Đa dạng hóa giá trị từ rừng
Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Triệu Văn Lực cho biết: Sau 03 năm (2021-2023) triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, cơ cấu sản xuất lâm nghiệp đã có sự chuyển dịch theo hướng bền vững, ngày càng nâng cao giá trị gia tăng nhằm khai thác triệt để giá trị từ rừng.
Trong đó, nguồn gỗ xuất khẩu vẫn chiếm chủ yếu nguồn giá trị khai thác từ rừng. Năng suất, chất lượng rừng trồng ngày càng được nâng cao, giúp cung cấp trên 70% nguyên liệu gỗ cho chế biến lâm sản, phục vụ xuất khẩu. Giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt bình quân hàng năm 15,8 tỷ USD, tỷ lệ xuất siêu cao.
Ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết, ngành gỗ là một trong những ngành kinh tế tiềm năng nhất hiện nay của Việt Nam. Các phụ phẩm gỗ có thể trở thành các mặt hàng xuất khẩu mang lại giá trị lớn. Điều quan trọng, theo ông Hoài là các doanh nghiệp gỗ cần đầu tư vào nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiên tiến, từ quá trình khai thác đến sản xuất và chế biến gỗ. "Công nghệ tiên tiến giúp giảm thiểu lãng phí tài nguyên, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, từ đó tăng tính cạnh tranh và giá trị thương hiệu của ngành gỗ Việt Nam trên thị trường" - ông Hoài cho biết.
Bên cạnh giá trị từ sản phẩm gỗ, ngành lâm nghiệp cũng chú trọng đa dạng hóa giá trị từ rừng. Trong đó, năm 2023 đánh dấu mốc rất quan trọng khi lần đầu tiên tại Việt Nam chuyển nhượng thành công lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn các-bon (CO2) cho Quỹ Đối tác các-bon trong Lâm nghiệp thông qua Ngân hàng Thế giới với đơn giá 5 USD/tấn CO2 - tương đương 51,5 triệu USD (1.200 tỷ đồng).
Phát triển nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp và nâng cao giá trị cho ngành chế biến gỗ; phát triển lâm sản ngoài gỗ, dược liệu; phát triển các hình thức nông, lâm, ngư kết hợp; phát triển dịch vụ môi trường rừng; phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.
Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030
Theo ông Phạm Hồng Lượng (Cục Lâm nghiệp), tín chỉ các-bon rừng được tạo ra từ các hoạt động dự án giảm phát thải nhà kính như giảm mất rừng và suy thoái rừng; tăng cường trồng rừng, tái trồng rừng, tái tạo thảm thực vật và hoạt động quản lý rừng. "Xuất khẩu tín chỉ các-bon rừng đánh dấu bước chuyển quan trọng của Việt Nam, gắn kinh tế rừng với bảo vệ môi trường" - ông Lượng cho biết.
Một nguồn lợi kinh tế lớn khác có thể khai thác được từ rừng đang được ngành lâm nghiệp phối hợp triển khai, đó là phát triển dược liệu dưới tán rừng. Theo Cục Lâm nghiệp, Luật Đất đai (sửa đổi) đã bổ sung có quy định "nuôi trồng phát triển cây dược liệu trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất".
Do đó, khi Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực thi hành, thì việc cho thuê môi trường rừng để nuôi trồng, phát triển dược liệu dưới tán rừng sẽ được quy định chi tiết, cụ thể hơn, từ đó mở ra triển vọng về đa dạng hóa nguồn thu từ rừng so với hiện nay.
Để người dân sống được dưới tán rừng...
Để đa dạng hóa việc khai thác các giá trị từ rừng, hướng đến cơ cấu lại ngành lâm nghiệp theo chuỗi và nâng cao giá trị gia tăng, các ý kiến cho rằng, Nhà nước cần huy động sự vào cuộc của người dân bởi đây là chủ thể chính tham gia vào trồng rừng cũng như khai thác giá trị từ rừng.
Đây cũng chính là vấn đề được đặt ra tại Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký ban hành mới đây.
Theo đó, Đề án đặt mục tiêu thu hút lực lượng lao động làm việc trong lĩnh vực lâm nghiệp là người dân tộc thiểu số sống ở khu vực có rừng đến năm 2030 chiếm trên 50%; tỷ lệ lao động trong lĩnh vực lâm nghiệp được đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật đạt từ 40% trở lên vào năm 2030 và 70% vào năm 2050.
Để người dân bám rừng, một trong những yêu cầu được đặt ra, đó là phải đảm bảo nguồn kinh phí hỗ trợ bảo vệ rừng, cũng như tạo sinh kế để người dân “sống” được nhờ rừng.
"Chính người dân sống trên địa bàn có rừng vừa là người giữ rừng, vừa tham gia vào quá trình khai thác các giá trị kinh tế khác như trồng dược liệu, làm du lịch..., làm gia tăng giá trị từ rừng. Đơn cử như giá trị thu được từ bán 10,3 triệu tấn các-bon có đóng góp của người dân khi họ tích cực trồng và bảo vệ rừng" - chuyên gia lâm nghiệp Đặng Tùng Hoa cho biết.
Theo Phó Cục trưởng Triệu Văn Lực, giai đoạn 2021-2023, các hoạt động lâm nghiệp đã tạo ra việc làm cho khoảng 5 triệu lao động trực tiếp. “Chính sách khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình, tổ chức với bình quân khoảng 6,2 triệu ha/năm, tạo nguồn thu nhập và cải thiện sinh kế cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo” - ông Lực cho biết.
Trong giai đoạn 2021-2023, nguồn thu dịch vụ môi trường rừng đạt bình quân 3.650 tỷ đồng/năm. Riêng năm 2023, ngành lâm nghiệp đã thu được 4.130 tỷ đồng, góp phần giảm áp lực chi ngân sách nhà nước, thực hiện chi trả kinh phí để bảo vệ khoảng 7,3 triệu ha rừng, trở thành nguồn tài chính quan trọng và bền vững của lâm nghiệp.
Liên quan đến chính sách thu hút người dân tham gia trồng, bảo vệ rừng, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng thừa nhận, mức hỗ trợ với người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng còn thấp; ngân sách nhà nước đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng còn khó khăn… , nên chưa thật sự tạo động lực cho người dân tham gia.
Tuy nhiên, vấn đề này cần được giải quyết từng bước, Chính phủ cùng các cơ quan chức năng đang nỗ lực thực hiện các giải pháp để tạo thêm nguồn thu từ rừng. Trong đó, với nguồn thu từ việc bán 10,3 triệu tín chỉ các-bon rừng đã góp phần bổ sung vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam để hỗ trợ chi trả cho các chủ rừng, người dân làm nghề rừng...
Trước đó, trả lời ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV liên quan đến đề xuất tăng kinh phí bảo vệ rừng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, trong bối cảnh ngân sách còn hạn hẹp, để hỗ trợ người dân tham gia trồng, bảo vệ rừng, ngoài kinh phí từ ngân sách, cần tạo ra sinh kế dưới tán rừng để cộng đồng bảo vệ rừng.
Theo Bộ trưởng, đây là giải pháp cốt lõi đảm bảo sự gắn bó lâu dài vào quá trình bảo vệ rừng. Muốn làm được điều này thì Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu, thể chế hóa các quy định về áp dụng mức thu tiền dịch vụ môi trường rừng; có chính sách thu hút, khuyến khích người dân tham gia phát triển kinh tế gắn với bảo vệ rừng... từ đó từng bước nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống của người trực tiếp tham gia phát triển rừng../.