.jpg)
ThS. Trần Kim Lộc - Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu, cùng tham dự có các thành viên trong Hội đồng nghiệm thu và Ban đề tài.
Công nghệ thông tin (CNTT) là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định sự thành công của quá trình xây dựng Chính phủ điện tử. Vì vậy, Nhà nước chú trọng đầu tư nguồn kinh phí lớn từ ngân sách nhà nước (NSNN) cho các hoạt động ứng dụng CNTT. Với vai trò là cơ quan kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan, KTNN đã triển khai nhiều cuộc kiểm toán dự án đầu tư ứng dụng CNTT, từ đó đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả và đưa ra kiến nghị về cơ chế, chính sách.
Theo ThS. Đào Văn Huy, giai đoạn 2020-2023, KTNN đã triển khai các cuộc kiểm toán: Kiểm toán hệ thống công nghệ thông tin liên quan đến lập báo cáo tài chính của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam; Kiểm toán dự án thành phần xây dựng cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học ở Việt Nam tại Bộ Giáo dục đào tạo; Kiểm toán Trung tâm dữ liệu dự phòng tại Sơn Tây, Hà Nội của Ngân hàng nhà nước; Kiểm toán việc đầu tư mua sắm, ứng dụng phần mềm CNTT, các hoạt động thuê dịch vụ CNTT giai đoạn 2020-2022 tại Bộ Tư pháp; Kiểm toán việc đầu tư mua sắm, ứng dụng phần mềm CNTT, các hoạt động thuê dịch vụ CNTT giai đoạn 2020-2022 tại Bộ Khoa học và Công nghệ...
.jpg)
Các cuộc kiểm toán của KTNN đã góp phần tăng cường hiệu quả vận hành các dự án CNTT, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả sử dụng; tiết kiệm nguồn lực và chi phí đầu tư, cải thiện hệ thống kiểm soát nội bộ, đảm bảo tuân thủ pháp luật và tăng cường hiệu quả quản lý. Ngoài ra, các báo cáo kiểm toán của KTNN đã giúp các cơ quan đánh giá mức độ hiệu quả của việc sử dụng NSNN đầu tư phát triển CNTT, từ đó thúc đẩy các cải cách phù hợp để tối ưu hóa đầu tư công. Đối với việc xây dựng Chính phủ điện tử, các kiến nghị của KTNN đã thúc đẩy việc triển khai đúng kế hoạch và mang lại hiệu quả tối ưu, khuyến khích việc áp dụng các công nghệ mới vào hoạt động quản lý, tạo nền tảng cho chuyển đổi số quốc gia.
Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế cho thấy, các dự án CNTT thường liên quan đến nhiều công nghệ mới, thường xuyên thay đổi và được tích hợp nhiều hệ thống khác nhau, đòi hỏi kiểm toán viên phải có kiến thức sâu rộng về kỹ thuật phần cứng, phần mềm, an toàn thông tin và quản lý dự án. Hơn nữa, hiệu quả của các dự án CNTT không chỉ đo lường bằng chi phí đầu tư hoặc thực hiện đúng các quy định hiện hành, cung cấp được một số chức năng cho người sử dụng, mà còn ở giá trị lâu dài (khả năng tối ưu hóa quản lý, tiết kiệm chi phí vận hành). Tại một thời điểm nhất định như trong giai đoạn kiểm toán, điều này khó đo lường và định lượng cụ thể.
Trong khi đó, thời gian và nhân lực của KTNN dành cho các cuộc kiểm toán này còn hạn chế, chưa thể bắt kịp hết những đổi mới liên quan đến phần mềm, quy trình hoặc tiêu chuẩn mới. Ngoài ra, các hệ thống CNTT thường được bảo mật chặt chẽ, dẫn đến khó khăn trong việc cấp quyền truy cập cho kiểm toán viên và bắt buộc phải qua nhiều cấp xét duyệt ở mức cao nhất.

Từ thực tiễn trên, nhóm tác giả nghiên cứu đề tài đã đề xuất các giải pháp hoàn thiện quy trình, thủ tục, nội dung và nâng cao chất lượng kiểm toán đáp ứng yêu cầu của KTNN. Trong đó có các giải pháp về tự động hóa thu thập bằng chứng bằng công cụ CAATs; thư viện mẫu kiểm toán CNTT chuẩn hóa cho 7 loại dự án phổ biến; hệ thống cảnh báo rủi ro thời gian thực tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về đấu thầu. Đề tài cũng đề xuất việc nâng cao năng lực đội ngũ kiểm toán viên gắn với thiết kế lộ trình đào tạo kiểm toán viên CNTT theo 3 cấp độ.
Tại buổi nghiệm thu, các thành viên Hội đồng khoa học đánh giá, đề tài có giá trị sử dụng, ứng dụng cao, có thể là một trong các tài liệu để kiểm toán viên nghiên cứu tham khảo khi thực hiện kiểm toán dự án đầu tư CNTT sử dụng nguồn vốn NSNN.
Để đề tài hoàn thiện và có hàm lượng khoa học cao, Hội đồng khoa học gợi mở một số nội dung để Ban chủ nhiệm đề tài nghiên cứu, bổ sung. Cụ thể, nhóm tác giả cần bổ sung nội dung kiểm toán dự án đầu tư CNTT được quy định cụ thể như thế nào, từ đó đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, nguyên nhân; nêu bật những nội dung riêng biệt, cần lưu ý khi triển khai kiểm toán CNTT; các hạn chế về ứng dụng phần mềm, kết nối, chia sẻ dữ liệu cần được phân tích rõ hơn về tác động và đề xuất giải pháp tăng cường hiệu quả; trong nội dung kiểm toán cần nhấn mạnh hơn nữa về an toàn thông tin, đặc biệt là việc tuân thủ các tiêu chuẩn và quy định hiện hành. Ban đề tài rà soát, đảm bảo tính logic, lược bỏ một số nội dung trùng lặp, dàn trải.
Hội đồng khoa học đánh giá đề tài xếp loại Khá.