất lượng, hiệu quả các công trình đầu tư công.

Đánh giá các mục tiêu về quản lý nợ có được xác định rõ ràng và công khai hay không; việc áp dụng các biện pháp về chi phí, rủi ro cần được giải thích rõ ràng.

Công khai kịp thời, chính xác và đầy đủ thông tin không chỉ đóng vai trò quan trọng đối với việc giám sát, nghiên cứu, phân tích và đánh giá về tình hình vay và trả nợ công mà còn là nền tảng cho quá trình dự báo và xây dựng chiến lược, chính sách và kế hoạch nhằm quản lý hiệu quả nợ công.

Thành lập đoàn kiểm toán hoạt động quản lý nợ công độc lập

Theo nhóm tác giả, hằng năm, KTNN nên thành lập đoàn kiểm toán hoạt động quản lý nợ công độc lập, tránh lồng ghép trong các cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN.

Mục tiêu của cuộc kiểm toán hoạt động chủ yếu tập trung đánh giá tổ chức quản lý nợ công có thực hiện được các mục tiêu quản lý một cách hiệu lực và sử dụng các nguồn lực vay nợ một cách kinh tế và hiệu quả hay không.

Cuộc kiểm toán cần đánh giá độc lập về hoạt động quản lý nợ công và hướng tới cải tiến việc quản lý nợ công ngày càng hiệu quả, tăng thêm giá trị cho hoạt động của Chính phủ thông qua việc đưa ra các khuyến nghị về cải tiến hoạt động quản lý nợ công.

Về phạm vi kiểm toán, các cuộc kiểm toán cần đánh giá việc Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ có đang thực hiện vay, quản lý, sử dụng các khoản vay nợ một cách kinh tế và hiệu quả hay không; nguyên nhân gây nên những hoạt động thiếu hiệu quả hoặc không kinh tế trong quản lý vay nợ; việc chấp hành luật và các quy định trong quản lý nợ chính phủ của đơn vị liên quan.
                
   

Nhóm tác giả đề xuất: Đối với quản lý nợ, trọng tâm của cuộc kiểm toán hoạt động có thể tập trung vào 5 nội dung của hệ thống kiểm soát nội bộ. Ảnh: internet.

   

Đối với quản lý nợ, trọng tâm của cuộc kiểm toán hoạt động có thể tập trung vào 5 nội dung của hệ thống kiểm soát nội bộ:

Một là, môi trường kiểm soát; cơ cấu tổ chức, hệ thống cơ quan quản lý nợ; hệ thống thông tin về nợ công; các luật, quy định và thông lệ, công tác quản lý nợ công; các nhân tố bên ngoài.

Hai là, đánh giá rủi ro trong quản lý nợ công như rủi ro hoạt động, rủi ro sản phẩm. Bên cạnh đó, cần đánh giá các rủi ro về hệ thống và công nghệ, quy trình, gian lận, thị trường: tiền tệ, lãi suất, hàng hóa.

Ba là, hoạt động kiểm soát, gồm mục tiêu quản lý nợ, chiến lược quản lý nợ trung hạn, kế hoạch hoạt động nhằm thực hiện chiến lược và đạt được mục tiêu.

Bốn là, thông tin liên lạc nhằm bảo đảm có một cơ chế phù hợp để xây dựng, giám sát và báo cáo về việc thực hiện mục tiêu. Nội dung này gồm hệ thống thông tin quản lý cần thiết để xác lập chỉ số hoạt động cả về tài chính và phi tài chính, đồng thời đánh giá mức độ hoàn thành mục tiêu.

Năm là, theo dõi, giám sát nhằm bảo đảm việc đánh giá tình hình hoạt động được liên tục, gồm công tác kiểm toán nội bộ và giám định cũng như thường niên kiểm tra công tác kiểm soát nội bộ./.
         
Ngày 20/12, Hội đồng khoa học KTNN đã tổ chức nghiệm thu Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ: “Vai trò của KTNN trong kiểm toán tài chính công gắn với việc nâng cao năng lực quản trị quốc gia”. Đề tài làm rõ những vấn đề lý luận chung về quản trị quốc gia; vai trò của KTNN trong kiểm toán tài chính công để góp phần nâng cao năng lực quản trị quốc gia.
   Đồng thời, Đề tài đánh giá thực trạng kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN, kiểm toán DNNN và quản lý nợ công giai đoạn 2014-2018; nhận diện được những khó khăn và thách thức trong kiểm toán tài chính công. Trên cơ sở đó, nhóm tác giả kiến nghị mục tiêu, nội dung, phạm vi và phương thức kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN, kiểm toán DNNN và kiểm toán quản lý nợ công để nâng cao năng lực quản trị quốc gia.
   Đề tài được Hội đồng nghiệm thu xếp loại Khá./.

THÙY ANH


Cùng chuyên mục
Kiểm toán nợ công để nâng cao năng lực quản trị quốc gia