KTNN chuyên ngành VI: Kiến nghị xử lý trên 5.300 tỷ đồng qua kết quả kiểm toán

(BKTO)- Năm 2019, KTNN chuyên ngành VI đã thực hiện hoàn thành 13 cuộc kiểm toán. Kết quả đã kiến nghị xử lý tổng số tiền 5.387 tỷ đồng, gồm kiến nghị xử lý tài chính tăng thu NSNN 2.457 tỷ đồng và kiến nghị xử lý khác 2.930 tỷ đồng. Cùng với đó là nhiều phát hiện, kiến nghị kiểm toán quan trọng để cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung những bất cập trong cơ chế, chính sách; chấn chỉnh kịp thời, nâng cao năng lực quản lý, quản trị hiệu quả nguồn lực nhà nước tại doanh nghiệp.



Thông tin trên được Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VI Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai kế hoạch công tác năm 2020. Hội nghị vinh dự được đón Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Quang Thành cùng đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc KTNN tham dự.
                
   

Quang cảnh Hội nghị- Ảnh: THANH HÀ

   

Nâng cao chất lượng, kiến nghị kiểm toán

Theo Kiểm toán trưởng Nguyễn Anh Tuấn, cùng với các kiến nghị xử lý tài chính, đã có 33 kiến nghị về cơ chế, chính sách được đưa ra để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Trong đó có kiến nghị sửa, đổi bổ sung Luật Thuế giá trị gia tăng và 2 Nghị định (Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, Nghị định số 118/2014/NĐ-CP); 2 Thông tư (Thông tư số 130/2016/TT-BTC, Thông tư số 51/2015/TT-BTC) và 5 kiến nghị nghiên cứu xem xét bổ sung, ban hành cơ chế, chính sách.

Chia sẻ kinh nghiệm triển khai thực hiện kiểm toán, lãnh đạo KTNN chuyên ngành VI cho biết, đối với từng cuộc kiểm toán, Trưởng đoàn kiểm toán phải xây dựng Đề cương, mẫu biểu phù hợp, trong đó đặc biệt hướng dẫn về nội dung, trọng tâm, phương pháp kiểm toán cụ thể đối với từng nội dung kiểm toán để Kiểm toán viên sử dụng và thực hiện. KTNN chuyên ngành VI cũng đã chủ động tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm cho công chức trong đơn vị về công tác khảo sát thu thập thông tin; xác định trọng yếu, rủi ro kiểm toán; phương pháp, kỹ năng thực hiện kiểm toán tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước…

Hơn nữa, yêu cầu luôn được đặt ra là các Đoàn kiểm toán ngày càng phải nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, tuân thủ đúng quy trình, chuẩn mực kiểm toán, quy tắc ứng xử của Kiểm toán viên nhà nước, quy chế, nội quy Đoàn kiểm toán, thực hiện đầy đủ nội dung và trọng tâm kiểm toán, tuân thủ mục tiêu, phạm vi theo kế hoạch kiểm toán, phát hành Báo cáo kiểm toán theo đúng quy định của KTNN. Kiểm toán trưởng thường xuyên nắm bắt tình hình để đôn đốc, chỉ đạo các Đoàn kiểm toán, báo cáo thực hiện kết quả kiểm toán thường kỳ theo chế độ, đồng thời báo cáo, xin ý kiến lãnh đạo KTNN để kịp thời xử lý những vướng mắc.

Đáng chú ý, trong năm 2019, KTNN chuyên ngành VI cũng đã tiếp tục theo dõi, kiểm tra sát sao kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán. Đối với kiến nghị kiểm toán năm 2018, kết quả kiểm tra cho thấy các đơn vị đã cơ bản khẩn trương thực hiện kiến nghị kiểm toán. Tổng số kiến nghị xử lý tài chính của 11 Đoàn kiểm toán năm 2018 là 7.846 tỷ đồng, các đơn vị được kiểm toán đã thực hiện 5.848 tỷ đồng, đạt 74,53%.

Nêu nguyên nhân một số đơn vị chưa thực hiện triệt để các kiến nghị xử lý tài chính, Kiểm toán trưởng Nguyễn Anh Tuấn cho biết, lý do chủ yếu là đơn vị đang chờ ý kiến chính thức từ phía các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các kiến nghị tăng thu nộp NSNN, hoặc do đơn vị đang làm việc với bên liên quan để thực hiện các thủ tục xử lý đối với các dự án đầu tư.

Tập trung đổi mới hoạt động kiểm toán doanh nghiệp

Bám sát mục tiêu chung của Ngành năm 2020, KTNN chuyên ngành VI xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm tới là đổi mới, tăng cường phương pháp kiểm toán, kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro, xác định mức trọng yếu kiểm toán; đẩy mạnh kiểm toán hoạt động trong cả loại hình kiểm toán Báo cáo tài chính và kiểm toán đầu tư của tập đoàn, tổng công ty nhà nước; cải cách hành chính và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để giảm thời gian kiểm toán.

Kiểm toán trưởng Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh, đơn vị sẽ nỗ lực tổ chức thực hiện hiệu quả các cuộc kiểm toán được lãnh đạo KTNN giao trong năm 2020. Cùng với giải pháp chuẩn bị thật tốt nguồn lực, bố trí thời gian hợp lý; thực hiện tốt việc công khai, minh bạch trong sắp xếp Đoàn, Tổ kiểm toán, KTNN chuyên ngành VI sẽ tập trung đổi mới phương thức kiểm toán. Trong đó chú trọng kiểm toán hoạt động, coi trọng công tác phân tích, đánh giá các sai phạm, hạn chế, bất cập qua hoạt động kiểm toán để nâng cao chất lượng các kết luận, kiến nghị kiểm toán; tập trung đánh giá trách nhiệm quản lý của người đứng đầu đơn vị được kiểm toán; chỉ ra bất cập về cơ chế, chính sách; đánh giá các vấn đề mang tính nổi cộm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tham nhũng, lãng phí đang được Đảng, Nhà nước và dư luận quan tâm góp phần ngăn ngừa tham nhũng tại các đơn vị được kiểm toán; chú trọng kiểm toán tổng hợp ngay từ giai đoạn thực hiện kiểm toán đến khâu tổng hợp, lập và phát hành Báo cáo kiểm toán…

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Quang Thành nhấn mạnh, trong thời gian tới, hoạt động kiểm toán nói chung và hoạt động kiểm toán doanh nghiệp nói riêng phải đối mặt với nhiều thách thức. Do đó, KTNN Chuyên ngành VI cần đổi mới hoạt động kiểm toán, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán; tăng cường chức năng phòng chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán. Bên cạnh đó, đơn vị cần tăng cường công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho Kiểm toán viên; chủ động trong công tác kiểm tra, giám sát hoạt động kiểm toán; thực hiện nghiêm quy chế hoạt động Đoàn kiểm toán để hoạt động kiểm toán ngày một chính quy, chuyên nghiệp, hiện đại, góp phần khẳng định uy tín và vai trò của KTNN.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo, Kiểm toán trưởng Nguyễn Anh Tuấn khẳng định, năm 2020, toàn thể công chức, Kiểm toán viên KTNN Chuyên ngành VI sẽ đoàn kết, chung sức, đồng lòng phát huy những thành tích đã đạt được, khắc phục những hạn chế, vượt qua mọi khó khăn, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao./.
         
13 cuộc kiểm toán được KTNN chuyên ngành VI thực hiện trong năm 2019 gồm: 09 cuộc kiểm toán báo cáo tài chính và các hoạt động có liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2018; 02 cuộc kiểm toán chuyên đề; 01 cuộc kiểm toán báo cáo tài chính năm 2018 của Công ty TNHH Truyền hình số Vệ tinh Việt Nam; 01 cuộc kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa đối với Công ty mẹ - Tổng công ty Xi măng Việt Nam.

QUỲNH ANH
Cùng chuyên mục
KTNN chuyên ngành VI: Kiến nghị xử lý trên 5.300 tỷ đồng qua kết quả kiểm toán