Theo đó, thanh niên là công dân Việt Nam từ đủ 16 tuổi đến 30 tuổi. Với 7 Chương, 41 Điều, Luật quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của thanh niên; chính sách của Nhà nước đối với thanh niên; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức thanh niên, tổ chức khác, cơ sở giáo dục, gia đình và cá nhân đối với thanh niên; quản lý nhà nước về thanh niên. Đồng thời, được áp dụng đối với thanh niên; cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình và cá nhân.
Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thanh niên (sửa đổi) - Ảnh: Quang Khánh |
Bên cạnh các quy định về nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền, nghĩa vụ của thanh niên và chính sách của Nhà nước đối với thanh niên thì Luật còn quy định tháng 3 hàng năm là Tháng Thanh niên. Tháng Thanh niên được tổ chức nhằm phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo của thanh niên để tham gia hoạt động vì lợi ích của cộng đồng, xã hội và vận động tổ chức, cá nhân đầu tư, phát triển thanh niên. Trong đó, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức hoạt động Tháng Thanh niên. Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp có trách nhiệm tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, nguồn lực để hỗ trợ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cùng cấp tổ chức hoạt động Tháng Thanh niên. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tạo điều kiện, hỗ trợ cho thanh niên tham gia hoạt động Tháng Thanh niên.
Để bảo đảm chất lượng và hiệu quả của hoạt động đối thoại với thanh niên, tránh việc tổ chức đối thoại một cách tràn lan, hình thức, gây lãng phí về thời gian và nguồn lực, Luật cũng đã quy định: “Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm đối thoại với thanh niên ít nhất mỗi năm một lần về các vấn đề liên quan đến thanh niên; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang có trách nhiệm đối thoại với thanh niên theo yêu cầu của tổ chức thanh niên quy định tại Luật này.”
Theo daibieunhandan.vn