Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Đổi mới nhỏ, ý nghĩa lớn

TS. NGUYỄN SĨ DŨNG - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội | 25/05/2023 08:47

(BKTO) - Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa XV sẽ được chia thành 2 đợt họp tập trung: Đợt thứ nhất kéo dài từ ngày 22/5/2023 đến ngày 10/6/2023; Đợt thứ hai kéo dài từ ngày 19/6/2023 đến ngày 24/6/2023.

1-.jpg
Sáng 22/5, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Ảnh sưu tầm

Giữa hai đợt họp tập trung này là khoảng thời gian 8 ngày dành cho việc các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và hoàn thiện các dự thảo văn bản. Sau khi được hoàn thiện, các dự thảo văn bản sẽ được trình Quốc hội thông qua tại đợt họp tập trung thứ 2 của Kỳ họp.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp của nước ta một kỳ họp của Quốc hội được chính thức chia làm hai đợt họp tập trung như vậy. Chia một Kỳ họp của Quốc hội thành 2 đợt họp tập trung có thể chỉ là một đổi mới nhỏ, nhưng lại có ý nghĩa rất lớn về mặt quy trình công nghệ của hoạt động lập pháp. Dưới đây là lý do tại sao?

Trước hết, mỗi chính sách lập pháp đều có hai phần: Phần chính trị của chính sách và phần kỹ thuật của chính sách. Phần chính trị của chính sách liên quan đến việc xác lập ưu tiên của quốc gia; đến việc cân đối giữa được và mất khi chính sách được ban hành; đến uy tín và sự đánh giá của người dân đối với cơ quan ban hành chính sách. Đây là phần công việc hết sức khó khăn và phải do các chính khách (cụ thể là phải do các vị đại biểu Quốc hội) đảm nhiệm. Phần kỹ thuật của chính sách liên quan đến việc thiết kế các giải pháp sao cho: 1. Đạt được mục đích của chính sách; 2. Khả thi trên thực tế; 3. Tiết kiệm và hiệu quả về mặt chi phí...

Đây là phần công việc mang tính chất kỹ trị, chứ không phải chính trị. Phần công việc này phải do các chuyên gia đảm nhiệm, chứ không phải các chính khách đảm nhiệm. Đây là một sự phân công lao động bắt buộc phải có, nếu chúng ta muốn bảo đảm được chất lượng cho các dự luật, các nghị quyết của Quốc hội. Nếu chỉ dùng các phiên họp tập trung (hay còn được gọi là các phiên họp toàn thể) để quyết định mọi chính sách, chúng ta sẽ không đạt được một sự phân công lao động như vậy.

Thứ hai, phiên họp toàn thể của Quốc hội và phiên họp các ủy ban của Quốc hội là các công cụ khác nhau để giải quyết những vấn đề khác nhau: Phiên họp toàn thể là công cụ để giải quyết những vấn đề thuộc về chính trị của chính sách; Phiên họp các ủy ban là công cụ để giải quyết những vấn đề thuộc về kỹ thuật của chính sách. Lý do đơn giản là vì tại phiên họp toàn thể chỉ có các chính khách (các đại biểu) mới được tham gia. Tại phiên họp của các ủy ban, các chuyên gia được mời tham gia và được đóng góp ý kiến. Đó là chưa nói tới việc, các ủy ban thực chất đã là một sự chuyên môn hóa của Quốc hội. Việc dành ra 8 ngày để các ủy ban có thể kết hợp với cơ quan soạn thảo và các chuyên gia là hết sức quan trọng. Bởi vì, kỹ thuật của chính sách quan trọng không kém gì so với chính trị của chính sách. Một chính sách cho dù đúng đắn và tốt đẹp đến mấy về mặt chính trị, nhưng lại yếu kém về mặt kỹ thuật, thì chẳng bao giờ có thể đưa được vào cuộc sống thành công. Đó là chưa nói tới rủi ro của sự lãng phí và hiệu ứng ngược.

Cuối cùng, quốc hội đa số các nước trên thế giới đều hoạt động thường xuyên và mỗi kỳ họp quốc hội của họ thường kéo dài đến gần nửa năm. Tuy nhiên, không quốc hội nào bố trí thời gian cho các phiên họp toàn thể liền như Quốc hội nước ta. Thông thường, mỗi tuần quốc hội các nước chỉ có 2 phiên họp toàn thể. Mỗi phiên họp toàn thể chỉ kéo dài 1 vài tiếng. Thời gian còn lại, các vị đại biểu chủ yếu làm việc ở các ủy ban và tương tác với các chuyên gia và tham vấn công chúng để hoàn thiện các dự thảo văn bản. Khi và chỉ khi các dự thảo văn bản đã được bảo đảm chất lượng về mặt kỹ thuật, chúng mới được trình ra phiên họp toàn thể của quốc hội để thông qua.

Phải chăng việc chia Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội nước ta thành hai đợt họp tập trung và dành thời gian giữa hai đợt họp cho việc hoàn thiện các dự thảo văn bản là một bước tiến trên con đường chuyên nghiệp hóa của Quốc hội nước ta./.

Cùng chuyên mục
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Đổi mới nhỏ, ý nghĩa lớn