Trong kỳ họp sắp tới, Quốc hội sẽ thông qua một đạo luật rất quan trọng, chỉ đứng sau Hiến pháp, đó là Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Sở dĩ đạo luật này có tầm quan trọng đặc biệt vì chất lượng của luật đó sẽ quyết định chất lượng của toàn bộ hệ thống pháp luật. Công luận đang rất quan tâm tới nội dung của luật này.
Theo số liệu của Bộ Tư pháp, trong 10 tháng đầu năm 2014 đã có 9.017 văn bản quy phạm pháp luật có biểu hiệu vi phạm tính hợp hiến, hợp pháp, thẩm quyền ban hành, nội dung văn bản…, chiếm tỷ lệ 22% trong tổng số văn bản quy phạm pháp luật được ban hành. Con số thống kê này luôn tạo một cảm giác bất an và làm cho nhiệm vụ sửa đổi luật này trở thành rất quan trọng trong đời sống xã hội.
Hiện nay, các luật quan trọng đều cứ khoảng 10 năm lại phải ban hành luật mới, cũng có luật chỉ vài ba năm lại phải sửa đổi. Cá biệt, có những điều luật vừa mới được thông qua chưa có hiệu lực đã phải sửa đổi. Thực trạng này cho thấy đang tồn tại một khoảng cách khá xa giữa luật pháp và đời sống. Để khắc phục được khoảng cách đó chính là nâng cao trách nhiệm trong việc xây dựng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) lần này.
Nguyên nhân của hiện tượng này có nhiều, nhưng có thể nhìn thấy rõ từ thực tế một số nguyên nhân chủ yếu sau.
Thứ nhất, xây dựng luật pháp luôn đòi hỏi một tầm nhìn dài hạn. Ở ta, nhiều chính sách đưa ra nhưng khi gặp nhiều luồng ý kiến khác nhau nên lại không quyết được mà đành để lại sẽ quyết trong giai đoạn tiếp theo. Thế là tồn tại một khoảng trống pháp luật trong mươi năm tiếp theo.
Thứ hai, kỹ thuật xây dựng luật pháp cũng là một yếu tố quan trọng liên quan tới tuổi thọ của luật. Kỹ thuật này phụ thuộc trí tuệ của một người được giao trách nhiệm chủ trì soạn thảo. Có những người thể hiện trách nhiệm bằng cách lắng nghe ý kiến từ nhiều phía của đời thực; nhưng cũng có những người thể hiện trách nhiệm bằng cách cố tình đưa một số sáng kiến hạn hẹp về học thuật của mình để tạo dấu ấn riêng trong hệ thống pháp luật. Những quy định “ngớ ngẩn” cũng vì lý do này mà có.
Thứ ba, muốn hay không thì quá trình vận động chính sách luôn diễn ra trên thực tế, vận động vì lợi ích của một vài nhóm nào đó trong xã hội do thay đổi chính sách mang lại. Vận động chính sách có mạnh, có yếu, có khi đạt hiệu quả, có khi không đạt hỉệu quả. Quá trình vận động chính sách khi người được vận động không “chắc tay” cũng dẫn đến những quy định phải sửa đổi trong tương lai gần.
Thứ tư, nguyên nhân đáng nói hơn cả là quá trình xây dựng pháp luật thường không bám sát được đời thực. Các hình ảnh “làm luật trong phòng có máy lạnh”, hay “pháp luật ở trên trời mà cuộc đời ở mặt đất” phản ánh điều này. Nhà nước cũng đã tổ chức lấy ý kiến của dân đối với một số dự luật quan trọng. Song vấn đề là nghe bằng cách nào và nghe như thế nào? Không ít trường hợp chủ trương thì rất đúng, nhưng thực hiện lại rất hình thức!
Để loại bỏ được các văn bản pháp luật có tuổi thọ thấp và xa rời thực tiễn, điều quan trọng nhất là phải thay đổi thể chế xây dựng luật pháp. Quá trình này phải tuân thủ những nhận thức khách quan, là việc của toàn xã hội chứ không phụ thuộc vào nhận thức chủ quan của bất cứ cá nhân nào. Tính khách quan trong xây dựng pháp luật chỉ có thể có được bằng cách tạo điều kiện thực sự để mọi người dân tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật trên cơ sở minh bạch thông tin và gắn với trách nhiệm giải trình của các cán bộ quản lý. Sự tham gia của xã hội cần được thể hiện đầy đủ ở cả công đoạn hoạch định chính sách, xây dựng văn bản luật pháp, đánh giá tác động, thẩm định dự thảo và giám sát trong quá trình thực thi sau khi được phê duyệt. Đây chính là những điều quy định cần quan tâm nhất trong sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.