Lao động xuất khẩu bỏ trốn: Cần chế tài đủ mạnh!

(BKTO) - Một trong những vấn đề nhức nhối nhiều năm liền của công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài là tình trạng lao động hết hạn hợp đồng không về nước, cư trú bất hợp pháp.



                
   

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

   

Nỗi nhức nhối của nhiều địa phương

Đề cập đến thực trạng lao động bỏ trốn bất hợp pháp khi đi làm việc ở nước ngoài, ông Lê Thanh Tùng - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh Thanh Hóa - cho biết: Địa phương đang phải đối mặt với tình trạng lao động hết hạn hợp đồng không về nước mà ra ngoài làm việc không có giấy tờ. Tỷ lệ lao động đang cư trú bất hợp pháp chiếm gần 8,8% trong tổng số 6.000 người của tỉnh đi làm việc tại Hàn Quốc. Là địa phương có số lao động bỏ trốn cao nên tháng 6 vừa qua, Thanh Hóa buộc phải tạm dừng đưa lao động đi làm việc ở Hàn Quốc.

“Tỉnh đã áp dụng nhiều giải pháp ngăn chặn như hướng dẫn các huyện, thành phố ký cam kết, giao chỉ tiêu cho tổ chức đoàn thể, chính quyền vận động lao động về nước đúng hạn; gửi danh sách người cư trú bất hợp pháp để thông báo đến từng thôn xóm, gia đình lao động; chế tài xử phạt cũng đã có. Song những biện pháp này vẫn không hạn chế được tình trạng lao động bỏ trốn” - ông Tùng chia sẻ.

Tương tự, tại Hải Dương, theo thống kê của Sở LĐTBXH, năm 2021, toàn tỉnh có hơn 700 lao động sang Hàn Quốc làm việc theo Chương trình EPS (Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc, có hiệu lực từ năm 2004) nhưng không về nước đúng thời hạn và trốn ở lại, lưu trú bất hợp pháp.

Trong đó, số lao động bỏ trốn tập trung nhiều ở các huyện Cẩm Giàng, Gia Lộc và TP. Chí Linh. Riêng TP. Chí Linh 6 tháng đầu năm nay có trên 70 lao động lưu trú bất hợp pháp tại nước này. Do đó, Chí Linh đã bị liệt vào “danh sách đen” cấm lao động tiếp tục sang Hàn Quốc làm việc trong năm 2023 (trừ lĩnh vực nông nghiệp và ngư nghiệp) nếu số lao động đang cư trú bất hợp pháp không về nước trong năm nay.

“Tôi đã hoàn tất hồ sơ, giấy tờ và học xong tiếng Hàn nhưng chưa biết khi nào mới được đi. Phía Hàn Quốc chỉ mở cửa đón lao động của TP. Chí Linh sang làm việc theo Chương trình EPS khi số lao động lưu trú bất hợp pháp của địa phương về nước hết vào cuối năm nay. Việc họ không về cũng có nghĩa cơ hội sang Hàn Quốc làm việc của tôi có nguy cơ bị khép lại” - anh Phạm Văn Hội ở phường Sao Đỏ (TP. Chí Linh) chia sẻ.

Không riêng anh Hội mà còn hàng chục nghìn lao động bị lỡ cơ hội xuất cảnh vì số lao động bỏ trốn. Đánh giá của Bộ LĐTBXH cũng cho thấy, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, năm 2020-2021, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Số lượng đi làm việc ở nước ngoài năm 2020 là 78.641 người, năm 2021 là 45.058 người.

Tuy nhiên, từ năm 2022, hoạt động này có dấu hiệu phục hồi (8 tháng năm 2022, số lao động đi làm việc ở nước ngoài đạt 81.000 lao động, bằng 90% kế hoạch năm 2022). Dự kiến, năm 2022, số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài có thể đạt 105.000 người.

Mặc dù vậy, Bộ LĐTBXH cũng thừa nhận, một trong những vấn đề nhức nhối nhiều năm liền của công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài là tình trạng lao động hết hạn hợp đồng không về nước, cư trú bất hợp pháp.

Cần biện pháp cấp bách và lâu dài

Theo quy định, lao động Việt Nam trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS phải ký Quỹ 100 triệu đồng tại Ngân hàng Chính sách xã hội tại nơi đăng ký thường trú. Thời hạn ký Quỹ 5 năm 6 tháng để đảm bảo thực hiện đúng hợp đồng, về nước đúng thời hạn.

Lao động làm việc ở nước ngoài bỏ trốn khỏi nơi làm việc trong hợp đồng hoặc ở lại làm việc trái phép sẽ bị phạt tiền 80-100 triệu đồng. Trường hợp xử phạt thuộc ba nhóm: Người ở lại nước ngoài trái phép sau khi hết hạn hợp đồng lao động, hết hạn cư trú; bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng; nhập cảnh nước tiếp nhận lao động mà không đến nơi làm việc theo hợp đồng.

Ngoài phạt tiền, lao động vi phạm còn bị cấm đi làm việc ở nước ngoài 2-5 năm. Song theo các chuyên gia, biện pháp này không hiệu quả bởi chênh lệch thu nhập khi ở lại rất lớn nên dù biết bị phạt, nhiều lao động vẫn chấp nhận.

Để hạn chế tình trạng này, đại diện doanh nghiệp cho rằng cơ quan quản lý nhà nước cần kiểm tra chặt chẽ việc thu phí của công ty xuất khẩu lao động và xử phạt nặng đơn vị làm sai; có chế tài đủ mạnh với doanh nghiệp, lao động phá vỡ hợp đồng như phạt tiền hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về lâu dài, Nhà nước cần tạo việc làm cho lao động hậu xuất khẩu. Thực tế, nhiều người thất nghiệp sau khi về quê càng thôi thúc người đang làm việc tìm mọi cách ở lại. Bộ LĐTBXH cũng cần đàm phán nâng thời hạn hợp đồng đi làm việc lên hơn 5 năm thay vì mức thông thường 3 năm như hiện nay. Có như vậy, lao động mới yên tâm làm việc, không còn tâm lý bỏ trốn ra ngoài hoặc hết hợp đồng không về nước./.
         
Theo ông Nguyễn Gia Liêm - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH), người lao động bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp khi đi làm việc ở nước ngoài xuất phát từ trình độ nhận thức, tác phong lao động yếu. Vì vậy, người lao động không nhận thức được sự nguy hiểm, tác hại của việc bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp đối với bản thân, gia đình và xã hội. Nếu bị phát hiện, lao động sẽ bị nước bạn bắt giam, trục xuất và mất cơ hội nhập cảnh trở lại.
THÀNH ĐỨC - MINH LONG

Cùng chuyên mục
Lao động xuất khẩu bỏ trốn: Cần chế tài đủ mạnh!