Chương trình tập huấn kết hợp hình thức trực tiếp và trực tuyến tới 12 điểm cầu Kiểm toán nhà nước (KTNN) khu vực với 300 học viên. Giảng viên là ông Vũ Nhật Anh - Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực I và đại diện lãnh đạo cấp phòng của KTNN khu vực I.
Ông Vũ Nhật Anh cho biết, Đề cương kiểm toán này áp dụng cho các cuộc kiểm toán Chuyên đề việc quản lý, sử dụng Quỹ TCNNS do địa phương quản lý giai đoạn 2020-2022 do KTNN thực hiện.
Các cuộc kiểm toán liên quan đến việc quản lý, sử dụng Quỹ TCNNS có đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ riêng mang tính cá biệt có thể xem xét, nghiên cứu để vận dụng một cách phù hợp.
Đề cương kiểm toán chỉ mang tính chất hướng dẫn chung, nội dung cá biệt của từng Quỹ TCNNS được xây dựng trong kế hoạch kiểm toán tổng quát của đoàn; kế hoạch kiểm toán chi tiết của tổ kiểm toán.
Giai đoạn 2015-2020, KTNN đã thực hiện kiểm toán 19 Quỹ TCNNS, trong đó có 15 Quỹ do Trung ương quản lý và 4 Quỹ do địa phương quản lý.
Qua kiểm toán, KTNN đã kiến nghị xử lý 5.443,89 tỷ đồng, trong đó: Tăng thu NSNN 850,8 tỷ đồng; tăng thu, giảm chi các quỹ ngoài ngân sách 3.902,4 tỷ đồng; xử lý tài chính khác 690,65 tỷ đồng.
Đồng thời, KTNN kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hàng chục văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; phát hiện và kiến nghị xử lý, chấn chỉnh nhiều sai phạm trong công tác quản lý và sử dụng các QTCNNS.
Cũng theo ông Vũ Nhật Anh, mục tiêu của cuộc kiểm toán là đánh giá việc tuân thủ pháp luật, chế độ, chính sách và các quy định nội bộ trong việc quản lý, sử dụng các Quỹ TCNNS.
Đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công tại các Quỹ TCNNS.
Thông qua kiểm toán, KTNN phát hiện các hành vi tham nhũng, lãng phí và sai phạm trong quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công, xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để kiến nghị với cấp có thẩm quyền xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật; kiến nghị xử lý tài chính, tài sản phát hiện sai sót; chỉ ra các sai phạm, hạn chế trong quản lý và kiến nghị với đơn vị được kiểm toán và cấp trên trực tiếp quản lý đơn vị được kiểm toán có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh công tác quản lý nội bộ.
Trên cơ sở những bất cập phát hiện qua kiểm toán, KTNN kiến nghị các địa phương, cắt giảm, bãi bỏ một số Quỹ hoạt động kém hoặc không có hiệu quả.
Đồng thời, KTNN kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cơ quan khác của Nhà nước sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách và pháp luật nhằm bảo đảm các nguồn lực tài chính, tài sản công được sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả.
Cũng theo đại diện KTNN khu vực I, đối tượng kiểm toán của cuộc kiểm toán đối với các Quỹ TCNNS là việc quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính công, tài sản công (gồm nguồn được huy động trong xã hội) và các hoạt động liên quan của các Quỹ TCNNS. Tất cả nguồn lực, tài sản được ngân sách nhà nước (NSNN) cấp hoặc có nguồn gốc từ ngân sách đều thuộc đối tượng kiểm toán của KTNN.
Đơn vị được kiểm toán là các Quỹ TCNNS do địa phương quản lý (được chọn kiểm toán); sở tài chính địa phương (đơn vị kiểm toán tổng hợp).
Đơn vị kiểm tra, đối chiếu (nếu có) gồm các sở/ngành tại địa phương, đơn vị sử dụng vốn từ Quỹ TCNNS hoặc các dự án sử dụng nguồn vốn từ Quỹ TCNNS.
Ngoài các tỉnh/thành phố được kiểm toán, các KTNN khu vực yêu cầu các tỉnh/thành phố không kiểm toán thuộc địa bàn quản lý báo cáo số liệu về quản lý, sử dụng các Quỹ TCNNS tại địa phương theo quy định làm căn cứ tổng hợp số liệu; thời gian gửi báo cáo chậm nhất là ngày kết thúc kiểm toán do KTNN khu vực thực hiện./.