Quyền của các SAI trong kiểm toán thu ngân sách nhà nước
Các SAI Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam đều kiểm toán tài chính, tuân thủ và kiểm toán hoạt động, được quyết định nội dung kiểm toán, phương thức, thời gian thực hiện và báo cáo kiểm toán. Tuy nhiên, tại Malaysia, Philippines và Thái Lan, nội dung kiểm toán thu được đề cập cụ thể hơn, đó là:
Với SAI Malaysia, Luật Kiểm toán quy định, khi thực hiện cuộc kiểm toán, Tổng Kiểm toán có quyền kiểm tra (nếu thấy cần thiết) để xác định các biện pháp phòng ngừa hợp lý đã được thực hiện, nhằm đảm bảo an toàn cho công tác thu, bảo quản tiền thu NSNN và các khoản khác có liên quan đến cuộc kiểm toán.
Tại Philippines, Ủy ban Kiểm toán có quyền kiểm tra sổ sách, giấy tờ và tài liệu được nộp bởi các cá nhân, DN, các tài liệu đang được lưu trữ bởi các cơ quan liên quan đến các hoạt động thu ngân sách của Chính phủ để đảm bảo rằng các khoản phải thu NSNN đã được xác định và được thu bởi các cơ quan của Chính phủ, trừ khi có quy định khác.
Với Thái Lan, Tổng Kiểm toán có quyền và nhiệm vụ kiểm toán công tác thu thuế, lệ phí và các khoản thu khác của cơ quan được kiểm toán và đưa ra ý kiến về việc đơn vị có tuân thủ luật, các quy định hoặc nghị quyết của Hội đồng Bộ trưởng hay không. Tổng Kiểm toán cũng có quyền kiểm toán việc xác định số tiền thuế, phí và các khoản phải nộp NSNN khác của cơ quan được kiểm toán. Đơn vị được kiểm toán phải cung cấp thông tin thu được từ người nộp thuế, người nộp phí hoặc bất kỳ khoản tiền phải thu nào khác theo yêu cầu của KTNN.
Mỗi SAI có mục tiêu kiểm toán khác nhau, nhưng cơ bản là đều nhằm đảm bảo nguồn thu NSNN được thu thập, ghi nhận đúng đắn và kịp thời. Phạm vi kiểm toán thu NSNN của hầu hết SAI bao gồm các khoản thuế trực thu và gián thu, tuy nhiên, một số SAI bị giới hạn ở thuế thu nhập, hoặc thuế xuất nhập khẩu, hoặc thuế tiêu thụ đặc biệt.
Để hỗ trợ tốt việc kiểm toán thu ngân sách, hầu hết các SAI này đều tổ chức hội thảo, tập huấn cho kiểm toán viên quy định về thuế và hệ thống quản lý thuế, tăng cường quản lý nguồn nhân lực, tạo cơ sở dữ liệu liên quan đến nguồn thu của Chính phủ để kiểm toán viên khai thác khi thực hiện kiểm toán.
Bên cạnh đó, một số SAI có kinh nghiệm tốt, chẳng hạn SAI Malaysia giám sát việc thực hiện các khuyến nghị kiểm toán thông qua Bảng tổng hợp thông tin trực tuyến của KTNN. Bảng này giúp theo dõi tình thực hiện các kiến nghị kiểm toán của đơn vị được kiểm toán. Công chúng có thể theo dõi tiến trình thực hiện kiến nghị kiểm toán qua trang web chính thức của KTNN.
Khóa học về kiểm toán thuế thu nhập và hải quan được SAI Malaysia tổ chức hằng năm bởi Học viện Kiểm toán Quốc gia. Khóa học cập nhật và thông báo những thông tin mới nhất về thu ngân sách của cơ quan thuế và cơ quan quản lý thuế, trong đó nhấn mạnh vào các khía cạnh kỹ thuật của việc tính thuế được thực hiện bởi các cơ quan thuế.
Đồng thời, SAI Malaysia thực hiện luân chuyển kiểm toán viên giữa các bộ phận với mục đích nâng cao kinh nghiệm cho kiểm toán viên, thời gian luân chuyển công việc thông thường là 5 năm. Tuy nhiên, đối với kiểm toán viên thuộc bộ phận kiểm toán cơ quan thuế và kiểm toán cơ quan hải quan, do cần có kiến thức chuyên sâu nên thời gian luân chuyển trung bình ít nhất là 7 năm.
Với SAI Philippines, cơ quan này lại kiểm toán theo chiều ngang để đánh giá một quá trình hoặc một hoạt động của cơ quan thuế được đặt trên toàn quốc. Kiểm toán theo chiều ngang phù hợp với các quy trình và hoạt động tương tự trên một số nhóm chức năng để đánh giá hiệu quả của phương pháp quản lý chung. Ví dụ, việc kiểm toán hàng hóa bị tịch thu được thực hiện trên các cảng để khi hợp nhất sẽ dẫn đến tác động lớn hơn về tính trọng yếu và mức độ phù hợp của kiểm toán. Cùng với đó, kiểm toán viên và cơ quan quản lý thu được kiểm toán thực hiện liên lạc mở giữa, nhưng đảm bảo rằng sự độc lập không bị xâm phạm hoặc suy yếu.
Bài học kinh nghiệm cho Kiểm toán Nhà nước Việt Nam
Thực tế cho thấy, nguồn thu NSNN bị thất thoát có ảnh hưởng rất lớn đến chính sách tài khóa của bất kỳ Chính phủ nào. Việc thất thoát nguồn thu, đặc biệt là việc trốn thuế không chỉ do cơ quan thuế phát hiện, do đó, KTNN đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn thất thoát nguồn thu. Để làm được việc này, KTNN Việt Nam cần tăng cường năng lực kiểm toán thu thông qua việc nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ kiểm toán viên theo hướng chuyên môn hóa, cập nhật thường xuyên các quy định của Nhà nước về thuế và hệ thống công nghệ thông tin do ngành thuế sử dụng.
Đồng thời, KTNN cũng cần phát triển ngân hàng thông tin về người nộp thuế giữa các cơ quan thuế, cơ quan quản lý thuế và KTNN, đảm bảo để kiểm toán viên nắm bắt kịp thời, đầy đủ thông tin người nộp thuế; tăng cường hơn nữa việc sử dụng công nghệ thông tin và các phần mềm hỗ trợ kiểm toán thu NSNN, tiếp cận với phần mềm quản lý thuế của cơ quan thuế, cơ quan hải quan; tiếp tục đẩy mạnh việc kiểm toán thu ngân sách theo các chuyên đề để đánh giá và kiến nghị chuyên sâu.
T.ANH (ghi)
Theo Báo Kiểm toán số 14 ra ngày 14-04-2019