Làm rõ sự cần thiết khi Nhà nước thu hồi đất

(BKTO) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, ngày 14/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Qua thảo luận, đại biểu Quốc hội đề nghị cần quy định cụ thể những tiêu chí để xác định thế nào là “thật cần thiết” khi Nhà nước thu hồi đất.

Tạo sự thống nhất, tránh lạm dụng thu hồi đất

Góp ý vào Dự thảo Luật, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn Nam Định) nêu rõ, Điều 54 của Hiến pháp năm 2013 quy định: Nhà nước được quyền thu hồi đất nhưng phải bảo đảm đầy đủ 3 điều kiện: thứ nhất là thuộc trường hợp thật cần thiết; thứ hai là do luật định; thứ ba là vì mục đích quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

1c1995a3fb5f3d01644e.jpg
Đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

Tuy nhiên, đại biểu chỉ rõ, Luật Đất đai hiện hành không có quy định thế nào là trường hợp “thật cần thiết”. Thực tế thời gian qua, khi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền lập dự án thu hồi đất đã tự quy định và thuyết minh về sự cần thiết cho từng dự án. Như vậy, sẽ tạo ra sự không thống nhất, dễ thực hiện theo ý muốn chủ quan và có trường hợp dễ tạo ra sự lạm dụng để thu hồi đất tràn lan.

“Hệ quả là thời gian vừa qua, nhiều dự án sau khi được Nhà nước phê duyệt thì 10 năm sau vẫn chưa triển khai hoặc triển khai dở dang hoặc có dự án sau một thời gian triển khai thì thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất, không giữ được mục đích sử dụng đất ban đầu khi lập dự án. Như vậy, yếu tố “thật cần thiết” đã không được quan tâm và không thực hiện đúng ở những dự án này” - đại biểu nêu thực tế.

Để tránh những trường hợp tùy tiện, không thống nhất và dễ bị lạm dụng, đại biểu đề nghị cần quy định ngay trong Luật Đất đai (sửa đổi) lần này những tiêu chí cụ thể để xác định thế nào là “thật cần thiết” và theo đúng yêu cầu của Điều 54 Hiến pháp năm 2013. “Nếu Luật Đất đai (sửa đổi) lần này mà không làm được việc này thì coi như chưa thực hiện đúng quy định của Hiến pháp” - đại biểu nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, đại biểu Trần Nhật Minh (Đoàn Nghệ An) cho rằng, hạn chế của Luật Đất đai năm 2013 là chưa làm rõ được thế nào là dự án phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng; chỉ liệt kê các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì mục đích quốc gia, công cộng mà chưa quy định được các điều kiện, tiêu chí cụ thể việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng. Trong đó chưa quy định rõ các tiêu chí để phân định các trường hợp thu hồi đất đơn thuần để phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đại biểu, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này đã khắc phục được tồn tại nêu trên nhưng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ định hướng của Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Các quy định tại Điều 86 của Dự thảo Luật so với Điều 62 Luật Đất đai, phạm vi thu hồi đất được mở rộng hơn, song chưa rõ ràng, tách biệt về mục đích khi Nhà nước thu hồi đất, dễ bị áp dụng chủ quan, tùy nghi. Đặc biệt, Dự thảo Luật chưa làm nổi bật được tiêu chí trường hợp thật cần thiết như Hiến pháp năm 2013 đã quy định.

Đại biểu đề nghị làm rõ hơn các điều kiện, tiêu chí đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng để tách biệt với các dự án phát triển kinh tế có lợi ích thuần túy của chủ đầu tư, nhằm tránh sự áp đặt chủ quan, máy móc, tràn lan khi Nhà nước thu hồi đất, dẫn đến sự không đồng thuận của người có đất bị thu hồi; đồng thời từ đó áp dụng cơ chế thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phù hợp.

Cân nhắc cơ chế thỏa thuận trong thu hồi đất

Quan tâm đến vấn đề thu hồi đất cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, cộng đồng, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Đoàn Bắc Giang) cho rằng, cần hết sức hạn chế cơ chế thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện các dự án có sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

db3de410b7ee71b028ff.jpg
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

Theo đại biểu, thực tiễn cho thấy, việc duy trì cơ chế thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp đã tạo ra sự mất công bằng giữa những người có đất nông nghiệp mà Nhà nước thu hồi với người được thỏa thuận giữa những người có đất trong cùng một dự án thỏa thuận.

Cơ chế này cũng khiến cho các dự án thuộc diện thỏa thuận không có thời hạn hoàn thành giải phóng mặt bằng, khiến nhiều dự án dở dang, bỏ đất hoang hóa, ảnh hưởng rất xấu để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của đất nước. Cơ chế thỏa thuận đã tạo ra những điều vô lý, mất công bằng xã hội.

Để giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong giải phóng mặt bằng các dự án thỏa thuận theo Luật Đất đai năm 2013, đại biểu đề nghị bổ sung thêm trường hợp Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp đối với các dự án thuộc diện thỏa thuận mà đã đạt 80% về diện tích. Sau khi Nhà nước thu hồi thì cần rà soát nâng mức bồi thường, hỗ trợ cho người dân cho phù hợp; đồng thời thực hiện triệt để việc giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá công khai, minh bạch.

Đại biểu Phan Thái Bình (Đoàn Quảng Nam) cũng đề nghị cần xem xét thấu đáo việc thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra cần đánh giá tác động kỹ hơn, lấy ý kiến rộng rãi hơn và tổng kết từ thực tiễn.

Theo đại biểu, thực tiễn vừa qua phát sinh nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo xung quanh lĩnh vực đất đai. Bởi cùng một khu vực, nếu Nhà nước thu hồi đất đền bù cho người dân để phục vụ các lợi ích quốc gia, công cộng, quốc phòng, an ninh thì đền bù theo giá nhà nước. Nhưng cũng ở khu vực đấy, nếu doanh nghiệp thỏa thuận thì thường giá cao hơn giá của Nhà nước, dẫn đến phát sinh so bì và khiếu nại.

“Phải thống nhất một mức giá theo quy định của Nhà nước để đảm bảo sự công bằng, minh bạch, khách quan. Đồng thời, cần quan tâm đến cơ chế và kiểm soát thỏa thuận này thế nào, thỏa thuận đến giới hạn nào và ai kiểm soát việc thỏa thuận này? Vai trò quản lý nhà nước ở chỗ này như thế nào? Tôi đề nghị cần phải làm thật rõ và đánh giá thật kỹ” - đại biểu phát biểu.

Cùng chuyên mục
Làm rõ sự cần thiết khi Nhà nước thu hồi đất