Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn trình bày báo cáo công tác của KTNN nhiệm kỳ 2011-2016 trước Quốc hội.Ảnh: THANH CHƯƠNG
Ngày 21/3, kỳ họp thứ 11 - kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII đã khai mạc tại Hà Nội và dự kiến sẽ bế mạc vào ngày 12/4. Tại kỳ họp này, bên cạnh công tác xây dựng pháp luật, xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội tập trung thời gian cho tổng kết công tác nhiệm kỳ của các cơ quan Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ. Đặc biệt, Quốc hội sẽ dành nhiều thời gian để kiện toàn nhân sự lãnh đạo Nhà nước.
Trong tuần làm việc đầu tiên của kỳ họp, Quốc hội đã nghe báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra về: đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, kết quả thực hiện 5 năm 2011-2015 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020; việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) cấp quốc gia. Đồng thời, nghe Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII.
Ngày 22/3, ngoài thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế, Quốc hội đã dành phần lớn thời gian để nghe các Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội; Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2011-2016 của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Các báo cáo đã nêu bật vai trò tích cực cũng như những kết quả đạt được trong hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, đối ngoại, an ninh quốc phòng… của đất nước trong 5 năm qua; đồng thời chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và những bài học kinh nghiệm rút ra cho hoạt động của Quốc hội, Chính phủ trong nhiệm kỳ tới.
Chiều cùng ngày, sau khi nghe Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Quốc hội đã nghe Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn báo cáo về công tác của KTNN trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.
Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn, trong nhiệm kỳ 2011-2015, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song những kết quả và thành tựu KTNN đã đạt được là toàn diện và có tầm ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển trong những năm tiếp theo. Cụ thể, hành lang pháp lý cho tổ chức và hoạt động của KTNN ngày càng hoàn thiện, đồng bộ với kết quả nổi bật trong nhiệm kỳ là Quốc hội đã thông qua Hiến pháp, trong đó quy định về địa vị pháp lý của KTNN; thông qua Luật KTNN năm 2015 với nhiều nội dung mới tạo tiền đề, cơ sở pháp lý vững chắc cho sự phát triển của KTNN. KTNN cũng đã tích cực tham gia với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ trong việc xây dựng và thẩm tra nhiều dự án luật, pháp lệnh trình Quốc hội.
Trong thực hiện nhiệm vụ kiểm toán, năng lực kiểm toán ngày càng được nâng cao, hoạt động chuyên nghiệp hơn; tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ từng bước được củng cố, kiện toàn cả về cơ cấu, số lượng và chất lượng. Cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin được quan tâm đầu tư, ngày càng đáp ứng tốt hơn cho hoạt động chuyên môn; hội nhập quốc tế được mở rộng. Quy mô kiểm toán tăng một cách hợp lý, bình quân hàng năm thực hiện khoảng 180 đến 200 cuộc kiểm toán với quy mô năm sau tăng hơn năm trước khoảng 10%; chất lượng và hiệu lực kiểm toán ngày càng tiến bộ; qua đó đã góp phần tăng thu, giảm chi ngân sách và xử lý tài chính khác 101.037 tỷ đồng, bằng 55% số kiến nghị xử lý tài chính trong 21 năm hoạt động của KTNN (184.486 tỷ đồng). Trong năm 5 năm qua, KTNN đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 360 văn bản.
Tổng Kiểm toán Nhà nước khẳng định, với sự phát triển về mọi mặt, kết quả hoạt động của KTNN nhiệm kỳ qua đã đóng góp tích cực vào thành tựu của công cuộc đổi mới, góp phần làm lành mạnh và minh bạch hóa nền tài chính công. Hoạt động kiểm toán và công khai kết quả kiểm toán đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành đối với cơ quan KTNN. Kết quả kiểm toán đã góp phần vào việc quản trị tài chính quốc gia, quản trị DNNN. Các đơn vị được kiểm toán, các cấp, các ngành thấy rõ tác dụng, vai trò của KTNN để phối hợp tốt hơn, đồng thời nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương tài chính, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công…
Tuy nhiên, Báo cáo của Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế như: Quy mô kiểm toán hàng năm tuy đã được mở rộng, tăng nhiều nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; việc đổi mới phương pháp kiểm toán, chất lượng kiểm toán còn hạn chế; kết quả kiểm toán chưa chú trọng phân tích sâu, đánh giá hiệu lực, hiệu quả các cơ chế, chính sách; chưa triển khai được nhiều cuộc kiểm toán hoạt động; hiệu lực kiểm toán chưa cao như mong muốn... Bên cạnh đó, bộ máy tổ chức KTNN còn chưa hoàn thiện, đội ngũ cán bộ, kiểm toán viên còn thiếu về số lượng và chất lượng không đồng đều...
Trên cơ sở phân tích nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế và rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc, với quyết tâm khắc phục những hạn chế, thiếu sót, toàn ngành KTNN xác định mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo là: Nâng cao năng lực hoạt động, hiệu lực pháp lý, chất lượng và hiệu quả hoạt động của KTNN như một công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong kiểm tra, giám sát quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công; xây dựng KTNN có trình độ chuyên nghiệp cao, từng bước hiện đại, trở thành cơ quan kiểm tra tài chính công có trách nhiệm và uy tín, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phù hợp với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế.
Tại phiên làm việc sáng ngày 23/3, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ, cho ý kiến về các Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan.
NGUYỄN HỒNG