Làm thế nào để tận dụng cơ hội khi tham gia Hiệp định CPTPP?

(BKTO) - Thảo luận về việc xem xét, phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và các văn kiện liên quan, các đại biểu Quốc hội bày tỏ nhất trí cao với Tờ trình của Chủ tịch nước. Tuy nhiên, làm thế nào để Việt Nam tận dụng được tối đa các cơ hội khi tham gia Hiệp định này là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, bàn thảo với những kiến nghị tâm huyết.



Cải cách thể chế,tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch

Trong rất nhiều cơ hội mà việc tham gia Hiệp định CPTPP có thể mang lại cho Việt Nam, đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) bày tỏ kỳ vọng nhiều vào cơ hội hoàn thiện thể chế từ Hiệp định này. Bởi các cam kết tiêu chuẩn cao của nền thương mại hiện đại là động lực và áp lực đẩy nhanh tiến trình cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy cạnh tranh. Đại biểu đề xuất, cùng với việc phê chuẩn tham gia Hiệp định, Chính phủ cần xây dựng và triển khai chương trình hành động bảo đảm thực thi Hiệp định có hiệu quả. “Nỗ lực xuyên suốt quyết định thành bại của công cuộc hội nhập đỉnh cao này chính là những nỗ lực đẩy nhanh cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh để vươn tới những chuẩn mực hàng đầu của một nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập” - đại biểu Lộc bày tỏ.

Đại biểu Quốc hội Lê Thu Hà (Lào Cai) cũng nhìn nhận, vấn đề vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn nhất đối với Việt Nam là cải cách thể chế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng và minh bạch. Theo đại biểu, đây mới chính là lợi ích lâu dài khi Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP. Chúng ta cần cải cách sâu rộng hơn nữa để cải thiện căn bản môi trường kinh doanh và đáp ứng với những yêu cầu của cam kết và hội nhập quốc tế.

Đại biểu Hà cũng cho rằng, bên cạnh những ưu đãi “vàng” mà CPTPP mang lại thì thách thức của nền kinh tế Việt Nam nằm ở năng lực cạnh tranh. Việc nâng cao năng lực cạnh tranh đòi hỏi phải có đội ngũ nhân lực dồi dào cùng sự đào tạo tương xứng. Nếu không quyết liệt đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và tăng cường năng lực khoa học công nghệ thì chúng ta sẽ bỏ lỡ thời cơ của Hiệp định CPTPP, đồng thời chịu những tác động không thuận của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Mặt khác, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, xuất khẩu và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của nước ta đang được coi là lợi thế sẽ chịu tác động lớn. “Nếu dựa trên xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài thì chúng ta đang xây nhà trên móng của người khác” - đại biểu Hà bày tỏ băn khoăn đồng thời đề nghị cần phải rà soát lại tổng thể chính sách công nghiệp, thương mại và đầu tư để tìm phương thức tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa phù hợp với Việt Nam trong bối cảnh mới, nhằm khơi dậy, giải phóng sức sáng tạo, năng lực nội sinh, các nguồn lực và thị trường trong nước; thu hút FDI có chọn lọc. Với thương mại, bên cạnh việc thực thi nghiêm túc các cam kết mở cửa thị trường, cần hết sức coi trọng sử dụng các công cụ, biện pháp phòng vệ phù hợp với quy định thông lệ quốc tế để bảo vệ và phát triển sản xuất cũng như thị trường trong nước.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội), tham gia CPTPP, chúng ta có lợi thế hơn các nước không phải chỉ ở mức các dòng thuế cắt chậm mà chúng ta có thời gian dài hơn để thực hiện quá trình chuyển đổi, cắt giảm dòng thuế cũng như thực hiện cam kết. Tuy nhiên, thách thức lớn đặt ra là Việt Nam phải có lộ trình chủ động nguyên liệu trong nước hoặc nhanh chóng chuyển từ nhập nguyên liệu từ các quốc gia khác sang nhập nguyên liệu từ các nước tham gia Hiệp định CPTPP để đủ điều kiện quy tắc xuất xứ. Đây là thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội tốt để Việt Nam thu hút các nhà đầu tư để sản xuất nguyên liệu tạo ra các chuỗi giá trị trong sản xuất trong nước.

Doanh nghiệp là lực lượng xung kích trong “cuộc chơi” CPTPP

Để tận dụng cơ hội và lợi thế khi tham gia CPTPP, nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh vai trò trụ cột của lực lượng DN. Theo đại biểu Lê Thu Hà, tham gia Hiệp định CPTPP không phải chỉ là “cuộc chơi” của Chính phủ hay các nhà hoạch định chính sách mà lực lượng xung kích chính là đội ngũ DN. Theo đó, DN cần phải thay đổi tư duy trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. DN cần chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại, thông qua việc xây dựng và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh nhằm thúc đẩy dòng chảy của hàng hóa vào các thị trường đối tác tiềm năng; chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam…

Đồng quan điểm cho rằng DN là chủ thể thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA), đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (Trà Vinh) phân tích, tham gia Hiệp định CPTPP, Việt Nam sẽ phải mở cửa cho hàng hóa, dịch vụ của nước đối tác tại thị trường trong nước, đồng nghĩa với việc DN phải cạnh tranh gay gắt hơn ngay tại sân nhà. Điều này sẽ gây không ít áp lực cho hàng hóa Việt Nam trong việc cạnh tranh với các quốc gia khác, ngay tại thị trường trong nước. Hơn nữa, khả năng thích nghi của các DN Việt với kinh tế thị trường còn kém nên DN có nguy cơ thất bại trên chính thị trường nội địa.

Vì vậy, để tận dụng những cơ hội cũng như hạn chế những thách thức mà Hiệp định CPTPP mang lại, DN cần chủ động tìm hiểu thông tin về Hiệp định CPTPP để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác, đặc biệt là thông tin về ưu đãi thuế quan theo hiệp định đối với những mặt hàng nước ta đang có thế mạnh, có tiềm năng xuất khẩu; quan tâm việc đăng ký sở hữu trí tuệ, có chỉ dẫn địa lý để được bảo hộ ở các quốc gia tham gia CPTPP. “Hiệp định CPTPP chắc chắn sẽ mang lại cơ hội cho những DN chủ động xây dựng, điều chỉnh chiến lược kinh doanh trung và dài hạn, chú trọng đầu tư nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao trình độ nhân lực quản trị DN, tận dụng tối đa hỗ trợ của Nhà nước” - đại biểu Thạch Phước Bình nói.

Đ. KHOA
Theo Báo Kiểm toán số 45 ra ngày 08-11-2018
Cùng chuyên mục
  • Tạo động lực mới cho loại hình kinh tế tập thể
    6 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Ngày 6/11, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ- Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo bàn, thống nhất kế hoạch tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW Hội nghị Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.
  • Tiềm năng lớn của thị trường bán lẻ Việt Nam
    6 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Căn cứ vào 3 tiêu chí chính (Năng lực tài chính; Uy tín truyền thông; Khảo sát người tiêu dùng, DN), Vietnam Report vừa công bố Bảng xếp hạng Top 10 DN ngành bán lẻ uy tín năm 2018 theo 2 danh sách. Top 10 DN uy tín nhóm hàng tiêu dùng nhanh, siêu thị gồm: Vin Commerce, Big C, Saigon Coop, Aeon, Sasco, Lotte, Satra, Hapro, Lan Chi, Nasco. Còn Top 10 DN uy tín nhóm hàng lâu bền, điện máy, điện lạnh, vàng bạc có các tên tuổi: Thế giới di động, PNJ, FPT Retail, Doji, Media Mart, Chợ Lớn, HC, Fahasa, Pico.
  • EI Nino gây tổn thất lớn đối với nền nông nghiệp
    6 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Theo nhận định của các chuyên gia, Việt Nam là nước đã và đang chịu nhiều tác động bất lợi về thời tiết do hiện tượng El Nino gây ra. Nếu không sẵn sàng các kế hoạch ứng phó, El Nino sẽ là một cú sốc ảnh hưởng tới nông nghiệp - lĩnh vực kinh tế quan trọng, chiếm hơn một nửa GDP và chiếm 2/5 lực lượng lao động của Việt Nam.
  • Xây dựng kinh tế biển xanh để phát triển bền vững
    6 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Trong xu thế mở cửa, đẩy mạnh khai thác các tiềm năng lợi thế của biển, Ban Chấp hành T.Ư Đảng (khóa X) đã ban hành Nghị quyết về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, trong đó đưa ra những tư duy vượt trội về phát triển kinh tế biển xanh. Mục tiêu đặt ra là Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia giàu, mạnh từ biển nhưng vẫn đảm bảo “sức khỏe” và sự bền vững của hệ sinh thái biển.
  • PVN phản hồi về hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nhựa PP của BSR
    6 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Trước thông tin Công ty cổ phần nhựa Opec- đối tác của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR)- đưa ra gần đây cho rằng để thực hiện việc hợp tác giữa Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTEX) với Tổ hợp APH gồm Tập đoàn An Phát Holdings, Công ty Fortrec Chemical của Singapore và Công ty Reliance Pte Ltd. của Ấn Độ, BSR sẽ thực hiện cắt giảm 35% khối lượng sản phẩm nhựa PP theo hợp đồng đã ký với khách hàng để cung cấp cho An Phát Holdings theo “mệnh lệnh hành chính” (của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN), đại diện lãnh đạo PVN khẳng định điều này không đúng bản chất.
Làm thế nào để tận dụng cơ hội khi tham gia Hiệp định CPTPP?