Kiểm toán nội bộ Quỹ tín dụng nhân dân: Cần hành lang pháp lý đầy đủ, phù hợp

(BKTO) - Thực tiễn cho thấy, hoạt động kiểm soát, kiểm toán nội bộ (KTNB) Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) vẫn còn những khó khăn, hạn chế do thiếu các quy định. Vì vậy, việc sửa đổi các quy định liên quan, hoàn thiện khung pháp lý về kiểm soát, KTNB là yêu cầu cần thiết để các QTDND hoạt động an toàn, hiệu quả.

quy-tin-dung.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Kiểm toán nội bộ còn nhiều khó khăn do thiếu nhân lực, cơ chế

Chia sẻ về thực tế triển khai việc kiểm soát và KTNB đối với các QTDND trên địa bàn, ông Trịnh Công Văn - Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Sơn La - cho biết, do quy mô hoạt động, năng lực tài chính, nhân sự của các Quỹ còn rất nhiều hạn chế nên việc bố trí nguồn lực để tổ chức thực hiện đầy đủ các mục tiêu, yêu cầu đặt ra đối với hệ thống kiểm soát và KTNB theo quy định là rất khó khăn.

Hơn nữa, tại một số QTDND, nhận thức của lãnh đạo và nhân viên về tầm quan trọng của hoạt động kiểm soát và KTNB còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, công tác đào tạo bồi dưỡng thường xuyên cho nhân sự làm công tác này ở các Quỹ còn rất ít, phương tiện phục vụ nhân viên làm kiểm soát và KTNB cũng không có nhiều.

Ngoài ra, việc xây dựng các chính sách, quy chế nội bộ của Quỹ chưa đảm bảo đầy đủ, chưa cụ thể hóa các quy trình như quy trình cho vay đối với khách hàng cá nhân, quy trình luân chuyển chứng từ trong giao dịch...

Việc thiếu vắng các công cụ này khiến cán bộ kiểm soát, KTNB gặp nhiều khó khăn khi không có cơ sở để đưa ra những đánh giá cũng như khuyến nghị các vấn đề liên quan đến hoạt động của QTDND.

Những khó khăn, bất cập nêu trên có lẽ cũng là khó khăn, bất cập chung của nhiều QTDND. Khái quát những bất cập trong hệ thống kiểm soát nội bộ các QTDND, ThS. Võ Thị Hoàng Nhi - Học viện Ngân hàng - nhận định: Các QTDND hiện nay còn thiếu sự giám sát và tinh thần trách nhiệm của ban lãnh đạo; chưa xây dựng văn hóa kiểm soát lành mạnh trong nội bộ QTDND.

Việc nhận diện, đánh giá rủi ro không được tiến hành một cách liên tục và việc xác định các mối đe dọa không được chú trọng.

Cũng theo ThS. Nhi, một số QTDND còn thiếu sót hoặc yếu kém về cơ cấu và hoạt động kiểm soát chính, thiếu sự trao đổi thông tin giữa các cấp lãnh đạo trong nội bộ QTDND, đặc biệt là các thông tin về các vấn đề còn tồn tại, thiếu hiệu quả các chương trình kiểm toán và giám sát.

Việc kiểm soát, KTNB chưa thực sự được chú trọng khiến hoạt động của một số QTDND chưa bám sát mục tiêu, có biểu hiện chạy theo lợi nhuận, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Phó Tổng Thư ký Hiệp hội QTDND - TS. Nguyễn Thị Kim Thanh - cho rằng, các vụ án của các QTDND thời gian qua cho thấy, những vi phạm dẫn đến thất thoát tài sản của các QTDND chủ yếu là do thiếu sự giám sát lẫn nhau giữa các cấp lãnh đạo cũng như nhân viên, dẫn đến vi phạm các quy định quản lý của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Sớm sửa đổi Thông tư 44

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm soát, KTNB QTDND, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh, điều quan trọng là phát huy được vai trò của thành viên trong việc giám sát hoạt động của QTDND, phải xây dựng hành lang pháp lý cho hoạt động của Quỹ đáp ứng mô hình hiện tại.

Cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan ban hành chính sách cần nhận thức rõ vai trò, vị trí của bộ phận kiểm soát, KTNB của QTDND, thiết kế lại bộ phận này để đảm bảo yêu cầu đối với từng Quỹ. Bên cạnh đó, nghiên cứu cơ chế tổ chức, vận hành, xác định rõ thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của bộ phận này.

Phó Thống đốc cho rằng cần sớm sửa Thông tư số 44/2011/TT-NHNN quy định về hệ thống KSNB và KTNB của TCTD, cần thiết có thể xây dựng một thông tư riêng để hệ thống QTDND hoạt động hiệu quả và minh bạch hơn.

Trên cơ sở phân tích những vướng mắc của hệ thống QTDND tại Thông tư 44, TS. Nguyễn Thị Kim Thanh đã đề xuất chỉnh sửa quy định về hệ thống kiểm soát, KTNB QTDND theo hướng quy định rõ trách nhiệm của Hội đồng quản trị, nhất là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc và Ban kiểm soát và phải có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng trong từng cấp quản lý và nhân viên phù hợp với quy định của pháp luật. Đồng thời, lãnh đạo QTDND phải luôn coi trọng công tác kiểm soát, KTNB.

Bà Thanh cho rằng thay vì quy định 3 tuyến phòng thủ như quy định với các ngân hàng thương mại, việc quản lý rủi ro trong hoạt động của các QTDND nên theo hướng mở. Theo đó, tùy theo quy mô, điều kiện về nguồn lực và mức độ phức tạp của hoạt động kinh doanh, QTDND tự quyết định cơ cấu tổ chức của bộ phận quản lý rủi ro.

Đồng thời, theo bà Thanh, cần quy định cụ thể mục đích, nội dung kiểm soát đối với từng mảng hoạt động nghiệp vụ và phải có các quy định về cơ chế thông tin, truyền thông, việc giám sát và thẩm định.

Nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hệ thống kiểm soát nội bộ của QTDND, ThS. Võ Thị Hoàng Nhi đề xuất: Việc chỉnh sửa Thông tư 44 cần quan tâm đến công tác xây dựng văn hóa kiểm soát và tăng cường giám sát của quản lý cấp cao (bao gồm sự giám sát của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Ban điều hành).

Đồng thời, để nâng cao hiệu quả công tác nhận diện, đánh giá và quản lý rủi ro, NHNN cần có những quy định chung về công tác quản lý rủi ro; rà soát, chỉnh sửa, bổ sung và hướng dẫn cụ thể về chức năng nhiệm vụ, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, vai trò của KTNB trong tổ chức cũng như phương pháp và cách thức thực hiện KTNB.

Mặt khác, theo quy định hiện nay, việc bổ nhiệm bộ phận KTNB thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát chỉ có quyền đề nghị. Vì vậy, theo ThS. Nhi, Thông tư số 44 nên sửa đổi quy định nhân sự bộ phận KTNB phải do Ban kiểm soát bổ nhiệm để đảm bảo tính độc lập khách quan của bộ phận KTNB./.

Theo NHNN, các QTDND đã không ngừng lớn mạnh về quy mô và có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đến ngày 30/9/2022, cả nước có 1.179 QTDND, với quy mô tổng tài sản hơn 166,7 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 1% tổng tài sản hệ thống TCTD.

Cùng chuyên mục
Kiểm toán nội bộ Quỹ tín dụng nhân dân: Cần hành lang pháp lý đầy đủ, phù hợp