Ảnh minh họa - Nguồn: sưu tầm. |
Theo Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), trong 8 tháng của năm 2020, Cục Tài chính doanh nghiệp đã nhận được báo cáo phê duyệt phương án cổ phần hóa của 6 doanh nghiệp; trong đó có 1 doanh nghiệp thuộc kế hoạch cổ phần hóa theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng về việc phê duyệt Danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020 là Công ty TNHH MTV Giống gia súc Hải Dương. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã hoàn thành công bố giá trị doanh nghiệp của 1 tổng công ty là Công ty mẹ - Tổng công ty Phát điện 2 (EVNGENCO2).
Lũy kế giai đoạn 2016 đến tháng 8/2020, đã có 177 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 443.503 tỷ đồng; trong đó giá trị vốn Nhà nước là 207.116 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong 177 doanh nghiệp đã cổ phần hóa, chỉ có 37/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đạt 28% kế hoạch.
Như vậy, số doanh nghiệp còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch 4 tháng còn lại năm 2020 là 91 doanh nghiệp. Những đơn vị còn nhiều doanh nghiệp thuộc danh sách phải thực hiện cổ phần hóa trong năm 2020 là thành phố Hà Nội có 13 doanh nghiệp (4 tổng công ty), chiếm 14% kế hoạch; Thành phố Hồ Chí Minh có 38 doanh nghiệp (11 tổng công ty), chiếm 40% kế hoạch; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải cổ phần hóa 6 doanh nghiệp (3 tập đoàn, 3 tổng công ty); Bộ Công Thương có 4 doanh nghiệp (3 tổng công ty; trong đó đã công bố giá trị 1 tổng công ty); Bộ Xây dựng có 2 tổng công ty.
Theo các chuyên gia kinh tế thì để cổ phần hóa được 91 doanh nghiệp từ nay đến cuối năm, nghĩa là trung bình mỗi tháng, cả nước sẽ phải cổ phần hóa khoảng 22 doanh nghiệp, điều này không thể thực hiện được và kế hoạch hoàn thành mục tiêu cổ phần hóa năm nay sẽ khó hoàn thành. Trong khi đó, sắp xếp, cổ phần hóa là con đường duy nhất để nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp Nhà nước, khơi thông nguồn lực cho kinh tế quốc gia.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, chậm trễ là căn bệnh thường thấy ở các kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Các doanh nghiệp nhà nước vẫn luôn có nhiều lý do để giải thích cho việc chậm trễ trong quá trình thực hiện cổ phần hóa, điều này đã khiến cho mục tiêu về tiến độ cổ phần hóa theo kế hoạch không thể hoàn thành.
Theo ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp: tiến độ cổ phần hóa trong những tháng đầu năm 2020 chậm, do diễn biến khó lường của dịch COVID-19 khiến cho sản xuất, kinh doanh và các hoạt động khác của xã hội đình trệ. Việc triển khai cổ phần hóa, thoái vốn của các doanh nghiệp gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, đối tượng cổ phần hoá, thoái vốn trong giai đoạn này bao gồm một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn, có tình hình tài chính phức tạp, phạm vi hoạt động rộng, sở hữu nhiều đất đai tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước nên việc xử lý tài chính, phê duyệt phương án sử dụng đất; xác định, kiểm toán giá trị doanh nghiệp, bán cổ phần lần đầu gặp nhiều khó khăn, thời gian kéo dài.
Một số doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa quy mô lớn như Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Lương thực Miền Bắc, Tổng công ty Viễn thông Mobifone (Mobifone), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Argibank)… hiện vẫn chưa hoàn thành phê duyệt phương án sử dụng đất để có thể tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp.
Ngoài ra, nhiều quy định mới về cổ phần hóa, thoái vốn mới được ban hành theo hướng ngày càng chặt chẽ, công khai, minh bạch, bảo đảm tối đa lợi ích của Nhà nước, quy trình thực hiện dài hơn khiến các doanh nghiệp phải thực hiện lại từ đầu hoặc một số nội dung, công đoạn trong quá trình cổ phần hóa, thời gian thực hiện kéo dài hơn.
Đặc biệt, theo nhận định trong báo cáo mới đây của Cục Tài chính doanh nghiệp, vẫn còn một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và doanh nghiệp nhà nước chưa nghiêm túc, quyết liệt trong chỉ đạo và triển khai thực hiện; chưa chủ động theo thẩm quyền hoặc tham mưu, đề xuất để tháo gỡ các vướng mắc, bất cập.
Theo ông Đặng Quyết Tiến, hiện tượng không dám làm, không dám chịu trách nhiệm, viện dẫn vào các khó khăn vướng mắc để chậm hoặc không thực hiện gây ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn.
Chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương cũng cho rằng quy định về cổ phần hóa đã có nhiều nhưng vẫn còn “lỗ hổng”, quá trình thực thi cũng không tốt làm cho cổ phần hóa bị chậm. Ngoài ra, việc cổ phần hóa còn hình thức, không thay đổi bộ máy, con người, cơ chế...
Bộ Tài chính cho biết đã đề nghị các doanh nghiệp Nhà nước thuộc diện cổ phần hóa cần khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai trình UBND các tỉnh, thành phố có ý kiến về phương án và giá đất. Từ đó để cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa theo đúng quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công và Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần cùng các văn bản sửa đổi, bổ sung.
Bên cạnh đó, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc danh mục cổ phần hóa đến hết năm 2020 triển khai hoàn thành xác định giá trị doanh nghiệp, xử lý tài chính, công bố giá trị doanh nghiệp trong năm 2020.
Đồng thời, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước phải thực hiện thoái vốn trong năm 2020 triển khai thoái vốn theo quy định, kịp thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quy định đối với các trường hợp thoái vốn gặp khó khăn, vướng mắc để điều chỉnh cho phù hợp.
Đặc biệt, Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh, người đứng đầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo quyết liệt trong việc triển khai cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước theo kế hoạch đã đề ra, gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước. Người đứng đầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ khi không hoàn thành nhiệm vụ theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ đã giao.
Chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương cũng cho rằng giải pháp để đẩy mạnh cổ phần hóa là phải bịt các "lỗ hổng" rất nhanh và rất mạnh... Quá trình cổ phần hóa phải chặt chẽ hơn nữa, có kiểm soát, giám sát…