(BKTO) - Những mớ rau nghĩa tình, suất cơm nhân ái… đó là cách gọi mà những người dân nghèo, người lao động dành cho những hành động bình dị, vì cộng đồng mà nhiều cá nhân, tổ chức thiện nguyện đang thực hiện, như một sự tri ân, trân trọng đầy xúc động.



                
   

Những suất rau nghĩa tình, trao đi bao yêu thương. Ảnh: N.LỘC

   

Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, khiến cho đời sống của nhiều người dân, đặc biệt là những người lao động nghèo tại Thủ đô vốn khó nay lại càng thêm khó. Với mong muốn san sẻ tình yêu thương và lan tỏa điều tốt đẹp trong cuộc sống, nhiều cá nhân, tổ chức thiện nguyện đã có những việc làm ý nghĩa, thiết thực để hỗ trợ giúp những hoàn cảnh khó khăn.

Từ những mớ rau “ai cần xin cứ nhận”…

Tấm bảng nhỏ ghi mấy chữ ngắn gọn đặt trước cửa một khách sạn sang trọng trên phố Trần Quốc Vượng (quận Cầu Giấy) là địa chỉ lui tới quen thuộc của sinh viên nghèo, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, trong những ngày Hà Nội siết giãn cách xã hội để chống dịch.
                
   

Những việc làm hỗ trợ dù nhỏ, nhưng mang ý nghĩa lớn. Ảnh: N.LỘC

   

Cầm trên tay 2 mớ rau mùng tơi tươi xanh, chị Nguyễn Thị H., (quê Nam Định) cho biết, chị rất vui bởi ngoài chuyện bữa ăn có thêm chút đồ, thì niềm xúc động khi được đón nhận tình yêu thương giữa lúc dịch bệnh khó khăn lại nhân lên gấp nhiều lần. Được biết, hoàn cảnh của chị H., vốn khá khó khăn nay lại càng thêm khó, khi vì dịch bệnh, chị không thể làm việc để có tiền gửi về quê lo cho hai con nhỏ đang tuổi ăn học. Chị bảo, kể từ ngày dịch bệnh bùng phát, chị vẫn cố chờ cơ hội lao động và có thêm thu nhập. Nhưng nay, dịch bệnh càng phức tạp, thu nhập không có, chị lại bị kẹt trong vùng dịch, không thể trở về quê hương. “Số tiền làm việc tích được phải trang trải trong những ngày qua, nay cũng gần hết, tôi lo lắm” – chị H. chia sẻ

May sao, nhờ hỗ trợ của chính quyền địa phương, chị cũng gắng gượng được qua ngày. Càng đáng quý hơn, chị cũng nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng, của những người có lòng hảo tâm trên địa bàn. “Từng mớ rau lúc này cũng rất quý với chúng tôi, nhất là trong lúc dịch bệnh, đi lại gặp nhiều khó khăn như hiện nay” – chị bảo.

Chị H. là một trong số hàng chục gương mặt quen thuộc thường xuyên xuất hiện tại điểm cung cấp rau miễn phí này. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, người khởi xướng và thực hiện ý tưởng này là cô Nguyễn Thị Hải Ngư (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy). Cũng giống như nhiều người khác, xuất phát từ mong muốn chia sẻ với những người có hoàn cảnh kém may mắn, cô Nguyễn Thị Hải Ngư đã có nhiều hành động thiện nguyện bình dị mà cao quý.
                
   

Cô Nguyễn Thị Hải Ngư (bên phải ảnh) chia sẻ, dù không khá giả, nhưng vẫn tranh thủ mọi nguồn lực để giúp đỡ người gặp khó khăn. Ảnh: N.LỘC

   

Ngay từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, cô Ngư và mọi người trong nhóm từ tâm của mình đã gửi hàng đến các tỉnh miền Nam - nơi chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Đến khi TP. Hà Nội bùng phát dịch, với mong muốn cùng chung tay với chính quyền địa phương giữ bình yên “vùng xanh”, thực hiện chủ trương “ai ở đâu, ở đó” để ngăn ngừa lây lan dịch bệnh, cô đã tổ chức một số điểm cung cấp rau củ quả miễn phí cho người dân có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi ngày, nhóm đã gửi đến người dân hơn 1 tấn rau, củ quả. Cô bảo, toàn bộ số rau này được một số sư thầy nhà chùa và các nhà hảo tâm, những người bạn của cô ở ngoại thành chuyển về để phân phát cho người dân.

…Đến những suất “cơm nhân ái”, suất chè nặng nghĩa tình

Với những người dân có hoàn cảnh khó khăn, lao động nghèo tại Thủ đô, địa chỉ 14B Báo Khánh và số 10 Phạm Ngũ Lão (quận Hoàn Kiếm) không xa lạ cảnh bà con xếp hàng nhận gạo và thực phẩm của nhóm từ thiện “Cơm nhân ái”. Xuất phát từ tình thương và mong muốn lan tỏa điều tốt đẹp trong cuộc sống, nhóm từ thiện đã hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người lao động nghèo xa quê suốt nhiều năm qua. Những việc làm đầy ý nghĩa của nhóm càng nhân lên giá trị trong những ngày dịch bệnh diễn biến phức tạp, khi đời sống của người nghèo đã khó, nay lại càng khó thêm.

Được biết, trưởng nhóm từ thiện là chị Nguyễn Thị Cát Lệ, làm nghề kinh doanh hàng ăn. Điểm khác biệt của nhóm từ thiện này, đó là các thành viên trong nhóm đều không ai khá giả. Tuy nhiên, như chị Lệ vẫn tự động viên mình và các thành viên trong nhóm, đó là “mình khó, nhưng còn nhiều hoàn cảnh éo le, khó khăn hơn mình. Họ cần được giúp đỡ để đảm bảo sự sống”. Suy nghĩ ấy chính là nguồn động lực tinh thần để chị cũng các thành viên duy trì hoạt động của nhóm trong suốt nhiều năm nay.

Đặc biệt, trong hoàn cảnh dịch bệnh càng khó khăn, chị và nhóm của mình, với tấm lòng sẻ chia, mong muốn lan tỏa những điều tốt đẹp hơn đến những hoàn cảnh éo le, như những dòng chữ đơn giản mà chất chứa bao yêu thương lắng đọng theo sát hành trình của nhóm thiện nguyện: “Nếu khó khăn trong mùa dịch xin tặng bạn một phần quà. Nếu bạn khá bình ổn trong cuộc sống xin hãy nhường lại cho người kém may mắn hơn”.

“Dịch bệnh có thể kéo dài, muốn duy trì hoạt động này lâu hơn thì cần huy động nhiều người. Chúng tôi quan niệm là có bao nhiêu sẽ giúp bấy nhiêu” - chị Lệ chia sẻ.

Không hô hào, tổ chức kêu gọi từ thiện, mà bằng khả năng của mình với quan điểm ai có gì góp nấy, Câu lạc bộ Thiện Từ Tâm ở xã Yên Viên, huyện Gia Lâm đã thực hiện hành trình thiện nguyện một cách thầm lặng từ nhiều năm nay. Trong thời gian ấy, hoạt động của nhóm đã in dấu trên nhiều vùng miền của Tổ quốc để gửi yêu thương, chia sẻ đến với những hoàn cảnh khó khăn. Xuất phát từ quan điểm đó, nên sự sẻ chia của nhóm đến với người dân có hoàn cảnh khó khăn cũng rất đa dạng, khi thì là những chuyến xe chở đầy sách cho học trò nghèo vùng khó khăn, lúc khác là những chuyến đồ đông mang hơi ấm đến cho trẻ em vùng cao…; hoặc đơn giản, đó là những buổi nấu ăn tập trung tại những bản làng cho trẻ nghèo.
                
   

Các thành viênCâu lạc bộ Thiện Từ Tâm nấu chè để hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn, các khu vực cách ly. Ảnh: Câu lạc bộ cung cấp

   

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều hoàn cảnh khó khăn chật vật để xoay sở với cuộc sống, lực lượng tuyến đầu chống dịch cũng vô cùng vất vả. Thấu hiểu được điều đó, những ngày này, Câu lạc bộ luôn tất bật với công tác thiện nguyện giúp những người ở tuyến đầu chống dịch và người dân khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại Hà Nội cũng như ở vùng dịch Bắc Giang trước đó với nhiều hành động thiết thực như: tặng khẩu trang y tế, nước sát khuẩn...

Đặc biệt, từ đợt dịch thứ 4 bùng phát đến nay, trung bình mỗi ngày nhóm nấu hàng trăm cốc chè gửi đến các khu cách ly. Những chuyến hàng chở đầy tình nghĩa, vừa động viên những người ở tuyến đầu chống dịch và những nơi phong tỏa, cách ly đã góp phần chia sẻ bớt những khó khăn, đồng thời động viên tinh thần các lực lượng tuyến đầu và người dân vùng dịch thêm vững tâm chiến đấu, chiến thắng dịch bệnh.

Dịch bệnh đang diễn biến phức tạp khó lường và còn ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của mọi tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, ở bất cứ hoàn cảnh nào tinh thần chia sẻ, yêu thương đồng bào trong xã hội vẫn luôn thường trực và lan tỏa để kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, như tinh thần được Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ nhắn nhủ: "Không để ai bị bỏ lại phía sau".
NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
  • Ngày 09/9, Việt Nam ghi nhận 12.420 ca nhiễm mới, 12.523 ca được công bố khỏi bệnh
    2 năm trước Đối nội
    (BKTO) – Bộ Y tế cho biết, tính từ 17h ngày 08/9 đến 17h ngày 09/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 12.420 ca nhiễm mới, trong đó 21 ca nhập cảnh và 12.399 ca ghi nhận trong nước; đồng thời có 12.523 ca được công bố khỏi bệnh và được ra viện.
  • Đẩy mạnh công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong 4 tháng cuối năm
    2 năm trước Đối nội
    (BKTO)- Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, số người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) giảm mạnh, việc hoàn thành chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia năm 2021 là một thách thức đặt ra đòi hỏi ngành BHXH Việt Nam phải nỗ lực bằng nhiều giải pháp đồng bộ, đột phá trong những tháng cuối năm.
  • Tháng 8: Việt Nam nhận hơn 16 triệu liều vắc xin phòng Covid-19
    2 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Trong tháng 8, số lượng vắc xin phòng Covid-19 mà Việt Nam đã nhận được là hơn 16 triệu liều, nâng tổng số vắc xin phòng Covid-19 đến nay ta đã nhận được lên khoảng 33 triệu liều.
  • Infographic - Tình hình kinh tế  - xã hội 8 tháng năm 2021
    2 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Trong 8 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,6%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,79%; vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 244,9 nghìn tỷ đồng, bằng 51,1% kế hoạch năm và giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước; tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/8/2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 19,12 tỷ USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước.
  • Thêm 12.680 ca nhiễm Covid-19 mới, 13.937 ca khỏi bệnh trong 24 giờ qua
    2 năm trước Đối nội
    (BKTO) – Tối 08/9, Bộ Y tế cho biết, tính từ 17h ngày 07/9 đến 17h ngày 08/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 12.680 ca nhiễm mới, trong đó 17 ca nhập cảnh và 12.663 ca ghi nhận trong nước. Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua là 12.862 ca.
Lan tỏa những điều tốt đẹp