Kiểm toán việc quản lý, khai thác khoáng sản: Những kinh nghiệm từ quốc tế

(BKTO) - Quản lý, khai thác khoáng sản là chủ đề được nhiều cơ quan, tổ chức và các Chính phủ quan tâm. Vì vậy, các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) trên thế giới thường đưa chủ đề này vào kế hoạch kiểm toán năm hoặc theo từng giai đoạn. Từ thực tiễn kiểm toán của các SAI, nhiều kinh nghiệm về xác định mục tiêu, tiêu chí kiểm toán, kết luận và kiến nghị kiểm toán đã được đúc rút.

8.jpg
Kiểm toán việc Quản lý, khai thác khoáng sản là chủ đề được nhiều cơ quan, tổ chức trên thế giới quan tâm. Ảnh sưu tầm

Xác định mục tiêu và tiêu chí kiểm toán

Theo nghiên cứu của ThS. Nguyễn Xuân Khải - Phó Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước chuyên ngành II và TS. Lê Doãn Hoài - Phó Vụ trưởng Vụ Địa bàn I, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các cuộc kiểm toán về quản lý, khai thác khoáng sản của các SAI trên thế giới đều dựa trên các nguyên tắc phân tích, đánh giá các khía cạnh liên quan đến chủ đề kiểm toán để đưa ra những kiến nghị nhằm cải thiện tình hình từ các hoạt động quản lý. Tuy nhiên, việc xác định các chủ đề, mục tiêu kiểm toán cần dựa trên bối cảnh thực tiễn của mỗi quốc gia.

Các tiêu chí kiểm toán có thể được xây dựng dựa trên các quy định của pháp luật, các quy định điều chỉnh hoạt động của đơn vị được kiểm toán; các quyết định của cơ quan quản lý; tham khảo các đánh giá đã thực hiện trước đó hoặc so sánh với thông lệ thực hành tốt nhất các chỉ tiêu hoạt động quan trọng do đơn vị được kiểm toán hoặc cơ quan quản lý quy định, hoặc của các tổ chức đang thực hiện các hoạt động hay chương trình tương tự; ý kiến tư vấn của chuyên gia độc lập…

Ngoài ra, các tiêu chí kiểm toán được xây dựng trên cơ sở các mục tiêu kiểm toán, đôi khi tiêu chí kiểm toán chính là các mục tiêu kiểm toán. Chẳng hạn, với cuộc kiểm toán về an toàn mỏ, SAI Hoa Kỳ không xây dựng các tiêu chí kiểm toán mà xác định mục tiêu kiểm toán như là các tiêu chí kiểm toán. Một số SAI khác xem tiêu chí kiểm toán là một bộ phận của mục tiêu kiểm toán, phản ánh một khía cạnh nào đó của mục tiêu kiểm toán.

Ví dụ, trong cuộc kiểm toán về khai thác than, SAI Canada đã xác định 2 mục tiêu kiểm toán: Một là, đánh giá mức độ mà Chính phủ Liên bang đã thực hiện với các mỏ bỏ hoang, lựa chọn và thực hiện các phương án khắc phục hậu quả tại địa điểm khai thác cũng như ngăn chặn những rủi ro các địa điểm này gây ra. Hai là, xác định xem Chính phủ Liên bang có đưa ra các chính sách, biện pháp và nguồn lực cần thiết để đảm bảo quản lý một cách hiệu quả các khu mỏ đã bị bỏ hoang và các khu khác trong tương lai. Trong đó, mục tiêu kiểm toán thứ nhất bao gồm 2 tiêu chí: Xác định các nguyên tắc, các thông lệ, tiêu chuẩn để thực hiện đánh giá trách nhiệm môi trường đối với các mỏ bị bỏ hoang; ước tính chi phí môi trường, nợ phải trả và rủi ro liên quan đến các địa điểm này và các ưu tiên để khắc phục. Mục tiêu kiểm toán thứ hai bao gồm 3 tiêu chí: Thiết lập các thứ tự ưu tiên và chương trình quản lý các địa điểm bị ô nhiễm; kiểm tra các điều khoản và điều kiện của giấy phép khai thác; lập kế hoạch để cải tạo các khu vực bị khai thác.

Đưa ra kết luận và kiến nghị kiểm toán thiết thực

Kinh nghiệm từ các cuộc kiểm toán công tác quản lý, khai thác khoáng sản của một số nước trên thế giới cho thấy, kết luận kiểm toán được xây dựng dựa trên những phát hiện kiểm toán và cũng có thể bao gồm cả việc tóm tắt các phát hiện kiểm toán theo từng nội dung kiểm toán. Tuy nhiên, kết luận kiểm toán cần thể hiện rõ ý kiến của kiểm toán viên (KTV), không chỉ đơn thuần là khẳng định lại những phát hiện kiểm toán. Kết luận kiểm toán được hỗ trợ bởi nhiều loại bằng chứng khác nhau sẽ cung cấp mức độ tin cậy và thuyết phục cao hơn so với những kết luận chỉ dựa trên một loại bằng chứng.

Kết luận kiểm toán được hình thành dựa trên các phát hiện kiểm toán và các xét đoán chuyên môn để trả lời được các nội dung kiểm toán và đáp ứng được các mục tiêu kiểm toán. Dựa vào tập hợp các phát hiện, KTV đưa ra các kết luận kiểm toán theo từng nội dung kiểm toán. Ví dụ, với cuộc kiểm toán về khai thác than, SAI Canada đánh giá Cục các vấn đề phía Bắc Canada và Ấn Độ đã không thu đủ số lượng tài chính cần thiết từ các công ty khai thác mỏ ở miền Bắc để trang trải chi phí cho việc dọn dẹp và đóng cửa các điểm mỏ. Từ đó, SAI Canada kết luận việc quản lý của Cục đối với các mỏ đá bị bỏ hoang không đảm bảo yêu cầu về môi trường và không đạt mục tiêu mà Chính phủ Liên bang đặt ra.

Trên cơ sở các phát hiện và kết luận kiểm toán, KTV phải đưa ra các kiến nghị kiểm toán để có giải pháp kịp thời khắc phục các hạn chế. Các kiến nghị kiểm toán phải được trình bày rõ ràng, logic, phù hợp với mục tiêu, phát hiện và kết luận kiểm toán. Tuy nhiên, kiến nghị kiểm toán không nên thực hiện thay trách nhiệm của nhà quản lý (không nên bao gồm các kế hoạch, nhiệm vụ, công việc cần thực hiện chi tiết) mà cần chỉ rõ vấn đề nào cần phải thay đổi, cải thiện.

Để đảm bảo kiến nghị thiết thực và hữu ích, KTV cần phải xem xét các kiến nghị ngay trong quá trình thu thập bằng chứng và đưa ra các phát hiện, kết luận. Các kiến nghị bao gồm: Nội dung gì cần phải hoàn thiện, tại sao cần phải hoàn thiện, cần hoàn thiện chỗ nào, khi nào phải hoàn thiện, ai sẽ là người chịu trách nhiệm hoàn thiện.

Chẳng hạn, với cuộc kiểm toán hoạt động về kiểm soát và xử lý toàn diện đất đá thải từ quặng/quặng khoáng sản, SAI Trung Quốc kiến nghị cần ban hành luật, quy tắc và tiêu chuẩn quy định rõ ràng về xả thải và kiểm soát chất thải rắn nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp tuân thủ nghiêm ngặt các quy định liên quan để kiểm soát chất thải và kiểm soát tối đa tác động môi trường của các khu chất thải. Bên cạnh đó, SAI Trung Quốc kiến nghị Chính phủ: Tăng cường nguồn lực đầu vào để kiểm soát các thảm họa do đất phế bỏ sau khi đã sàng lọc để lấy quặng; có các chính sách và biện pháp hỗ trợ để giải quyết các vấn đề còn bất cập. Đồng thời, các chính sách ưu đãi quốc gia cần được thực hiện đầy đủ để huy động các sáng kiến của các bên khác nhau trong việc kiểm soát và chấn chỉnh những khu đất./.

Theo kinh nghiệm của các SAI, các khía cạnh liên quan đến chủ đề kiểm toán công tác quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản bao gồm: Công tác thanh tra, kiểm tra, theo dõi, giám sát các hoạt động thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản; công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch về thăm dò, khai thác và chế biến tài nguyên khoáng sản; công tác cấp phép thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản; công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản.

Cùng chuyên mục
  • Kiểm toán nhà nước khu vực VIII: Nhiều cuộc kiểm toán xếp loại  xuất sắc, đạt tiêu chuẩn chất lượng Vàng
    một năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Tại TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Kiểm toán nhà nước (KTNN) khu vực VIII đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác và công tác Đảng năm 2022, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2023. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ dự và chỉ đạo Hội nghị.
  • Nâng cao chất lượng đào tạo, đi trước một bước trong nghiên cứu khoa học
    một năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Sáng 09/12, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán (ĐT&BDNVKT) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2023. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
  • Kiểm toán nhà nước Việt Nam và UNCTAD đẩy mạnh hợp tác toàn diện
    một năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Nhân dịp dẫn đầu Đoàn đại biểu Kiểm toán nhà nước (KTNN) tham dự Hội nghị về Quản lý nợ lần thứ 13 của UNCTAD, ngày 06/12, tại trụ sở Văn phòng Liên hợp quốc ở Geneva, Thụy Sĩ, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đã có buổi làm việc với bà Rebeca Grynspan - Tổng thư ký UNCTAD. Tham dự cuộc họp có Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, Thụy Sĩ.
  • Năm 2023: Kiểm toán nhiều chương trình, dự án trọng điểm
    một năm trước Hoạt động của Ngành
    Theo Kế hoạch kiểm toán năm 2023 vừa được Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành kèm theo Quyết định số 1482/QĐ-KTNN ngày 02/12/2022, Kiểm toán nhà nước (KTNN) sẽ tập trung nhiệm vụ kiểm toán vào những nội dung, lĩnh vực được Đảng, Nhà nước, Quốc hội đặc biệt quan tâm, phục vụ thiết thực cho hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, như: kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách; kiểm toán chương trình mục tiêu quốc gia; kiểm toán các chương trình, dự án đầu tư trọng điểm…
  • Báo Kiểm toán khẳng định dấu ấn với nhiều kết quả đổi mới
    một năm trước Hoạt động của Ngành
    Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ và công tác năm 2023 của Báo Kiểm toán diễn ra chiều ngày 8/12, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung đã ghi nhận, biểu dương những nỗ lực của tập thể Báo Kiểm toán và khẳng định: Báo Kiểm toán đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra với những kết quả đổi mới rất đáng khích lệ.
Kiểm toán việc quản lý, khai thác khoáng sản: Những kinh nghiệm từ quốc tế