Làm thế nào để gỡ vướng cho quá trình giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản?

(BKTO) - Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) năm 2018 đạt rất thấp so với kế hoạch vốn được Chính phủ giao. Đến ngày 15/12/2018, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư XDCB mới đạt 65,4% so với kế hoạch. Bộ Tài chính đã đề xuất một số giải pháp, như: cần sửa đổi các vướng mắc về cơ chế, chính sách, đồng thời tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, khẩn trương thanh toán khối lượng đã hoàn thành… để giải ngân vốn đúng kế hoạch.




Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư XDCB năm 2018 đạt rất thấp so với kế hoạch - Ảnh tư liệu

Tỷ lệ giải ngân thấp:vướng từ cơ chế đến thực hiện

Tại Hội thảo khoa học “Tăng cường công tác thanh toán vốn đầu tư công trong bối cảnh triển khai pháp luật về đầu tư công” do Bộ Tài chính tổ chức vào cuối năm 2018, ông Lê Tuấn Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư - cho biết: Hằng năm, các cấp, các ngành luôn đặt ra mục tiêu đảm bảo giải ngân hết kế hoạch, song thực tế triển khai luôn có sự chênh lệch nhất định. Bộ Tài chính với vai trò là cơ quan quản lý việc thanh toán vốn đầu tư đã luôn chủ động tổng hợp, nắm bắt tình hình, bám sát tiến độ giải ngân vốn đầu tư các dự án, tích cực tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị những giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Đến ngày 15/12/2018, lũy kế vốn XDCB giải ngân thuộc kế hoạch năm 2018 là 198.334,4 tỷ đồng, đạt 65,4% kế hoạch Chính phủ giao; vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) giải ngân là 13.810,4 tỷ đồng, đạt 31,5% kế hoạch. Dự kiến, đến ngày 31/01/2019, lũy kế số vốn XDCB giải ngân thuộc kế hoạch năm 2018 sẽ là 255.577,3 tỷ đồng, đạt 84,2% kế hoạch; vốn TPCP giải ngân sẽ là 21.522,2 tỷ đồng, đạt 49,1% kế hoạch.

Với kết quả trên, Bộ Tài chính nhận định: tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư XDCB năm 2018 đạt rất thấp so với kế hoạch vốn được Chính phủ giao bởi có nhiều vướng mắc tác động đến công tác kiểm soát, thanh toán vốn. Cụ thể là: Việc các ban quản lý dự án chuyên ngành, khu vực vẫn tiếp tục rà soát, bàn giao, củng cố, hoàn thiện bộ máy theo Nghị định số 59/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng gặp một số vướng mắc như: tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng thường bị kéo dài, giá đền bù của Nhà nước còn thấp so với giá thị trường nên không được người dân chấp thuận... cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án cũng như tiến độ giải ngân vốn; Bên cạnh đó, quy định: “thời gian giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm được kéo dài sang năm sau” tại Luật Đầu tư công 2014 đã gây ra tâm lý ỷ lại, tâm lý “để dành” việc. Đến cuối năm, các Bộ, ngành và địa phương mới đôn đốc thực hiện kế hoạch, khi không thực hiện hết kế hoạch thì sẽ chuyển sang năm sau để tiếp tục thực hiện.

Hơn nữa, từ năm 2016 đến nay, các dự án thực hiện bằng nguồn vốn nước ngoài chỉ được kiểm soát, xác nhận và giải ngân trong phạm vi kế hoạch vốn được cấp có thẩm quyền giao, không được kiểm soát, xác nhận và giải ngân vượt kế hoạch vốn được cấp có thẩm quyền giao như trước năm 2016. Ngoài ra, năm 2018, một số dự án ODA đã được bố trí kế hoạch vốn, nhưng hết thời hạn giải ngân vốn theo thỏa thuận/hiệp định hoặc quyết định của cấp có thẩm quyền, do đó, chủ đầu tư phải làm thủ tục gia hạn giải ngân theo quy định, điều này cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án cũng như tiến độ giải ngân nguồn vốn ODA.

Cần tạo hành lang pháp lý thông thoáng và đẩy nhanh tiến độ thi công

Từ thực trạng trên, Bộ Tài chính đã kiến nghị một số giải pháp nhằm thúc đẩy việc giải ngân vốn đầu tư XDCB:
Thứ nhất, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung sửa đổi các vướng mắc về cơ chế, chính sách quy định tại Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai cũng như các văn bản hướng dẫn để tháo gỡ kịp thời các rào cản, khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi để các dự án triển khai đúng tiến độ với chất lượng cao. Tiếp tục hài hòa quy trình, thủ tục với các nhà tài trợ, đặc biệt trong công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư, đấu thầu, quản lý tài chính, kiểm toán.... qua đó, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, đồng thời, đơn giản hóa quy trình, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

Thứ hai, đẩy nhanh công tác sắp xếp, kiện toàn bộ máy ban quản lý dự án chuyên ngành, khu vực theo Nghị định số 59/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng, nâng cao năng lực của các ban quản lý dự án chuyên ngành, khu vực, đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án.

Thứ ba, chỉ đạo các chủ dự án, các Bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân đối với dự án ODA, đồng thời đánh giá điều chỉnh kế hoạch vốn cho phù hợp với tiến độ thực hiện, thúc đẩy giải ngân nhanh các dự án này.

Thứ tư, đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 70/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công cũng như các nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ, phấn đấu giải ngân 100% dự toán chi đầu tư phát triển được giao. Chỉ đạo các chủ đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, khẩn trương thanh toán khối lượng đã hoàn thành tại Kho bạc Nhà nước theo quy định. Đối với các dự án đang trong giai đoạn quyết toán, cần đẩy nhanh tiến độ quyết toán các dự án hoàn thành. Đồng thời, rà soát tiến độ thực hiện các dự án, thực hiện điều chỉnh kế hoạch vốn theo thẩm quyền đối với dự án nhằm đẩy mạnh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn năm 2018. Đối với các dự án trọng điểm quốc gia, các Bộ, ngành, địa phương cần rà soát tiến độ thực hiện các dự án báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để điều chỉnh kế hoạch vốn từ công trình dự án chậm thực hiện sang các dự án có tiến độ giải ngân nhanh còn thiếu kế hoạch vốn.

Theo TS. Vũ Đình Ánh, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế, cơ quan quản lý cần thực hiện nhiều giải pháp mạnh và hiệu quả, trong đó cần tăng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công. Điều quan trọng là phải ưu tiên mục tiêu đảm bảo nâng cao hiệu quả đầu tư, gắn lộ trình giải ngân vốn đầu tư công với việc kiểm soát lạm phát. Bên cạnh đó, cần tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân thông qua việc kiên quyết loại bỏ các dự án chưa chuẩn bị đầy đủ thủ tục, kém hiệu quả, để tập trung cho các dự án có hiệu quả cao, tiếp tục cải cách thủ tục quản lý đầu tư và giải ngân vốn đầu tư công, giảm thiểu thủ tục rườm rà, phức tạp, hoàn thiện cơ chế quản lý đi đôi với việc củng cố kỷ luật chi nhằm giảm thiểu thất thoát và lãng phí vốn đầu tư. Chỉ có như vậy, hoạt động đầu tư công mới góp phần thiết thực vào quá trình ổn định vĩ mô và tăng trưởng kinh tế.
         
Ngay từ tháng 01/2019, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu đã giao nhiệm vụ cho Vụ Đầu tư và các đơn vị có liên quan của Bộ Tài chính, kiên quyết không để việc giải ngân vốn đầu tư công chậm do nguyên nhân từ ngành tài chính. Năm nay, Bộ sẽ chủ động thực hiện nghiêm việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công theo từng tháng và kiến nghị các giải pháp thúc đẩy giải ngân ngay từ những tháng đầu năm để góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
THÙY ANH
Theo Báo Kiểm toán số 08 ra ngày 21-02-2019
Cùng chuyên mục
Làm thế nào để gỡ vướng cho quá trình giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản?