Kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2021) - Xây dựng hệ thống cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công: Vấn đề cấp thiết

(BKTO) - Dù đã được đầu tư nhưng hiện nay, hệ thống cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công (NCC) còn thiếu, cơ sở vật chất nghèo nàn, chưa đạt mục tiêu đề ra. Trong khi đó, đa phần NCC trong cơ sở nuôi dưỡng đều là đối tượng có sức khỏe yếu. Chính vì vậy, việc đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở này là vấn đề cấp thiết.



                
   

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tặng quà thương binh 1/4 Nguyễn Tường Vĩnh
   tại Hà Nội - Ảnh: LÊ BẢO

   

Cơ sở điều dưỡng thiếu đồng bộ, xuống cấp

Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, hiện cả nước có 695.480 NCC được hưởng chế độ điều dưỡng hằng năm với hai hình thức: Điều dưỡng tập trung và điều dưỡng tại gia đình. Bộ phận NCC với cách mạng hưởng chế độ điều dưỡng hai năm một lần khoảng 750.000 người.

Hệ thống cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng NCC với cách mạng hiện có 67 trung tâm. Trong đó, 33 trung tâm thực hiện nhiệm vụ điều dưỡng NCC (chỉ chuyên về điều dưỡng luân phiên cho NCC), 15 trung tâm thực hiện nhiệm vụ nuôi dưỡng, điều dưỡng thương binh và NCC; 13 trung tâm thực hiện nhiệm vụ nuôi dưỡng, điều dưỡng NCC và bảo trợ xã hội; 6 trung tâm lớn thực hiện nhiệm vụ nuôi dưỡng NCC.

Những trung tâm này đã đáp ứng được phần nào nhu cầu chăm sóc và điều dưỡng cho NCC. Tuy nhiên, về lâu dài cũng như tổng thể, không ít các trung tâm chưa đáp ứng tiêu chuẩn trong việc chăm sóc và điều dưỡng đối với NCC.

Đánh giá về hệ thống cơ sở chăm sóc và điều dưỡng NCC hiện nay, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan cho biết, hiện hệ thống chăm sóc và điều dưỡng ở nhiều nơi, nhiều địa phương đều xuống cấp do được đầu tư từ lâu trong khi đó, kinh phí duy tu, bảo trì hạn chế. Đa số NCC tuổi cao, sức khỏe yếu, cộng với vết thương thực thể tái phát, ảnh hưởng chất độc hóa học nên việc phục vụ gặp rất nhiều khó khăn. Cán bộ, viên chức và người lao động trong các trung tâm có thu nhập thấp không bảo bảo đời sống gia đình...

Một trong những khó khăn trong việc chăm sóc và điều dưỡng hiện nay được các địa phương phản ánh là số lượng các trung tâm điều dưỡng NCC phân bố không đồng đều, dẫn đến mất cân đối giữa các vùng miền và khu vực. Điều này làm tăng chi ngân sách trong công tác phục vụ và chi trả cho các dịch vụ kèm theo, chưa nói đến việc do công tác quy hoạch chưa tốt nên có những trung tâm hiện nay mặc dù mới được thành lập, xây mới nhưng rất ít đối tượng đến điều dưỡng.

Ngoài ra, hầu hết các trung tâm đều đã xuống cấp, một số đơn vị được đặt tại các thành phố lớn và là trung tâm du lịch đã trở nên quá tải, số giường hiện có không đủ đáp ứng yêu cầu điều dưỡng NCC cho các tỉnh, thành.

Nhiều địa phương đưa đối tượng đi điều dưỡng nhưng phải ký hợp đồng với các công ty du lịch để bố trí cho đối tượng ở bên ngoài, dẫn đến việc không đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu đặt ra trong công tác điều dưỡng.

Đảm bảo người có công được chăm sóc toàn diện

Xuất phát từ thực trạng trên, hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng Đề án quy hoạch hệ thống cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng NCC với cách mạng thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, mục tiêu của việc lập quy hoạch này là nhằm hướng tới hình thành hệ thống cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng có đủ quy mô, năng lực, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; đảm bảo NCC được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc toàn diện cả về thể chất và tinh thần.

“NCC với cách mạng hiện đa số ở độ tuổi cao, sức khỏe yếu (người tham gia chống Pháp cũng đã trên 65 năm, tuổi đời trên 80 tuổ; tham gia chống Mỹ cũng trên 45 năm, tuổi đời gần 70 tuổi). Họ cần phải được hưởng chế độ điều dưỡng hằng năm với chất lượng dịch vụ ngày một tốt hơn, khoa học hơn. Chính vì vậy, quy hoạch, phát triển hệ thống cơ sở nuôi dưỡng NCC với cách mạng trong giai đoạn tới phải theo hướng nâng cao chất lượng chăm sóc, điều dưỡng, phục hồi sức khỏe cho thương binh và NCC, cũng như cụ thể hóa các quan điểm của Đảng và Nhà nước" - Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan chia sẻ.

Tại Hội thảo góp ý cho Đề án mới đây, ông Nguyễn Hữu Dũng - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Lao động và Xã hội cho rằng, làm tốt chính sách đối với NCC sẽ góp phần vào sự ổn định xã hội, giữ vững thể chế và góp phần từng bước nâng cao đời sống cho NCC với cách mạng và gia đình họ. Do đó, việc quy hoạch xây dựng Đề án là phù hợp và cần thiết bởi chính sách ưu đãi NCC đã được khẳng định trong các nghị quyết Đại hội Đảng. Do đó, việc quy hoạch hệ thống các cơ sở nuôi dưỡng NCC với cách mạng phải đáp ứng tối đa nhu cầu của các đối tượng, mức đạt chuẩn nhất định, theo hướng hiện đại; tập trung đảm bảo nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc; nâng cao vai trò quản lý nhà nước, chú ý đến mô hình quản lý theo hướng mở.
LÊ BẢO


Cùng chuyên mục
Kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2021) - Xây dựng hệ thống cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công: Vấn đề cấp thiết